Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát phổ biến nhất

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát phổ biến nhất
Khác với tăng huyết áp nguyên phát không rõ yếu tố gây bệnh, thì nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát lại có thể xác định được. Việc biết rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ đem lại hi vọng chữa khỏi hoàn toàn bệnh cao huyết áp cho bệnh nhân.

Tăng huyết áp thứ phát có thể khiến người bệnh lo lắng. Tìm hiểu một vài nguyên nhân chính gây ra tình trạng này qua bài viết dưới đây!

1. Các bệnh về thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp nhất

Thận là cơ quan rất quan trọng, có nhiệm vụ đào thải cặn bã và chất độc ra khỏi cơ thể. Nếu thận không hoạt động tốt, nó có thể khiến cơ thể giữ nước, khiến huyết áp tăng cao. Có khá nhiều rối loạn chức năng thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát. Điển hình là:

- Bệnh thận do đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể phá hủy hệ thống các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này gây xơ hóa cầu thận, dần dần dẫn đến suy thận và kèm theo bệnh cao huyết áp.

- Bệnh thận đa nang: Cấu trúc và chức năng của thận bị các nang phá vỡ, có thể dẫn đến suy thận và tăng huyết áp.

- Bệnh cầu thận: Cầu thận có chức năng lọc chất thải và muối natri. Cầu thận có vấn đề sẽ khiến lượng muối natri trong máu tăng lên, là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.

- Thận ứ nước: Đôi khi sỏi hoặc bất thường đường tiết niệu sẽ gây tắc đường dẫn nước tiểu, làm thận bị giãn căng do chứa đầy nước tiểu. Sự tắc nghẽn này có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát. Chỉ cần phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn hoặc dẫn lưu nước ra khỏi bể thận thì huyết áp sẽ trở về bình thường.

- Hẹp động mạch thận: Hẹp 1 hoặc cả 2 động mạch ở thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp nguyên phát nặng.

bệnh thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát

Các bệnh về thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp nhất. (Ảnh Internet)

2. Rối loạn nội tiết

Nhiều loại hormone trong cơ thể giúp kiểm soát huyết áp của bạn. Khi sự cân bằng của các hormone này bị mất đi, huyết áp có thể bị tác động. Một số bệnh nội tiết có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát là:

- Hội chứng Cushing: Tuyến thượng thận tăng tiết cortisol trong thời gian dài không chỉ khiến béo mặt, béo bụng, rạn da, teo chân tây,.... mà còn khiến huyết áp tăng cao.

- Cường Aldosteron: Các tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone aldosterone. Điều này làm cho thận của bạn giữ lại muối và nước và mất quá nhiều kali, là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.

- U tủy thượng thận: Khối u hiếm gặp ở tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone adrenaline và noradrenaline khiến cho huyết áp tăng cao kéo dài, hoặc tăng cao từng cơn.

- Bệnh to đầu chi: Là tình trạng tăng tiết quá mức hormone tăng trưởng GH khiến cho đầu ngón tay và ngón chân to, trán dô và cao, răng thưa vẩu,... Có đến 1/3 bệnh nhân to đầu chi bị huyết áp cao.

- Cường giáp: Sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp sẽ làm tăng hoạt tính của adrenaline và noradrenaline khiến cho huyết áp tăng cao.

- Cường cận giáp: Các tuyến cận giáp kiểm soát mức độ canxi và phốt pho trong cơ thể. Nếu các tuyến tiết ra quá nhiều hormone, lượng canxi trong máu sẽ tăng lên, là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát do ảnh hưởng từ các tác dụng phụ. Chẳng hạn như:

- Thuốc chống viêm không steroid.

- Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

- Thuốc thông mũi.

- Thuốc chống trầm cảm.

- Thuốc tránh thai nội tiết.

- Thuốc giảm cân.

- Thuốc có chứa các chất kích thích.

nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát

Rất nhiều loại thuốc có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát. (Ảnh Internet)

4. Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát khác

- Bệnh hẹp động mạch chủ: Khi động mạch bị hẹp, tim sẽ phải co bóp mạnh hơn để giúp máu lưu thông qua đoạn hẹp. Điều này đồng nghĩa với huyết áp sẽ tăng cao.

- Bệnh ngưng thở khi ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân nhân ra tăng huyết áp thứ phát bằng cách can thiệp vào nhịp thở bình thường và làm gián đoạn quá trình cung cấp oxy cho cơ thể. Thiếu oxy sẽ tác động đến trị số huyết áp. Điều may mắn là điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể giúp giảm huyết áp. Do đó bạn không cần thiết phải sử dụng thuốc hạ huyết áp.

- Thừa cân hoặc béo phì: Những người béo thường có lượng máu lưu thông nhiều hơn, tim đập mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với áp lực lên thành động mạch tăng lên, gây huyết áp cao.

- Mang thai: Thai kỳ có thể làm cho bệnh cao huyết áp hiện có trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra bệnh cao huyết áp (tăng huyết áp do thai nghén hoặc tiền sản giật).


Tác giả: Mai Nhung