Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp hormone

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp hormone
Điều trị loãng xương tập trung vào việc làm chậm hoặc ngừng mất khoáng chất, tăng mật độ xương, ngăn ngừa gãy xương và kiểm soát cơn đau liên quan đến bệnh. Liệu pháp hormone thúc đẩy hoạt động của các nguyên bào xương, là những tế bào sản xuất xương, từ đó giúp điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh hiệu quả.

1. Tại sao liệu pháp hormone là phương pháp dành riêng để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh?

Khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, cơ thể sẽ cảnh báo bạn về việc estrogen giảm đột ngột với các dấu hiệu như bốc hỏa hay thay đổi tâm lý. Ảnh hưởng đến xương sẽ không rõ ràng, nhưng việc mất estrogen chắc chắn sẽ tác động đến xương. 

Estrogen là hormone giới tính rất cần thiết cho sức khỏe xương của phụ nữ vì nó thúc đẩy hoạt động của các nguyên bào xương - đây là những tế bào tạo xương. Khi nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, quá trình tạo xương chậm lại, quá trình hủy xương tăng lên, khiến cho xương bị giảm mật độ nhanh chóng.

Liệu pháp thay thế estrogen từng là phương pháp điều trị duy nhất được FDA chấp thuận để ngăn ngừa loãng xương. Hiện nay có nhiều loại thuốc và thuốc điều trị loãng xương khác , nhưng estrogen vẫn là một phương pháp điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh khá phổ biến để bảo tồn khối xương và ngăn ngừa gãy xương liên quan đến loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

2. Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp hormone phù hợp với đối tượng nào?

Liệu pháp hormone phù hợp với hầu hết bệnh nhân nữ, nhưng không dành cho phụ nữ tiền mãn kinh hoặc nam giới và chống chỉ định với những người có:

- Ung thư vú hoặc ung thư tử cung.

- Mắc bệnh gan hoặc chức năng gan kém.

- Trong lịch sử y tế từng xuất hiện cục máu đông.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng hormone progesterone cùng với estrogen. Điều này là do dùng estrogen một mình làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, trong khi sự kết hợp giữa estrogen và progesterone làm giảm đáng kể nguy cơ này. 

Tuy nhiên, nếu bạn đã phẫu thuật cắt tử cung, bạn có thể sử dụng estrogen một cách an toàn vì bạn không có nguy cơ bị ung thư tử cung.

3. Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp thay thế estrogen

- Thời điểm lý tưởng để bắt đầu điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là ngay khi phát hiện bệnh. Đôi khi liệu pháp thay thế estrogen được sử dụng trong thời kỳ mãn kinh sớm để phòng ngừa loãng xương. Nhưng nhiều bác sĩ nội tiết tin rằng lợi ích bảo tồn xương của liệu pháp estrogen vẫn có thể đạt được ngay cả khi bắt đầu hơn một thập kỷ sau khi mãn kinh.

- Tùy thuộc vào loại estrogen mà bác sĩ của bạn chỉ định, estrogen có thể được dùng dưới dạng miếng dán xuyên da hoặc thuốc viên.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng estrogen hàng ngày, với progesterone trong khoảng 14 ngày mỗi tháng. Bạn cũng có thể dùng estrogen và progesterone mỗi ngày, hoặc đơn giản là dùng estrogen mỗi ngày. Việc này phụ thuộc vào đặc điểm nội tiết của mỗi bệnh nhân.

Nếu bạn dùng miếng dán thì  cần thay miếng dán hàng tuần hoặc 2 lần/tuần.

4. Rủi ro khi điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp hormone

Mặc dù liệu pháp thay thế estrogen đã từng là loại thuốc trị loãng xương được phê duyệt duy nhất, nhưng nó không được sử dụng rộng rãi. Một phần lý do cho điều này là do liệu pháp này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú, đột quỵ, đau tim, đông máu và thậm chí suy giảm tinh thần. 

Mặt khác, việc điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp hormone thường không có tác dụng lâu dài. Khi dừng thay thế hormone estrogen, thì tốc độ mất xương sẽ quay trở về như cũ.

Mặc dù có những tác dụng phụ tiềm ẩn, liệu pháp hormone vẫn có hiệu quả cao trong việc bảo vệ phụ nữ sau mãn kinh khỏi mất xương. Nếu bạn và bác sĩ tin rằng liệu pháp thay thế estrogen là liệu trình điều trị phù hợp với bạn, nó sẽ được sử dụng ở liều thấp nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất để giảm thiểu rủi ro.


Tác giả: Mai Nhung