Phân biệt thoái hóa khớp và loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt thoái hóa khớp và loãng xương
Thoái hóa khớp và loãng xương là hai bệnh lý về xương khớp rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về hai căn bệnh này.

1. Phân biệt thoái hóa khớp và loãng xương

1.1. Thoái hóa khớp 

Thoái hóa khớp là tình trạng mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và hủy hoại sụn khớp, đĩa đệm và xương dưới sụn khiến các tổ chức này bị tổn thương và dẫn đến thay đổi hình thái, cấu trúc, sinh hóa… Sụn khớp và đĩa đệm dần bị bào mòn và mất sụn, nứt rách đĩa đệm, xương dưới sụn bị xơ hóa và hình thành gai xương, các hốc xương.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp có thể là:

- Do yếu tố di truyền, nội tiết (phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh) hoặc do chuyển hóa (ví dụ bệnh đái tháo đường).

- Do chấn thương hoặc u, loạn sản khiến hình thái của khớp và cột sống bị thay đổi (gãy xương, lệch trục khớp…).

- Do quá trình lão hóa cơ thể khi tuổi tác ngày càng tăng cao khiến khả năng tái tạo và sinh sản của các tế bào sụn kém đi, trong khi quá trình huỷ hoại sụn và xương vẫn diễn ra đều, chức năng tổng hợp collagen và mucopolysacarit bị giảm sút.

- Các dị dạng bất thường ở trục khớp do bẩm sinh như khớp quay ra ngoài, khớp quay vào trong, khớp quá duỗi.

- Trọng lượng cơ thể quá lớn do thừa cân, béo phì hoặc lao động nặng nhọc.

- Do các tổn thương viêm tại khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, bệnh gout, viêm khớp nhiễm khuẩn…

Triệu chứng thoái hóa khớp bao gồm:

- Cứng khớp vào buổi sáng từ 15-30 phút.

- Khớp kêu lạo xạo, lục cục mỗi khi co duỗi.

- Đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội sau vận động mạnh hoặc ở tư thế bất lợi. Đau diễn biến theo đợt, có khi liên tục và tăng dần theo mức độ bệnh. 

- Đau khi ngồi xổm, leo cầu thang, đau khi vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi.

- Vận động khớp bị hạn chế, cử động gây đau nhức hoặc cứng cơ, đi lại khập kiễng…

- Biến dạng khớp, teo ổ khớp: đầu gối lệch trục, ngón tay trở nên gồ ghề và cong, ngón chân cứng và cong vẹo…

1.2. Loãng xương

Khác với thoái hóa khớp, loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của hệ xương dẫn đến hiện tượng xốp xương. Nguyên nhân là do sự suy giảm các thành phần tổ chức xương và giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích xương. Từ đó, tổn thương đến sức mạnh và khả năng chịu đựng của xương, tăng nguy cơ nứt xương, gãy xương.

Nguyên nhân của loãng xương bao gồm:

– Do tiền sử gia đình có cha hoặc mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương.

– Thể chất kém phát triển, bị còi xương, suy dinh dưỡng, ăn uống thiếu chất (protein, canxi, vitamin D), lười vận động/tập luyện thể thao, bất động quá lâu do bệnh tật hoặc nghề nghiệp.

– Mắc một số bệnh lý về sinh dục, nội tiết, bệnh đường tiêu hóa, suy thận mãn tính, các bệnh xương khớp mạn tính khác như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp.

– Dùng thuốc chống động kinh, thuốc trị bệnh tiểu đường, thuốc chống đông, thuốc kháng viêm corticosteroid kéo dài.

– Thói quen uống nhiều bia, rượu, cà phê, hút thuốc lá…

Triệu chứng của thoái hóa khớp và loãng xương có thể khiến nhiều người cảm thấy lúng túng, dễ bị nhầm lẫn. Với bệnh loãng xương, khi bệnh xuất hiện biến chứng, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:

- Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.

- Đau xương, đau lưng cấp tính và mạn tính.

- Xương giòn và dễ gãy, thường gặp nhất là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống ở vùng lưng và thắt lưng.

- Vận động cột sống, bả vai và cánh tay bị hạn chế.

- Có dấu hiệu biến dạng cột sống như gù lưng, còng lưng, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.

2. Thoái hóa khớp và loãng xương có quan hệ như thế nào?

Thoái hóa khớp còn được xem là hệ quả của bệnh loãng xương. Loãng xương là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ sau mãn kinh hoặc ở một số đối tượng trẻ hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Quá trình loãng xương kéo dài trong nhiều năm và có thể trùng với quá trình thoái hóa xương khớp. 

Có thể nói, loãng xương gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến quá trình thoái hóa khớp, thúc đẩy quá trình thoái hóa xương khớp diễn ra nhanh và nặng hơn. 

Bên cạnh đó, sự suy giảm mật độ và thể tích xương khiến hệ xương khớp bị suy yếu nghiêm trọng, khả năng chịu lực kém. Các đốt sống trở nên giòn và dễ gãy, dễ lún gây đau nhức cột sống kéo dài. Hiện tượng xẹp lún các đốt xương sẽ gây chèn ép lên sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo các phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy bôi trơn các đầu xương. Từ đó, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống.

Thoái hóa khớp và loãng xương đều để lại những hậu quả nặng nề gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để ngăn ngừa thoái hóa khớp và loãng xương "gõ cửa", mỗi người cần quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ. 

Cần chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, xây dựng lối sống lành mạnh, vận động và luyện tập hợp lý để giúp xương khớp chắc khỏe, ngăn ngừa thoái hóa khớp và loãng xương nói riêng cũng như các bệnh xương khớp nói chung.


Tác giả: An Di