Dự phòng loãng xương là gì? Nguyên nhân, đối tượng, thời gian và phương pháp thực hiện

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Dự phòng loãng xương là gì? Nguyên nhân, đối tượng, thời gian và phương pháp thực hiện
Vì căn bệnh loãng xương không có dấu hiện sớm, sau khi bị giảm mật độ thì xương lại rất khó để hồi phục về trạng thái như ban đầu nên mọi người cần phải dự phòng loãng xương càng sớm càng tốt.

1. Dự phòng loãng xương là gì?

Dự phòng loãng xương là việc thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh loãng xương. 

Hiện nay tình trạng loãng xương tại Việt Nam gia tăng rất nhanh, và đối tượng mắc bệnh loãng xương ngày càng trẻ hóa. 

Việc này thúc giục ngành y tế phải truyền thông rộng rãi về các dự án dự phòng loãng xương. Và bản thân mỗi công dân cũng cần phải tìm hiểu, lựa chọn những phương án dự phòng loãng xương thích hợp để ngăn chặn bệnh tật.

2. Tại sao cần dự phòng loãng xương?

- Loãng xương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của bệnh nhân. Việc vận động và sinh hoạt thường ngày đều bị ảnh hưởng bởi những cơn đau nhức, sức chịu của xương kém. Do vậy, cần dự phòng loãng xương sớm để chất lượng cuộc sống của bạn được đảm bảo lâu dài.

- Theo Tổ chức chống loãng xương Quốc tế (IOF) thống kê, thì loãng xương là nguyên nhân đứng hàng thứ hai kéo theo rất nhiều bệnh tật khác, chỉ sau bệnh tim mạch. Mặt khác, việc chữa trị loãng xương yêu cầu chi phí rất cao, có thể sánh ngang với chi phí chữa các căn bệnh ung thư. 

Tuy nhiên, việc chữa trị loãng xương thường không đem lại hiệu quả như ý muốn. Việc chữa trị sẽ đeo bám bạn trong thời gian dài, thậm chí là đến cuối đời. Vì vậy dự phòng loãng xương có thể giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách y tế nhà nước, cũng như gánh nặng kinh tế gia đình bệnh nhân.

- Căn bệnh loãng xương là căn bệnh tiến triển trong thời gian dài, không có dấu hiệu sớm cho đến khi bệnh nhân bị gãy xương nên bệnh thường được phát hiện muộn. Khi xương đã bị thoái hóa thì gần như không thể khôi phục lại tình trạng như ban đầu. Do vậy, phương pháp tốt nhất giúp cho xương chắc khỏe chính là dự phòng loãng xương từ sớm.

- Loãng xương thường gây ra các biến chứng rất nguy hiểm như gãy xương, gù, tàn phế, giảm tuổi thọ. Việc phải nằm lâu để chữa trị gãy xương có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, lở loét vùng da tiếp xúc lâu với giường chiếu,.... Việc dự phòng loãng xương sẽ giúp bạn tránh xa những căn bệnh thứ phát này.

3. Khi nào cần bắt đầu dự phòng loãng xương?

Bạn cần bắt đầu dự phòng loãng xương ngay từ hôm nay, ở bất kỳ độ tuổi nào. Xương là một mô sống luôn luôn biến đổi. Xương có hai loại tế bào chính là tế bào tạo xương và tế bào hủy xương. Dưới 25 tuổi, tế bào tạo xương sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn tế bào hủy xương. Khoảng 30 tuổi, hai loại tế bào này sẽ cân bằng nhau. 

Sau 40 tuổi là thời kỳ của tế bào hủy xương. Do vậy, nếu bạn có phương pháp dự phòng loãng xương từ sớm, giúp cơ thể đạt đỉnh khối lượng xương ở tuổi trưởng thành hoặc vượt đỉnh 10% thì bạn đã ngăn ngừa được tới 50% nguy cơ các bệnh về xương. 

Việc dự phòng loãng xương ở sau tuổi trưởng thành sẽ giúp ức chế tế bào hủy xương, giúp xương chắc khỏe lâu hơn, giúp phòng và trị các bệnh về xương kịp thời hơn.

4. Những đối tượng nào cần dự phòng loãng xương?

- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương, có người thân từng bị gãy xương. 

- Người thấp bé, nhẹ cân.

- Người hay hút thuốc, uống rượu bia, cà phê.

- Người có chế độ dinh dưỡng kém.

- Người làm những công việc ít vận động, ngồi nhiều.

- Người trên 65 tuổi.

- Phụ nữ ở tuổi mãn kinh, phụ nữ có trên 3 con.

- Những người mắc một số bệnh lý như suy thận, cường giáp, bệnh nhân phải cắt buồng trứng, dạ dày, ruột,...

- Người phải sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài.

5. Các phương pháp dự phòng loãng xương

- Tăng cường vận động và tập thể dục thể thao.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu canxi và vitamin D. Xây dựng nếp sống lành mạnh, tránh xa rượu bia và thuốc lá.

- Uống canxi và vitamin D kéo dài.

- Dùng thêm các thuốc tăng nội tiết tố sau tuổi mãn kinh.

- Đi khám, đo mật độ xương định kỳ. Đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở xương khớp như đau nhức cột sống, đau khi ngồi lâu, mỏi cơ bắp, chuột rút cơ,....


Tác giả: Mai Nhung