Tổng quan về các biện pháp điều trị loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tổng quan về các biện pháp điều trị loãng xương
Loãng xương là một bệnh lý phổ biến, xảy ra khi cơ thể bị mất quá nhiều tổ chức xương hoặc tạo ra quá ít tổ chức xương. Dưới đây là các biện pháp điều trị loãng xương thường được áp dụng hiện nay.

1. Biện pháp điều trị loãng xương không dùng thuốc

Biện pháp điều trị loãng xương không dùng thuốc được thực hiện kể từ khi bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cho đến khi bị bệnh. Loãng xương thường diễn biến âm thầm và lộ diện sau khi bệnh nhân đã gặp phải biến chứng của bệnh là gãy xương. Do đó, mục tiêu chính của việc phòng ngừa và điều trị bệnh là phòng chống biến chứng của loãng xương.

1.1. Chế độ dinh dưỡng

Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể là việc có thể thực hiện được từ khi còn trẻ và cũng là nền tảng trong chữa trị bệnh loãng xương. Một chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D giúp xây dựng nền móng cho một bộ xương chắc khoẻ. Các thực phẩm bổ sung canxi tốt nhất là từ nguồn sữa động vật (sữa, sữa chua, pho mai,...). Còn vitamin D có nhiều trong lòng đỏ trứng, gan động vật, cá biển, ngũ cốc... 

Khi hấp thụ vào cơ thể, vitamin D được dự trữ dưới da và cần có sự tác động của ánh nắng mặt trời để trở thành vitamin D dạng hoạt động. Nếu vì một lý do nào đó, bạn không đảm bảo được lượng canxi và vitamin D theo nhu cầu hàng ngày thì có thể dùng bổ sung thêm các loại thuốc canxi, vitamin.

1.2. Vận động thể chất

Tập luyện thể lực vừa sức cũng là một yêu cầu trong điều trị loãng xương. Sau tuổi trưởng thành, chúng ta bị mất xương hằng ngày và việc bất động hoặc thói quen ít vận động cũng gây mất xương nhiều thêm. Những bài tập thể dục được khuyến cáo theo từng lứa tuổi và khả năng hoạt động của mỗi người. Vận động, thể dục thể thao giúp cho nguời bệnh tăng cường sự vững chắc xương, giữ thăng bằng tốt, giảm bớt té ngã, chấn thương.

2. Biện pháp điều trị loãng xương bằng thuốc

Thuốc điều trị loãng xương được chia thành hai nhóm là nhóm chống quá trình hủy xương và nhóm tăng quá trình tạo xương. Trên thực tế, hầu hết các loại thuốc điều trị loãng xương đang được sử dụng đều thuộc nhóm chống huỷ xương. 

Các bác sĩ thường sẽ sử dụng các loại thuốc trị loãng xương có sẵn trên thị trường như Alendronate 10mg, Alendronate 70mg, Calcitonin, Raloxifen 60mg, Risedronate 5mg, Risedronate 35mg. Kèm theo đó là kết hợp thuốc chống huỷ xương và thuốc tăng tạo xương theo một trong hai đơn sau: Bisphosphonate + Canxi và Vitamin D hoặc Calcitonin + Canxi và Vitamin D.

Vể nguyên tắc, thuốc Alendronate + vitamin D (Fosamax plus) được khuyến cáo dùng liên tục trong ít nhất 3 năm và kéo dài tối đa 5 năm, nếu không có các chống chỉ định hoặc tác dụng phụ cần ngưng thuốc như suy thận, viêm thực quản đang tiến triển, hoại tử xương hàm, bệnh lý tim mạch nặng,... 

Việc dùng thuốc điều trị loãng xương liên tục giúp cho hiệu quả bảo vệ xương được đầy đủ. Ngược lại, việc uống cách khoảng lại làm giảm tác dụng của thuốc khá nhiều. Thậm chí, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng khi bệnh nhân bỏ liều cách khoảng 50% hiệu quả bảo vệ xương chỉ còn 10%. 

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được thăm khám định kỳ để bác sĩ đánh giá tình hình. Sau khi điều trị 5 năm, bệnh nhân được khám và đánh giá lại để quyết định có nên tiếp tục, ngưng hoặc thay đổi biện pháp điều trị loãng xương hiện tại hay không.

3. Liệu pháp hormone thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) thời kỳ mãn kinh – hoặc chỉ thay thế estrogen hoặc kết hợp estrogen với progestin – được biết đến là một biện pháp giúp bảo vệ xương và ngăn ngừa gãy xương. Thuốc Duavee (estrogen và bazedoxifene) là một loại HRT điều trị chứng nóng bừng liên quan đến mãn kinh. Nó cũng có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương ở những phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao đã thử liệu pháp điều trị không bao gồm estrogen. 

Tuy nhiên, bác sĩ sẽ không kê thuốc này chỉ để điều trị loãng xương bởi nó có thể gây ra nhiều nguy cơ. Ở những phụ nữ đã từng được điều trị HRT và đã ngưng sau đó, mật độ xương của họ bắt đầu giảm trở lại với tốc độ như cũ trong thời kỳ mãn kinh.

4. Điều trị loãng xương bằng Đông y

Để điều trị bệnh loãng xương, bên cạnh các loại thuốc Tây y thì những bài thuốc Đông Y cũng có thể được áp dụng. Đông y cho rằng tạng thận chủ cốt tủy, nếu thận suy thì không sinh tinh, không nuôi dưỡng được xương, dẫn đến mật độ xương giảm dần, xương trở nên mỏng hơn, xốp hơn, ngày càng suy yếu và dễ gãy hơn (tình trạng loãng xương). Do đó, Đông y chủ trương chữa loãng xương chủ yếu lấy việc bổ thận sinh tinh, dưỡng cốt tủy. Thận tinh đầy đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng loãng xương.  

Bên cạnh đó, chứng loãng xương theo Đông y có nhiều thể khác nhau như thận dương hư, thận âm suy tổn hay thể tỳ hư, huyết hư. Điều quan trọng là cần xác định đúng từng thể bệnh thì mới có phương pháp trị liệu đạt hiệu quả.

- Thể tỳ thận dương hư: Có thể dùng món cháo chim sẻ kỷ tử (công dụng bổ thận, ôn dương, ích tinh, làm mạnh gân xương), canh xương sống chó thuốc (công dụng bổ thận ôn dương, ích khí dưỡng huyết, cường gân tráng cốt).

- Thể bệnh thận âm hư: Dùng phương bổ thận dưỡng can, cường gân tráng cốt.

- Thể bệnh can thận âm hư: Dùng phương tư âm, bổ can thận (gồm tang thầm, kỷ tử, gạo tẻ); phương bổ tỳ thận, làm mạnh gân cốt gồm bột bạch linh, bột mỳ, bột xương dê, bột mẫu lệ và đường trắng.

- Loãng xương thể tỳ hư: Dùng phương gồm các vị bạch truật, sơn tra, thần khúc, bán hạ, hậu phác, cao lương khương, sa nhân, lá lốt, phòng sâm, bạch linh, chích thảo.

- Thể huyết ứ: Dùng phương gồm xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, tô mộc, ngải diệp, huyết đằng, tục đoạn, phòng sâm, bạch truật, xa tiền, uất kim, hương phụ tử chế, trần bì, cam thảo.

Nhìn chung, khi bị loãng xương, người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa xương khớp để nhận được sự tư vấn và có các biện pháp điều trị loãng xương phù hợp. Cùng với đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết, tập vận động ngoài trời 4 - 5 lần/tuần với thời lượng 30 - 60 phút, cường độ vừa phải tùy theo tình hình sức khỏe.

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất. Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn. Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/"

Tổng quan về các biện pháp điều trị loãng xương - Ảnh 6.


Tác giả: An Di