Một số dấu hiệu âm thầm của bệnh loãng xương và biến chứng nguy hiểm cần đề phòng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa phẫu thuật ngoại thần kinh cột sống Bệnh viện Việt Đức
Một số dấu hiệu âm thầm của bệnh loãng xương và biến chứng nguy hiểm cần đề phòng
Khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh loãng xương như đau nhức xương, đau cột sống lưng... thì tỷ lệ xương bị mất đã lên tới khoảng 30%. Nếu không được điều trị tích cực, xương sẽ dần trở nên xốp và giòn, khi đó gãy xương là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Định nghĩa về loãng xương được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đưa ra vào năm 1991, tại Thụy Sĩ, và tiếp tục hoàn thiện cập nhật vào năm 2001. Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. 

Sức mạnh của xương được phản ánh thông qua hai yếu tố: khối lượng xương và chất lượng xương. Đo mật độ xương sẽ cho ta biết lượng chất khoáng trong 1 đơn vị diện tích hoặc thể tích của xương. Còn chất lượng xương được đánh giá bởi các thông số: cấu trúc của xương, tốc độ chuyển hóa của xương, độ khoáng hóa, mức độ tổn thương tích lũy, tính chất của các chất cơ bản của xương.

Do biểu hiện âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh về xương khớp khác nên khi người bệnh phát hiện bị loãng xương cũng là lúc bệnh đã có biến chứng.

1. Dấu hiệu của bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc biệt nên rất khó để nhận ra. Tuy nhiên, nếu bạn có những biểu hiện dưới đây thì nên lưu ý vì có thể chúng là dấu hiệu của bệnh loãng xương đấy nhé.

1.1. Đau nhức xương

Đau nhức xương là một trong các dấu hiệu của bệnh loãng xương bạn không nên chủ quan. Người bệnh thường cảm thấy đau mỏi dọc các xương dài trên cơ thể, đặc biệt là xương chân, xương tay. Ngoài ra là đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh hay bị chuột rút các cơ... Đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu hoặc khi thay đổi tư thế.

1.2. Đau cột sống lưng

Không chỉ có đau xương ở các vị trí như chân, tay mà đau cột sống lưng cũng là dấu hiệu của bệnh loãng xương. Cảm giác đau xuất hiện ở vùng ngang thắt lưng hoặc lan sang một hay hai bên mạng sườn. Đau cột sống lưng còn có thể kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, giật cơ khi thay đổi tư thế.

1.3. Rối loạn tư thế cột sống, chuột rút

Loãng xương khiến cho các đốt sống bị lún, xẹp dẫn đến gù lưng khi lớn tuổi, cong vẹo cột sống, giảm chiều cao. Hơn nữa, cơ thể của bạn sẽ gặp cảm giác ớn lạnh, thường ra mồ hôi và bị chuột rút.

1.4. Các dấu hiệu khác

Nghe thì tưởng như không liên quan nhưng đầy bụng, chậm tiêu, đau ngực hay khó thở cũng nằm trong số những dấu hiệu của bệnh loãng xương.

Trong một số trường hợp bị loãng xương nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng về hô hấp, đau vùng bụng do gù và có sự gập cột sống quá mức, bờ dưới xương sườn chạm vào mào chậu khiến các tạng trong ổ bụng bị chèn ép gây cảm giác khó chịu.

2. Biến chứng gãy xương do loãng xương

Theo báo Dân Trí, khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh loãng xương nêu trên thì tỷ lệ xương bị mất có thể đã lên tới 30%. Nếu không được điều trị tích cực, xương sẽ dần trở nên xốp và giòn. Do vậy mà xương cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay… lúc này sẽ rất dễ bị gãy dù chỉ chịu các tác động, va chạm nhẹ. Thậm chí đôi khi chỉ do thay đổi tư thế đột ngột hoặc hắt hơi mạnh.

Thêm vào đó, thời gian liền xương sau chấn thương cũng lâu hơn, chưa kể khả năng cao dẫn đến thương tật suốt đời.

Trong số những biến chứng của loãng xương thì gãy xương là hậu quả nguy hiểm nhất. Các vị trí gãy xương thường gặp là ở đốt sống lưng, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay...

2.1. Gãy xẹp đốt sống lưng

Gãy xẹp cột sống lưng, thắt lưng do loãng xương khiến người bệnh bị gù, giảm chiều cao. Tình trạng này còn có thể chèn ép các rễ thần kinh gây đau, rối loạn cảm giác, phản xạ, làm bệnh nhân dễ mắc các bệnh do nhiễm trùng cơ hội.

Bên cạnh đó còn có gãy xẹp đốt sống kiểu hình đĩa (Mặt trên hoặc mặt dưới của thân đốt sống bị lõm và chiều cao chính giữa thân đốt sống < 80%) và gãy hình chêm (Chiều cao phía trước thân đốt sống, lún xẹp < 80% so với chiều cao ở gãy xương vùng cẳng tay).

2.2. Gãy cổ xương đùi

Biến chứng gãy cổ xương đùi do loãng xương thường xảy ra ở người cao tuổi và mắc nhiều bệnh phối hợp nên tỉ lệ tử vong liên quan đến gãy cổ xương đùi cao hơn so với gãy xương ở các vị trí khác. 

Khi bị gãy cổ xương đùi, bệnh nhân phải bất động, nhất là ở người già dễ bị loét các điểm tỳ (mông, gót...). Kèm theo đó có thể là viêm phổi phế quản, ứ đọng đờm dãi vì bệnh nhân phải bất động dài ngày, từ đó làm tăng nguy cơ và tăng tỉ lệ tử vong.

2.3. Gãy đầu dưới xương quay

Gãy đầu dưới xương quay và gãy xẹp cột sống do loãng xương thường hay gặp nhất ở phụ nữ sau mãn kinh. Đối tượng này đa số có độ tuổi trẻ hơn so với những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi. 

Với gãy đầu dưới xương quay, điển hình nhất là khi ngã về phía trước và chống tay xuống đất. Do bị loãng xương nên bệnh nhân cần phải bó bột trong vòng 4 - 6 tuần để có thể liền xương. 

2.4. Gãy xương ở các vị trí khác

Gãy xương ở các vị trí khác có liên quan đến loãng xương bao gồm gãy đầu trên xương đùi, xương cảnh chậu, đầu xa của xương chầy hoặc xương chầy/mác, xương sườn hoặc thân xương chầy.

Tại các vị trí xương dễ gãy nêu trên chủ yếu là do giảm các bè xương so với phần xương đặc. Điều này rất quan trọng vì khi tăng chu chuyển xương thì các vị trí có nhiều xương bè dễ bị mất xương và hậu quả dễ gãy xương do chấn thương nhẹ. Ở các vị trí có xương đặc chiếm ưu thế rất ít khi xảy ra gãy xương (như xương bàn chân, xương cổ tay).

Theo khuyến cáo của Hiệp hội chống loãng xương thế giới (IOF - International Osteoporosis Foundation), những người trên 50 tuổi, có một trong những yếu tố sau nên đo mật độ xương:

- Giảm chiều cao ≥ 3cm (so với độ tuổi 20-30)

- Cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây

- Thiếu estrogen ở nữ như sau khi mãn kinh, cắt buồng trứng. Hoặc thiếu androgen ở nam trên 50 tuổi

- Tiền sử gãy xương: Có cha mẹ hoặc bản thân đã bị gãy cổ xương đùi sau một chấn thương nhẹ ở tầm thấp

- Tiền sử hoặc hiện tại có dùng corticoid liều bất kỳ liên tục trong thời gian trên 3 tháng

- Sử dụng chất kích thích: Uống rượu: ≥ 8g cồn tinh hoặc 375ml bia 60 hoặc 30ml rượu mạnh/ngày; hay hút thuốc lá ≥ 20 điếu/ ngày.

Gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực y tế, Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Với hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – 468 Nguyễn Trãi - Phường 8 - Quận 5 – TP. HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.730.8999 để được tư vấn.

Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/

Xem thêm:

=>> Bổ sung canxi như thế nào để phòng tránh loãng xương hiệu quả?

=>> Bổ sung canxi không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ nào?


logo vietlife healthcare-done

Tác giả: An Di