Chú ý đến 5 dấu hiệu điển hình này của bệnh loãng xương để điều trị kịp thời

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Chú ý đến 5 dấu hiệu điển hình này của bệnh loãng xương để điều trị kịp thời
Bệnh loãng xương có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, làm xương trở nên giòn, xốp và rất dễ gãy. Do đó, việc nhận biết những dấu hiệu sớm bệnh loãng xương và xây dựng các thói quen tốt có lợi cho xương cần phải được áp dụng ngay từ bây giờ.

Tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 4 triệu người bị loãng xương và được xem là vấn đề đáng lo ngại. Theo dự báo, đến năm 2050 trên toàn thế giới sẽ có 6,3 triệu trường hợp bị gãy cổ xương đùi do loãng xương gây ra, trong đó 51% là ở các nước châu Á, nơi mà khẩu phần ăn hàng ngày thường thiếu canxi.

Loãng xương cũng là bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh lý về xương. Bệnh thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, với tỷ lệ là 3:1. Loãng xương có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, làm xương trở nên giòn, xốp và rất dễ gãy.

Việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực bệnh loãng xương còn rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà việc nhận biết những dấu hiệu sớm bệnh loãng xương và duy trì các thói quen tốt có lợi cho xương cần phải được áp dụng ngay từ khi còn trẻ.

Dấu hiệu sớm bệnh loãng xương:

1. Giảm chiều cao hoặc bị gù

Loãng xương có thể dẫn đến giảm chiều cao do đĩa đệm giữa các đốt sống trong cột sống bị khô và teo đi. Khi cột sống có tuổi, nó cũng có thể bị cong do mật độ xương giảm dần (loãng xương). Thậm chí, một vài người còn có thể bị gãy xương cột sống nếu không phát hiện kịp thời hoặc gặp các chấn thương ở vùng lưng.

Nếu bạn đang gặp tình trạng này, hãy đi khám bác sĩ để yêu cầu kiểm tra mật độ xương. Loãng xương chỉ có thể được chẩn đoán bằng cách đo mật độ xương. Việc điều trị loãng xương hiệu quả nhất khi nắm bắt được mức độ của bệnh.

2. Nhịp tim nghỉ ngơi cao

Theo dõi chỉ số nhịp tim nghỉ ngơi cũng là một cách có thể giúp phát hiện dấu hiệu sớm bệnh loãng xương. Nhịp tim nghỉ ngơi được đo bằng số lần nhịp tim đập/phút khi cơ thể không hoạt động.

Nhịp tim nghỉ ngơi trung bình dao động từ 60-100 nhịp/phút, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng những người sở hữu con số 80 sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị gãy xương hông, xương chậu và xương sống.

Lý do là bởi nhịp tim phản ảnh về tần suất vận động của bạn. Nhịp tim nghỉ ngơi cao thường xảy ra ở những người ít vận động, không thường xuyên đi bộ (một hoạt động thể chất quan trọng trong việc xây dựng hệ xương khỏe mạnh).

Cách xử lý: Trước hết, bạn phải biết nhịp tim nghỉ ngơi của mình là bao nhiêu. Vào buổi sáng, khi đang nằm trên giường, hãy đặt một hoặc hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) lên cổ tay hoặc cổ của bạn. Sau đó đếm số nhịp đập trong 15 giây. Tiếp theo nhân con số đó với 4, bạn sẽ biết nhịp tim nghỉ ngơi của mình là bao nhiêu.

Nếu kết quả cao hơn 80, điều đó cảnh báo bạn nên hoạt động nhiều hơn nữa. Mặc dù một số bộ môn thể thao khiến tim đập nhanh hơn, nhưng tập thường xuyên sẽ làm giảm nhịp tim nghỉ ngơi. Bạn cũng có thể đi bộ, chạy, đánh tennis, nhảy, khiêu vũ...

3. Đau xương, đau khớp không rõ lý do

Các dấu hiệu sớm bệnh loãng xương thường khó phát hiện hoặc mơ hồ nên dễ bị bỏ qua. Khi loãng xương khiến xương gãy hoặc vỡ, người bệnh có thể bị đau tùy thuộc vào loại gãy xương. Nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng đau xương hoặc đau khớp nhưng loãng xương cũng có thể là một nguyên nhân.

Chấn thương xảy ra khi xương không có đủ sức mạnh để hỗ trợ trọng lượng cơ thể của bạn. Bất cứ lúc nào bạn bị đau xương hoặc khớp mà không thể giải thích được nguyên nhân, rất có thể tình trạng này liên quan đến vấn đề sức khỏe của xương.

4. Tụt lợi (nướu)

Theo tiến sĩ Greenspan - Giám đốc Phòng chống Loãng xương thuộc Trường Đại học Y Pittsburgh (Mỹ), phụ nữ bị loãng xương thường gặp dấu hiệu cảnh báo rõ nét là bị mất răng. 

Xương hàm có tác dụng hỗ trợ và cố định răng. Giống như các xương khác trong cơ thể, xương hàm cũng rất dễ bị suy yếu. Do đó, khi hàm mất xương, lợi sẽ bắt đầu bị tụt hoặc không còn bám chặt vào răng, lâu dần có thể dẫn đến mất răng.

Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị loãng xương cao như tiền sử sức khỏe gia đình có người bị loãng xương, hút thuốc, sử dụng thuốc chứa steroid lâu dài hoặc thiếu canxi, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

5. Móng tay dễ bị gãy

Móng tay bị gãy là hiện tượng rất bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, điều đó có nghĩa là xương của bạn bị giòn.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy, những người có nồng độ collagen thấp (một loại protein tăng cường sức khỏe) trong móng tay thì cũng không đủ trong xương. Trong khi đó, móng tay yếu hoặc mọc dạng thẳng đứng chứng tỏ cơ thể thiếu canxi, chất thiết yếu cho xương.

Để giải quyết tình trạng này, bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hàng ngày. Chẳng hạn như sữa, sữa chua, pho mai, cải xoăn, súp lơ và cá mòi. Bạn cũng có thể xin tư vấn của bác sĩ để uống viên bổ sung canxi cùng với vitamin D.



Tác giả: An Di