Phân biệt đau nhức xương khớp do loãng xương và cơn đau do các bệnh khác

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt đau nhức xương khớp do loãng xương và cơn đau do các bệnh khác
Loãng xương được xem là căn bệnh thầm lặng vì không có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, cơn đau nhức xương khớp do loãng xương vẫn có thể xuất hiện và dễ bị nhầm lẫn với các cơn đau do các bệnh xương khớp khác gây ra. Vậy thì sự khác nhau giữa chúng là gì?

1. Đau nhức xương khớp do loãng xương

Loãng xương được xem là một căn bệnh thầm lặng vì không có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, cơn đau nhức xương khớp do loãng xương có thể xuất hiện và được người bệnh mô tả là cảm giác đau ở trong xương. Triệu chứng này rất mơ hồ nên thường bị bỏ qua, khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và hậu quả là xương yếu dần, dễ bị gãy. 

Người bệnh cần lưu ý khi xuất hiện triệu chứng đau nhức tại các đầu xương hoặc cảm thấy đau mỏi dọc theo các xương dài (cột sống thắt lưng, đùi), đau như châm chích toàn thân và đau nhiều hơn về đêm. Ngoài ra, một triệu chứng khác khá rõ ràng của bệnh loãng xương là chiều cao cơ thể bị giảm, kèm theo đau vùng thắt lưng hoặc lan sang một hay hai bên mạn sườn, có thể kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, giật cơ khi thay đổi tư thế.

Để phòng ngừa bệnh loãng xương, nên tắm nắng buổi sáng và bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày các thực phẩm, sữa giàu canxi để giúp xương chắc khỏe. Thêm vào đó là duy trì thói quen tập thể dục đều đặn dù có hay không mắc bệnh loãng xương.

2. Đau nhức do các bệnh xương khớp khác

2.1. Viêm khớp dạng thấp

Đau nhức xương khớp là một dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang bị viêm khớp dạng thấp - bệnh khớp mãn tính liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Viêm khớp dạng thấp phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn, gây biến dạng khớp, làm tăng mức nguy cơ tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.

Với viêm khớp dạng thấp, cơn đau thường xảy ra ở vị trí các khớp nhỏ và mang tính đối xứng nhau như đau nhức ở cả hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở cả hai bàn tay... và kèm theo hiện tượng sưng, nóng, đỏ. Ngoài ra, người bệnh còn gặp hiện tượng cứng khớp, khó cử động vào mỗi sáng sau khi ngủ dậy, tình trạng này thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ. 

Không chỉ có các cơn đau nhức, người bị viêm khớp dạng thấp còn gặp triệu chứng toàn thân như người mệt mỏi, xanh xao, gầy sút, sốt.

2.2. Thoái hóa khớp

Triệu chứng đau nhức xương khớp có thể do nhiều bệnh gây ra, nhưng thoái hóa khớp được xem là căn bệnh phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có đặc trưng là sự tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn theo thời gian. Sụn và xương dưới sụn tổn thương càng nặng thì cảm giác đau nhức hoặc cứng khớp càng gia tăng và dai dẳng hơn, làm biến dạng các khớp, thậm chí có nguy cơ tàn phế.

Hầu hết các khớp đều có thể bị thoái hóa nhưng phổ biến hơn cả là ở khớp gối, khớp háng, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân và gót chân.

Phân biệt đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp với loãng xương và những căn bệnh xương khớp khác thường dựa vào đặc điểm cơn đau. Cơn đau do thoái hóa khớp thường trở nên nặng hơn mỗi khi cử động khớp và giảm đi khi được nghỉ ngơi. Mỗi khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là trời lạnh) cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. 

Ngoài ra, biểu hiện cứng khớp mỗi sáng sau khi thức dậy cũng xuất hiện. Tuy nhiên sau đó sẽ trở lại bình thường sau vài phút vận động. 

2.3. Lao xương khớp

Lao xương khớp là bệnh do vi khuẩn của người hoặc bò tấn công vào hệ xương khớp. Các khớp xương càng lớn, chịu sức nặng càng nhiều thì nguy cơ mắc lao càng cao, phổ biến nhất là ở khớp háng, cột sống và khớp gối.

Khi mắc bệnh lao xương khớp, người bệnh thường bị đau nhẹ hoặc vừa phải và sưng to (nhưng không nóng, không đỏ) ở các khớp bị vi khuẩn lao tấn công. Tình trạng này khiến các hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn. Ví dụ nếu bị lao khớp háng thì không co duỗi được chân, lao cột sống thì không cúi, không ngửa được… và lâu dần có thể gây teo cơ, thậm chí liệt.

2.4. Bệnh gout

Đau nhức xương khớp cũng là triệu chứng xuất hiện ở người mắc bệnh gout. Bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức, kèm hiện tượng sưng, nóng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp, nhất là ở khớp ngón chân, cổ chân, gối, và khớp bàn tay. Cơn đau chủ yếu xuất hiện về đêm với cường độ tăng dần khiến người bệnh vô cùng đau đớn. Ngoài ra còn có thể kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, sốt cao.

Khi gout chuyển sang giai đoạn mãn tính, các khớp xương có thể bị biến dạng vĩnh viễn, các khối u mọc lên ở quanh khớp, vành tai, dưới da, sưng trên bàn tay, bàn chân.

Tóm lại, khi triệu chứng đau nhức xương khớp tái diễn thường xuyên, bạn nên nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán chính xác, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Không nên chủ quan cho rằng đau nhức xương khớp đơn thuần là vì lao động quá sức, thời tiết thay đổi… mà trì hoãn việc kiểm tra sức khỏe, khiến bệnh trở nặng và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đọc thêm: 7 thói quen xấu gây đau gai cột sống mà bạn cần thay đổi

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn.

Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/

Phân biệt đau nhức xương khớp do loãng xương và cơn đau do các bệnh khác - Ảnh 6.

Tác giả: An Di