Móng tay giòn và dễ gãy: Dấu hiệu thiếu canxi, nguy cơ mắc bệnh loãng xương?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Móng tay giòn và dễ gãy: Dấu hiệu thiếu canxi, nguy cơ mắc bệnh loãng xương?
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng móng tay giòn và dễ gãy là do thiếu canxi. Thiếu canxi gây ảnh hưởng trực tiếp đến mật độ xương, gây xốp xương và làm tăng nguy cơ loãng xương.

Móng tay có thể tiết lộ những dấu hiệu sức khoẻ mà bạn đang gặp phải. Khi móng tay giòn và dễ gãy, đừng chủ quan vì đó là một dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải vấn đề nào đó, có thể là thiếu canxi, thiếu nước hoặc bệnh lý về tuyến giáp.

Dưới đây là một số tình trạng sức khỏe khiến móng tay giòn và dễ gãy:

1. Thiếu canxi

Chế độ ăn uống thiếu canxi là một trong những nguyên nhân khiến móng tay giòn và dễ gãy. Nghiêm trọng hơn, thiếu canxi gây ảnh hưởng trực tiếp đến mật độ xương, gây xốp xương và tăng nguy cơ loãng xương. Người bị thiếu canxi cũng thường gặp các vấn đề về răng như răng dễ ố vàng, dễ bị sâu răng, có nguy cơ viêm nha chu.

Phụ nữ mang thai thiếu canxi sẽ thường xuyên mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, sau sinh có nguy cơ bị loãng xương cao. Nguy hiểm hơn, mẹ bầu thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển xương của thai nhi.

Đối với trẻ em, tình trạng thiếu canxi ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Trẻ bị thiếu canxi máu, nhẹ thì khóc đêm, khó ngủ, ăn kém, hay cáu gắt, khó tập trung, học tập sa sút, nặng có thể dẫn đến tình trạng co giật các cơ.

Thiếu canxi kéo dài sẽ dẫn đến còi xương, khung xương cong, chân vòng kiềng… Bé gái thiếu canxi sẽ chậm dậy thì hơn, gây ra những rối loạn nội tiết tố, kinh nguyệt không đều.

Do đó, nếu có biểu hiện móng tay giòn và dễ gãy thì bạn đừng bỏ qua vì đây là dấu hiệu bị thiếu canxi dễ nhận biết nhất.

2. Cơ thể thiếu dinh dưỡng

Ăn uống thiếu chất cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của móng. Bên cạnh canxi, thiếu sắt và vitamin B12 cũng gây ra tình trạng móng tay giòn và dễ gãy. Tình trạng này có thể diễn ra thường xuyên, đôi khi móng tay có thể gãy dễ dàng chỉ do một va chạm nhẹ. Lúc này, bạn hãy xem xét chế độ dinh dưỡng hàng ngày và điều chỉnh lại cho phù hợp.

3. Thiếu độ ẩm

Thói quen uống quá ít nước, ngồi điều hòa nhiều cũng gây ra tình trạng móng tay giòn và dễ gãy. Lý do là vì khi cơ thể thiếu nước sẽ khiến da, tóc và móng tay bị khô. Khi móng tay thiếu độ ẩm thì dễ giòn, gãy hơn. Do đó, nếu bạn làm việc thường xuyên trong môi trường máy lạnh thì nên nhớ bôi kem dưỡng ẩm, đồng thời bổ sung nước đầy đủ để móng tay khỏe mạnh.

4. Móng tay tiếp xúc nhiều với hoá chất

Thường xuyên tiếp xúc với các loại hoá chất tẩy rửa khiến móng dễ bị mòn và yếu đi. Khi đó, bạn có thể thấy móng tay giòn và dễ gãy bất thường. Ngoài ra, thói quen sơn móng tay bằng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng cũng dẫn đến tình trạng này.

Do vậy, để tránh gây hại đến móng tay, bạn nên chú ý lựa chọn các sản phẩm làm đẹp đảm bảo và tránh lạm dụng việc sơn, tẩy móng. Nên sử dụng găng tay chuyên dụng và tránh để móng tay tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất. Ưu tiên các sản phẩm làm sạch từ thiên nhiên cũng giúp bảo vệ đôi tay tốt hơn.

5. Mắc bệnh lý về tuyến giáp

Tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể làm giảm và gây ra các vấn đề về tuyến giáp. Bệnh lý về tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, hoạt động của não và tim. Một trong những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo cơ thể đang mắc các vấn đề về tuyến giáp chính là móng tay giòn và dễ gãy. Khi gặp dấu hiệu này, bạn hãy chú ý đến cơ thể và loại trừ các trường hợp khác để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Cách khắc phục tình trạng móng tay giòn và dễ gãy:

- Uống nhiều nước: Uống ít nước là nguyên nhân khiến da dẻ nứt nẻ, móng tay giòn và dễ gãy. Nên uống 8 cốc nước (khoảng 1,5 lít) mỗi ngày để giúp duy trì độ ẩm của móng tay và của da tay.

- Không rửa tay quá nhiều hoặc ngâm tay lâu trong nước: Thói quen rửa tay quá nhiều hoặc ngâm tay lâu trong nước khiến móng tay của bạn trở nên rất dễ gãy hoặc bị lật ngược. Vì vậy, nếu bạn có móng tay giòn và dễ gãy thì nên giữ cho tay khô ráo, hạn chế sử dụng các loại dung dịch rửa tay chứa chất tẩy trắng hay chất xút.

- Hạn chế để tay tiếp xúc với hóa chất: Việc tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất mạnh cũng như các loại chất tẩy rửa có trong nước rửa tay, thuốc tẩy, xà phòng,... khiến lớp sừng ở móng tay bị ăn mòn và mềm yếu, dễ gãy hơn. 

Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng móng tay giòn và dễ gãy do tiếp xúc với hóa chất, bạn nên đeo găng tay khi giặt đồ, làm việc nhà,... Nên rửa tay sạch với nước muối loãng và dùng kem dưỡng da tay để chăm sóc da tay sau khi làm xong công việc.

- Sử dụng kem dưỡng da tay: Các loại kem dưỡng da tay có thành phần chiết xuất từ sữa bò, đường đen hoặc lô hội giúp móng tay giòn và dễ gãy trở nên chắc khỏe hơn.

- Bổ sung dưỡng chất tốt cho móng: Những thực phẩm như sữa chua, trứng, cá, rau lá xanh... rất tốt cho sự phát triển của móng, giúp nuôi dưỡng móng từ sâu bên trong.

+ Sữa chua giàu protein và chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như canxi, magie, sắt, biotin, kali và vitamin D. Ăn sữa chua hằng ngày còn tốt cho hệ tiêu hóa và làm đẹp da.

+ Trứng: Trứng rất giàu biotin, vitamin D, vitamin E, protein, selen, sắt, omega-3,... giúp móng tay chắc khỏe, hạn chế nứt nẻ và gãy.

+ Cá: Cá rất giàu protein giúp cung cấp keratin và collagen - hai hợp chất cần thiết cho móng. Do đó, để giúp móng tay khỏe mạnh, bạn nên bổ sung cá vào thực đơn, ăn cá 3 lần/tuần. Có thể bổ sung bất kỳ loại cá nào như cá ngừ, cá hồi, cá trắm... hoặc tôm, cua.

+ Rau lá xanh: Thiếu vitamin là "thủ phạm" gây ra tình trạng móng tay giòn và dễ gãy. Các loại vitamin A, B, E, biotin, kali, kẽm, magie, đồng trong các loại rau lá xanh vừa tốt cho sức khỏe, đẹp da vừa giúp móng khỏe mạnh hơn.


Tác giả: An Di