Những điều cần biết về loãng xương ở người trẻ tuổi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về loãng xương ở người trẻ tuổi
Loãng xương là nguyên nhân của hơn 1 triệu ca gãy xương mỗi năm - những tổn thương thường gặp ở người già. Tuy nhiên, tình trạng loãng xương ở người trẻ tuổi dường như đang lan rộng, ngay cả với những người có vóc dáng cân đối.

1. Các triệu chứng loãng xương ở người trẻ tuổi

Loãng xương là tình trạng khiến xương trở nên bớt "đậm đặc" hơn và yếu hơn, khiến chúng dễ gãy hơn. Nhưng bệnh loãng xương có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào mà bạn có thể nhận thấy.

Đó là lý do tại sao loãng xương thường được gọi là bệnh lý thầm lặng. Bệnh thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi gãy xương. Loãng xương ở người trẻ thường hay gây gãy xương ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.

Trong một số trường hợp, loãng xương ở người trẻ tuổi có một số triệu chứng sớm như:

- Đau ở lưng dưới, hông và bàn chân.

- Gặp khó khăn khi đi bộ.

- Cột sống cong bất thường.

2. Nguyên nhân gây loãng xương ở người trẻ tuổi

Loãng xương thường hiếm gặp ở những người trẻ tuổi, nguyên nhân thường được chia là hai loại là loãng xương thứ phát và loãng xương vô căn.

Loãng xương thứ phát là do ảnh hưởng của một tình trạng y tế tiềm ẩn hoặc do lối sống kém lành mạnh:

- Người trẻ bị loãng xương do ảnh hưởng bởi một số bệnh khác như ung thư xương, bệnh tiểu đường, bệnh thận, cường giáp, hội chứng Cushing, bệnh viêm ruột, xơ nang và chứng chán ăn.

- Do sử dụng một số loại thuốc có ảnh hưởng đến xương như thuốc điều trị ung thư,  thuốc chống co giật được sử dụng để quản lý bệnh động kinh, thuốc corticosterioid được sử dụng để điều trị một loạt các tình trạng bao gồm viêm khớp và hen suyễn.

- Do dinh dưỡng kém, thiếu canxi và vitamin D.

- Lười vận động hoặc tập thể dục quá sức.

Ít phổ biến hơn, loãng xương xảy ra mà không rõ nguyên nhân được gọi là loãng xương vô căn ở người trẻ. Loãng xương vô căn thường gặp ở các chàng trai hơn các cô gái. Nó thường bắt đầu ngay trước tuổi dậy thì. 

Mật độ xương của trẻ có thể phục hồi chủ yếu ở tuổi dậy thì, nhưng vẫn không hoàn toàn bình thường khi khối lượng xương đạt đến đỉnh điểm khi trưởng thành.

3. Phương pháp chẩn đoán loãng xương ở người trẻ tuổi

Bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi thường không được chẩn đoán cho đến khi họ bị gãy xương mà không bị ngã nặng hoặc chấn thương khác. Nguyên nhân là do loãng xương rất hiếm gặp ở người trẻ, nên thường bị chẩn đoán sai, chẩn đoán nhầm. 

Người trẻ tuổi cũng không có thói quen đi kiểm tra xương khớp định kỳ. Người trẻ tuổi cũng thường chủ quan khi gặp các dấu hiệu đau nhức xương khớp, đơn giản chỉ cho rằng đó là dấu hiệu tạm thời khi ngồi quá lâu, khi làm việc quá sức.

Chẩn đoán loãng xương ở người trẻ tuổi có thể bao gồm: 

- Kiểm tra lịch sử y tế chi tiết của bệnh nhân và cả gia đình bệnh nhân.

- Kiểm tra thể chất.

- Quét xương, đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA) để kiểm tra mật độ xương.

- Xét nghiệm máu.

Cần chú ý ở những người trẻ có bộ xương mỏng manh, có điểm mật độ khoáng xương thấp.

4. Điều trị bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi

Bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi. Nếu loãng xương được gây ra bởi 1 căn bệnh khác, thì việc ưa tiên là phải điều trị căn bệnh đó trước. Nếu loãng xương do thuốc thì cần thay thuốc hoặc sử dụng liều thấp hơn.

Thường các thuốc trị loãng xương dành cho người già sẽ không được sử dụng để điều trị loãng xương ở người trẻ tuổi. Tất cả những người trẻ, bao gồm cả người trẻ bị loãng xương, cần có một lối sống lành mạnh. Điều này bao gồm chế độ ăn giàu canxi , vitamin D và protein và hoạt động thể chất an toàn nhất có thể. Tốt nhất là tránh dùng rượu bia, thuốc lá và caffeine. 

Khi bị loãng xương, người trẻ cần bảo vệ xương của mình khỏi bị gãy, tránh cho xương bị tổn thương nặng hơn và lâu phục hồi hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. 

Bạn có thể  cần phải sử dụng nạng hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác. Bạn cũng cần tránh các loại hình thể dục nặng, thể thao tiếp xúc, có thể gây ra gãy xương. 


Bài gốc: https://www.webmd.com/osteoporosis/guide/juvenile-osteoporosis-types#1

Tác giả: Mai Nhung