Phân biệt bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống
Bệnh loãng xương gần như không có triệu chứng ban đầu, biểu hiện sớm nhất thường là đau nhức xương, đau thắt lưng, đau vùng cột sống. Chính vì vậy bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống rất dễ bị nhầm lẫn với nhau.


1. Phân biệt khái niệm bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống

Loãng xương là bệnh nội tiết, đặc điểm là xương thiếu canxi và các khoáng chất, bị suy giảm cả về chất lượng và khối lượng, khiến lực của xương yếu đi, cấu trúc lỏng lẻo, hậu quả dễ dẫn đến gãy xương.

Vôi hóa cột sống là tình trạng canxi tích tụ và lắng đọng tại vùng cột sống, lâu ngày gây ra mấu gai tại đốt sống gây đau nhức vùng cột sống.

2. Phân biệt triệu chứng bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống

Bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống là hai căn bệnh mang lại đau đớn và phiền toái cho người bệnh, giảm khả năng vận động của bệnh nhân

Triệu chứng loãng xương thường rất mơ hồ, không rõ ràng, Khi ở giai đoạn đầu, loãng xương biểu hiện qua các cơn đau nhức, mỏi cơ. Khi bệnh đã mãn tính, triệu chứng thường gặp là đau nhức nhiều hơn, gãy xương, tư thế xấu, gù, chiều cao giảm,...

Các triệu chứng của bệnh vôi hóa cột sống thì tập trung vào vùng lưng và cổ. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ cảm thấy có các cơn đau dọc sống lưng. Càng vận động thì càng đau nhiều. 

Cơ bắp ở gần vùng cột sống bị vôi hóa cũng bị ảnh hưởng theo, nên người bệnh thường cảm thấy tê bì, mất cảm giác. Nếu vôi hóa cột sống mãn tính thì các cơn đau có thể lan sang các bộ phận lân cận như chân, tay, vai, đùi,... 

3. Đối tượng mắc bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống

Nếu như với bệnh loãng xương, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới, thì với bệnh vôi hóa cột sống lại ngược lại, nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên cả hai bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống đều thường gặp ở người cao tuổi, là đối tượng có xương bắt đầu lão hóa.

Bệnh loãng xương thường gặp ở những đối tượng có lối sống kém lành mạnh, ít vận động, có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. 

Bệnh vôi hóa cột sống thường gặp ở những người thường vận động quá sức, vận động sai tư thế, hoặc những người bị chấn thương cột sống khiến xương cột sống tự phục hồi và hình thành xương mới, biến đổi bất thường tạo nên các gai xương. 

Vôi hóa cột sống cũng có thể là căn bệnh thứ phát sau viêm khớp cột sống, thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm, béo phì,....

4. Điều trị bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống

Cả hai bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống đều chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, rất khó để chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân chỉ có thể giảm thiểu triệu chứng bằng cách cải thiện lối sống và sử dụng thuốc hỗ trợ:

- Tập luyện thể dục thể thao giúp xương chắc khỏe, bền bỉ hơn, tăng cường lưu thông máu, tăng trao đổi chất ở xương. Bệnh nhân loãng xương ưu tiên các bài tập chịu lực như nâng tạ, đi bộ, chạy bộ, kéo giãn bằng dây chun, bơi lội,... để tăng sức mạnh cho xương. Bệnh nhân vôi hóa cột sống ưu tiên các bài tập liên quan đến vùng thắt lưng và cổ như vặn người, xoay eo, đi bộ, bơi lội, tập yoga, dưỡng sinh,....

- Tránh vận động quá sức, mang vác đồ vật quá nặng. Hạn chế vận động đột ngột, sai tư thế. Không nên đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, tạo áp lực lên xương và cột sống.

- Xây dựng chế độ ăn giàu canxi, vitamin D và các khoáng chất, giúp xương chắc khỏe hơn.

- Kiểm soát cơ thể, duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

- Hiện nay đã có một số thuốc hỗ trợ điều trị, giảm thiểu triệu chứng của bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống. Các thuốc này đa số có tác dụng bổ sung canxi và khoáng chất cho xương, giúp xương phục hồi khỏe mạnh hơn. Nếu bệnh loãng xương và vôi hóa cột sống đã mãn tính, bệnh nhân có thể phải dùng đến thuốc giảm đau.


Tác giả: Mai Nhung