Loãng xương ở phụ nữ: Những điều cần biết

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Loãng xương ở phụ nữ: Những điều cần biết
Nghe có vẻ không công bằng, nhưng sự thật là nguy cơ loãng xương ở phụ nữ cao gấp 2 lần nam giới. Hiểu về loãng xương ở phụ nữ sẽ giúp bạn phòng tránh và điều trị căn bệnh này hiệu quả hơn.

1. Loãng xương ở phụ nữ thường gặp hơn ở nam giới

Là phụ nữ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương cao hơn. Dưới đây là một số sự thật:

- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới 2 lần. Đặc biệt, phụ nữ mãn kinh có nguy cơ bị loãng xương cao gấp 4 lần đàn ông ở tuổi trung niên.

- Trong số 10 triệu người Mỹ ước tính bị loãng xương, khoảng tám triệu người là phụ nữ, chiếm đến 80%.

- Có khoảng 50% phụ nẽ trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương vì chứng loãng xương.

- Nguy cơ gãy xương hông của phụ nữ tương đương với nguy cơ bị cùng lúc các bệnh ung thư vú, tử cung và buồng trứng.

Có nhiều lý do tại sao phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới, bao gồm:  

- Phụ nữ có xu hướng có xương nhỏ hơn và mỏng hơn nam giới

- Phụ nữ phải trải qua quá trình mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ làm thiếu hụt canxi.

- Phụ nữ sẽ bị thiếu hụt hormone estrogen có tác dụng bảo vệ xương khi bước vào tuổi mãn kinh.

2. Vấn đề loãng xương ở phụ nữ ở các độ tuổi

Loãng xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh:

Khi một phụ nữ đến tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể giảm xuống và có thể dẫn đến mất xương. Đối với một số phụ nữ, quá trình mất xương này có thể diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng. Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh loãng xương của bạn là:

- Số lượng xương bạn có khi bạn đến tuổi mãn kinh: Mật độ xương của bạn bắt đầu càng lớn, khả năng mắc bệnh loãng xương càng thấp. Nếu bạn có khối lượng xương đỉnh thấp hoặc các yếu tố nguy cơ khác khiến bạn bị mất xương, khả năng bạn bị loãng xương là cao hơn. 

 - Bạn mất xương nhanh như thế nào sau khi đến tuổi mãn kinh: Đối với một số phụ nữ, mất xương xảy ra nhanh hơn so với những người khác. Trên thực tế, một người phụ nữ có thể mất tới 20% mật độ xương trong 5 - 7 năm sau khi mãn kinh. Nếu bạn mất xương nhanh chóng, bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.  

Loãng xương ở phụ nữ trẻ tuổi:

Mặc dù loãng xương là phổ biến nhất ở người lớn tuổi, nhưng đôi khi nó cũng ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, bao gồm cả phụ nữ tiền mãn kinh ở độ tuổi 20, 30 và 40. Thuật ngữ "tiền mãn kinh" đề cập đến những phụ nữ vẫn đang có kinh nguyệt đều đặn và chưa đến tuổi mãn kinh. 

Mặc dù phụ nữ tiền mãn kinh bị loãng xương là không phổ biến, nhưng một số phụ nữ trẻ có mật độ xương thấp làm tăng khả năng bị loãng xương sau này.

Đôi khi loãng xương ở phụ nữ trẻ cũng có thể là do đang mắc một căn bệnh khác hoặc sử dụng một loại thuốc gây loãng xương.  Loãng xương gây ra bởi một tình trạng y tế hoặc một loại thuốc được gọi là loãng xương thứ phát. 

Đôi khi phụ nữ trẻ bị loãng xương mà không rõ lý do. Điều này được gọi là loãng xương vô căn, chỉ chứng loãng xương không giải thích được và không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

3. Phòng tránh loãng xương ở phụ nữ

- Cung cấp đủ canxi và vitamin D cho cơ thể, ăn một chế độ ăn uống cân bằng.

- Chăm chỉ tập thể dụng, thường xuyên vận động.

- Tránh xa rượu bia, thuốc lá.

- Cần bổ sung canxi khi mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ.

- Bạn cần xây dựng xương dày hơn, khỏe hơn ngay từ khi còn trẻ để xương bạn đủ khỏe khi bước vào thời kỳ mãn kinh.

- Bạn có thể sử dụng liệu pháp hormone, sử dụng thuốc bổ sung estrogen khi bước vào tuổi mãn kinh. Tuy nhiên việc này cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn. Một số phụ nữ được khuyên không nên dùng liệu pháp hormone bởi có thể làm tăng rủi ro bị ung thư vú, đột quỵ, đau tim, cục máu đông và suy giảm nhận thức (tâm thần). 

4. Chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ

Chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ tuổi trung niên

Đối với phụ nữ tuổi trung niên, phụ nữ đang ở thời kỳ mãn kinh, thường được chuẩn đoán loãng xương bằng phương pháp xét nghiệm đo mật độ xương. Các bác sĩ sẽ đo khối lượng và chất lượng xương ở vùng hông, cột sống hoặc vùng xương khác để đưa ra chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ. 

Chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ trẻ

Chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ trẻ khá phức tạp. Phương pháp xét nghiệm đo mật độ xương thường không được khuyến khích áp dụng cho phụ nữ trẻ do:

-  Hầu hết phụ nữ tiền mãn kinh có mật độ xương thấp không làm tăng nguy cơ gãy xương trong tương lai gần. Do đó, có thông tin về mật độ xương chỉ có thể gây ra lo lắng và chi phí không cần thiết.

-  Một số phụ nữ trẻ có mật độ xương thấp vì gen của họ (tiền sử gia đình) khiến họ có khối lượng xương đỉnh thấp. Không có phương pháp nào có thể thay đổi tình trạng này.

- Xét nghiệm kiểm tra mật độ xương có thể đánh giá thấp mật độ xương ở những phụ nữ nhỏ và gầy. Do vậy chỉ số xét nghiệm kiểm tra mật độ xương cần phải được đối chiếu với kích thước cơ thể của người đó.

Kiểm tra mật độ xương thường chỉ được thực hiện cho phụ nữ tiền mãn kinh nếu họ dễ gãy xương hoặc gãy xương không bình thường đối với tuổi của họ. Ngoài ra, nếu bạn đang có bệnh hoặc dùng một loại thuốc có nguy cơ gây ra bệnh loãng xương thứ phát, các bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra mật độ xương. 

Chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ trẻ thường bao gồm một số bước. Mặc dù các bước này có thể khác nhau đối với mỗi người, nhưng chúng có thể bao gồm:

- Kiểm tra lịch sử y tế.

-  Khám sức khỏe.

-  Xét nghiệm mật độ xương (mật độ xương).

- Xét nghiệm chuyên sâu.

- X-quang.

5. Điều trị loãng xương ở phụ nữ

- Chế độ dinh dưỡng giàu canxi, vitamin D và các khoáng chất.

- Tập luyện các bài thể thao tốt cho xương.

- Có thể sử dụng thuốc điều trị loãng xương dưới sự chỉ định của bác sĩ. Với phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh, có thể sử dụng kèm thuốc tăng nội tiết tố.


Bài gốc: https://www.nof.org/preventing-fractures/general-facts/what-women-need-to-know/

Tác giả: Mai Nhung