Hướng dẫn đọc chỉ số xét nghiệm mật độ xương (BMD)

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn đọc chỉ số xét nghiệm mật độ xương (BMD)
Các xét nghiệm mật độ xương (BMD) sử dụng một lượng nhỏ phóng xạ để xác định mật độ của cột sống, hông, cổ tay và các vị trí xương khác. Hiểu được các chỉ số xét nghiệm mật độ xương sẽ giúp cho bạn tự đánh giá được sức khỏe của xương, từ đó có những thay đổi về lối sống phù hợp.

1. Chỉ số xét nghiệm mật độ xương điểm T

Để đo mật độ xương, các bác sĩ thường sử dụng máy quét DXA. Máy quét DXA là máy tạo ra hai chùm tia X. Một là chùm tia năng lượng cao và một là chùm tia năng lượng thấp. Máy đo lượng tia X đi qua xương từ mỗi chùm tia. Lượng tia sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ dày của xương. Dựa trên sự khác biệt giữa hai chùm tia, bác sĩ có thể đo mật độ xương của bạn.

Sau khi quét,  bạn sẽ nhận được chỉ số xét nghiệm mật độ xương là điểm T. Điểm T là điểm so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương của một người 30 tuổi khỏe mạnh. Đây là độ tuổi mà xương ở mức mạnh nhất. Chỉ số xét nghiệm mật độ xương T của bạn càng thấp, thì xương của bạn càng yếu. Hay nói các khác bạn có thể hiểu về chỉ số xét nghiệm mật độ xương như sau:

- Điểm T = 0 có nghĩa là chỉ số xét nghiệm mật độ xương của bạn bằng với tiêu chuẩn một thanh niên khỏe mạnh.

 - Điểm T từ -1,0 trở lên có nghĩa là xương của bạn khỏe mạnh, bình thường.

- Điểm T trong khoảng -1,0 đến -2,5 có nghĩa là bạn có mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn. Có mật độ xương thấp không có nghĩa là bạn sẽ bị loãng xương. Mật độ xương thấp có nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nếu bạn bị mất xương trong tương lai. Nhóm này chỉ nên cân nhắc dùng thuốc trị loãng xương khi họ có các yếu tố nguy cơ nhất định.

- Điểm T bằng hoặc thấp hơn -2,5 có nghĩa là bạn đã mắc bệnh loãng xương. Những người thuộc nhóm này nên cân nhắc dùng thuốc trị loãng xương để giảm nguy cơ gãy xương.

2. Chỉ số xét nghiệm mật độ xương điểm Z

Đôi khi các bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn chỉ số xét nghiệm mật độ xương khác, cũng là kết quả của quét DXA khác - điểm Z. Điểm Z so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương bình thường của một người cùng tuổi và kích thước cơ thể như bạn.

Điểm Z thể hiện mật độ xương của bạn cao hay thấp hơn mật độ xương của người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính, cân nặng và nguồn gốc dân tộc hoặc chủng tộc với bạn. Nếu điểm Z của bạn cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể so với mức trung bình, điều đó thể hiện rằng, ngoài sự lão hóa, đang có điều gì đó khiến cho xương của bạn trở lên bất thường. 

Nếu bác sĩ của bạn có thể xác định nguyên nhân tiềm ẩn, tình trạng đó thường có thể được điều trị và xương của bạn có cơ hội hồi phục. Trong nhóm những người lớn tuổi, mật độ xương thấp là phổ biến, vì vậy điểm Z có thể gây hiểu nhầm.

Hầu hết các chuyên gia khuyên nên sử dụng điểm Z thay vì điểm T cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ vẫn có kinh nguyệt và nam giới còn trẻ. Các tổ chức y tế không khuyến nghị kiểm tra mật độ xương thông thường ở các nhóm tuổi này. 

Chẩn đoán loãng xương ở nam giới trẻ tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh và trẻ em không nên chỉ dựa vào kết quả kiểm tra mật độ xương.

- Điểm Z trên -2.0 là bình thường theo Hiệp hội Đo mật độ lâm sàng quốc tế (ISCD)

- Chỉ số Z bằng +0.5, -0.5 hay -1.5 là phổ biến đối với phụ nữ tiền mãn kinh. 

- Nếu chỉ số Z ≤ -2,0 thì mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi. Nếu chỉ số mật độ xét nghiệm xương Z trong phạm vi này, cần xem xét bệnh sử và các nguyên nhân có thể gây mất xương, bao gồm loãng xương thứ phát, trước khi đưa ra chẩn đoán loãng xương. 

Kết quả kiểm tra mật độ xương giúp các bác sĩ đưa ra khuyến nghị về điều bạn nên làm để giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương. Khi đưa ra quyết định điều trị bằng thuốc trị loãng xương, các bác sĩ cũng sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ của bạn đối với bệnh loãng xương, khả năng bạn bị gãy xương trong tương lai, tiền sử bệnh và sức khỏe hiện tại của bạn.


Tác giả: Mai Nhung