Tìm hiểu phương pháp điều trị loãng xương ở người trẻ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu phương pháp điều trị loãng xương ở người trẻ
Loãng xương ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nếu không điều trị loãng xương ở người trẻ nhanh chóng và kịp thời, bệnh có thể làm ảnh hưởng đến sức mạnh và mật độ của xương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương do loãng xương sau này.

1. Phương pháp điều trị loãng xương ở người trẻ

Phương pháp điều trị bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng có thể bao gồm:

- Chẩn đoán và điều trị các bệnh, các tình trạng y tế có liên quan đến xương. Nếu loãng xương được gây ra từ các căn bệnh khác, thì việc bạn phải làm là chữa trị căn bệnh đó trước khi tiến hành điều trị loãng xương.

- Thay đổi thuốc, có thể giảm liều hoặc kê đơn thuốc khác nếu những loại thuốc đang sử dụng làm ảnh hưởng xấu đến xương.

- Trong trường hợp những người trẻ bị loãng xương nặng thì có thể phải dùng đến thuốc để kiểm soát các cơn đau. Cũng có một số loại thuốc giúp tăng cường sức mạnh và chất lượng của xương, hỗ trợ điều trị loãng xương hiệu quả.

Thuốc điều trị loãng xương ở người trẻ

Thuốc Bisphosphonates là nhóm thuốc điều trị loãng xương phổ biến nhất dành cho những người trẻ tuổi. Bisphosphonates có thể được sử dụng qua đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch.

Những loại thuốc này làm chậm quá trình mất xương, và trong một số trường hợp, chúng có khả năng làm tăng mật độ xương. 

Trước khi bắt đầu dùng bisphosphonate, bác sĩ sẽ xác định xem bạn có đủ canxi trong máu hay không và thận của bạn có hoạt động tốt không.

Khi dùng các loại thuốc này, điều quan trọng là phải đứng hoặc ngồi thẳng trong 30 phút sau khi nuốt thuốc. Điều này giúp giảm nguy cơ ợ nóng và loét thực quản. Chỉ nên ăn sau khi đã uống thuốc được 30 phút.

Các thuốc Bisphosphonates thường được sử dụng cho đối tượng trẻ tuổi là:

- Alendronate ( Fosamax ): Thuốc này được sử dụng để điều trị loãng xương và ngăn ngừa mất xương ở phụ nữ. Trong các thử nghiệm lâm sàng, alendronate đã được chứng minh là làm giảm 50% nguy cơ gãy xương cột sống và hông mới. 

Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, trào ngược dạ dày, táo bón,... Uống thuốc hàng ngày vào buổi sáng, hoặc uống 1 lần/tuần theo chỉ định của bác sĩ.

- Risedronate ( Actonel ): Sử dụng Risedronate hàng ngày có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ gãy xương đốt sống. Tác dụng phụ của thuốc là gây khó chịu đường tiêu hóa. Thuốc chống chỉ định cho người bị suy thận nặng.

-  Zoledronate (Reclast): Đây là một loại thuốc bisphosphonate tiêm tĩnh mạch mạnh được tiêm mỗi năm một lần. Điều này đặc biệt có lợi cho những bệnh nhân không thể dung nạp bisphosphonates theo đường uống hoặc đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ việc sử dụng thuốc uống thường xuyên theo yêu cầu.

Phương pháp điều trị loãng xương vô căn ở người trẻ

Có một số trường hợp hiếm gặp, người trẻ bị loãng xương vô căn, không tìm thấy nguyên nhân cơ bản. Nói chung, bệnh loãng xương vô căn có xu hướng tự giải quyết, và hầu hết người trẻ sẽ tự phục hồi hoàn toàn các mô xương. 

Tuy nhiên cũng có trường hợp xương không thể khỏe mạnh và bình thường như những người khác ở cùng độ tuổi.

Vì không biết rõ nguyên nhân, nên việc điều trị loãng xương vô căn là rất khó khăn. Việc bạn cần làm là hợp tác chặt chẽ và tuân theo kế  hoạch điều trị của các bác sĩ. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng của xương để có những biện pháp can thiệp kịp thời, giúp ngăn ngừa gãy xương và giảm nguy cơ mắc các vấn đề dài hạn.

Những người trẻ bị loãng xương vô căn cũng cần duy trì lối sống lành mạnh, năng vận động, thiết lập chế độ ăn giàu dinh dưỡng,... để nâng cao sức khỏe cho xương, làm chậm lại quá trình loãng xương.

2. Thay đổi lối sống để hỗ trợ điều trị loãng xương ở người trẻ

- Tăng cường tập thể dục thể thao. Bạn có thể phải cần đến sự tư vấn của các chuyên gia vật lý trị liệu để phát triển chương trình tập thể dục thúc đẩy sự phát triển của xương, an toàn và sẽ không gây ra gãy xương.

- Tăng canxi trong chế độ ăn uống để điều trị loãng xương, bởi canxi là khoáng chất quyết định sức khỏe của xương. Nguồn canxi trong chế độ ăn uống bao gồm các sản phẩm từ sữa (như sữa, phô mai và sữa chua), rau xanh, đậu phụ, các loại hạt, đậu và thực phẩm tăng cường canxi (ví dụ, sữa đậu nành). 

Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn muốn bổ sung thêm canxi qua thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng.

- Để điều trị loãng xương hiệu quả, bạn cũng cần giúp cơ thể nhận đủ vitamin D. Vitamin D giúp tăng hấp thu canxi và củng cố xương khớp. Phần lớn vitamin D chúng ta nhận được là từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, bạn nên hoạt động ngoài trời, nên để da tiếp xúc với ánh nắng mỗi ngày để cơ thể tổng hợp đủ vitamin D. 

Lượng thời gian phơi nắng chính xác phụ thuộc vào màu da, thời gian trong năm và phụ thuộc vào nơi bạn sống. Nếu bạn không thể chắc chắn mình có nhận đủ vitamin D hay không, hãy đi khám và xét nghiệm tại các trung tâm dinh dưỡng.

- Tránh các thực phẩm gây hại cho xương như rượu bia, cà phê, trà, nước ngọt, thực phẩm đóng hộp,... Bạn cũng cần tránh xa thuốc lá để đảm bảo hiệu quả điều trị loãng xương.

- Trong quá trình điều trị loãng xương, hãy tránh cho xương bị tổn thương nặng nề hơn bằng cách tránh các môn thể thao nặng, các môn thể thao tiếp xúc, tránh mang vác quá nặng, tránh làm việc sai tư thế, đi đứng cẩn thận để hạn chế té ngã,... Việc gãy xương hoặc làm xương bị tổn thương có thể khiến việc điều trị loãng xương bị gián đoạn hoặc gặp nhiều khó khăn.


Tác giả: Mai Nhung