5 quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
5 quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương
Những quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người bệnh khiến kết quả điều trị không đạt hiệu quả. Thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ gãy xương và tàn phế do loãng xương.

Loãng xương là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, khiến xương trở nên dễ tổn thương, giòn hơn và dễ bị gãy. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, biện pháp điều trị cho bệnh nhân được đặt ra nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ bị gãy xương hoặc ngăn chặn tình trạng này tái diễn. 

Để việc điều trị bệnh loãng xương đạt hiệu quả cao nhất, cần kết hợp các biện pháp khác nhau và đảm bảo điều trị liên tục, lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số sai lầm trong điều trị do sự thiếu hiểu biết của người bệnh khiến kết quả không được như mong muốn. Thậm chí còn khiến gia tăng tình trạng gãy xương và tàn phế do loãng xương. 

Các sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương thường gặp nhất:

1. Không bổ sung canxi nếu đang bị sỏi thận

Nhiều người quan niệm nếu đang mắc bệnh sỏi thận thì tuyệt đối không được bổ sung canxi, ăn uống cũng cần kiêng khem hạn chế canxi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể hằng ngày có tác dụng làm giảm nguy cơ tạo sỏi. "Kiêng" canxi quá mức sẽ gây ra mất cân bằng hấp thu canxi và chất oxalate, khiến cơ thể hấp thu nhiều oxalat từ ruột và việc tăng hấp thu oxalat này sẽ làm tăng thêm nguy cơ sỏi thận. 

Không chỉ có vậy, thiếu canxi còn làm nặng thêm tình trạng loãng xương. Đối với người đang điều trị bệnh loãng xương có sỏi thận, mặc dù không nên bổ sung quá nhiều canxi song vẫn cần ăn.

2. Uống canxi hoặc sữa giúp chữa khỏi loãng xương

Nhiều người cho rằng uống canxi hoặc uống sữa "loãng xương" hằng ngày là đủ để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh loãng xương. Việc bổ sung canxi và vitamin D hoặc uống các loại sữa giàu canxi đúng là rất quan trọng nhưng đó mới chỉ là một biện pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh loãng xương.

Với phần lớn bệnh nhân, ngoài việc bổ sung canxi và vitamin D hằng ngày cho đủ nhu cầu thì còn cần sử dụng ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh loãng xương. Thông thường sẽ là thuốc trong nhóm có tên là Bisphosphonate. Tùy từng loại mà những thuốc này có thể được uống mỗi tuần một lần, uống mỗi tháng một lần hoặc được truyền tĩnh mạch mỗi năm một lần.

3. Dùng thuốc thất thường, tự ngưng thuốc khi thấy hết triệu chứng

Một sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương là người bệnh dùng thuốc không thường xuyên, chỉ dùng trong một thời gian ngắn hoặc tự ý ngưng thuốc khi thấy không còn triệu chứng gì. Để đạt hiệu quả tối ưu, những thuốc đặc trị bệnh loãng xương phải được dùng một cách liên tục và kéo dài trong ít nhất 3-5 năm liền. 

Việc tuân thủ dùng thuốc một cách đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ đóng vai trò quan trọng giúp mang lại hiệu quả điều trị bệnh loãng xương. Lý do là vì nếu quên một số liều hoặc dùng một cách thất thường thì hiệu quả điều trị sẽ giảm đi đáng kể.

4. Tự ý ngừng dùng thuốc khi không thấy hết đau nhức xương

Một số người khi sử dụng thuốc điều trị bệnh loãng xương một thời gian nhưng không thấy hết đau nhức xương khớp nên tự ý ngưng thuốc vì cho rằng thuốc không hiệu quả. Với trường hợp này, cần xác định rõ ràng vấn đề trừ khi bị biến chứng gãy xương, còn thông thường thì loãng xương là một bệnh thầm lặng, không có biểu hiện gì đặc biệt. Như vậy tình trạng đau nhức xương khớp mạn tính có thể không liên quan đến loãng xương. 

Để đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc, trong quá trình điều trị bệnh loãng xương, thông thường người bệnh sẽ được đo lại mật độ xương mỗi 1-2 năm một lần, kết hợp với việc thăm khám lâm sàng và xem xét một số yếu tố khác.

5. Dùng thuốc điều trị sẽ không thể bị gãy xương

Nhiều người cho rằng một khi đã hoặc đang dùng thuốc loãng xương thì không thể bị gãy xương được. Trên thực tế, mặc dù các biện pháp điều trị bệnh loãng xương được chứng minh là có hiệu quả làm giảm nguy cơ bị gãy xương do loãng xương, nhưng việc sử dụng thuốc không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ bị gãy xương. 

Do vậy, song song với việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định, người bệnh cũng cần lưu ý các biện pháp phòng tránh bị ngã trong sinh hoạt và công việc hằng ngày. Tránh leo trèo cao, tránh để sàn nhà hoặc sàn toilet bị ướt khiến dễ trơn trượt, lối đi lại cho người lớn tuổi cần được chiếu sáng đầy đủ và thông thoáng, không để đồ đạc vướng lối đi có thể gây vấp ngã.

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất. Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn. Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/"

5 quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh loãng xương - Ảnh 5.


Tác giả: An Di