Loãng xương là căn bệnh diễn biến thầm lặng nhưng để lại hậu quả nặng nề với người bệnh như gãy xương, giảm tuổi thọ, mất khả năng lao động... Hiện nay, số lượng người mắc bệnh loãng xương đang có chiều hướng gia tăng, thậm chí mức độ nguy hiểm được cho là tương đương với tai biến mạch máu não và tai biến mạch vành.
Mặc dù là một căn bệnh rất phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng những kiến thức về bệnh loãng xương như loãng xương có mấy cấp độ, nguyên nhân và hậu quả của bệnh như thế nào... thì không phải ai cũng nắm rõ.
Loãng xương là một rối loạn của hệ xương do mật độ khoáng xương thấp, làm giảm chức năng vi cấu trúc xương và giảm sức mạnh của xương, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ bị gãy xương.
Người mắc bệnh loãng xương sẽ đối mặt với nhiều biến chứng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, công việc hằng ngày như gù vẹo cột sống (do các đốt sống lún xẹp), đau nhức kéo dài (do chèn ép dây thần kinh), giảm khả năng vận động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống (nhất là ở người cao tuổi), nặng hơn nữa là gây biến dạng lồng ngực, gãy lún đốt sống, gãy xương cổ tay, gãy xương đùi...
Loãng xương là căn bệnh phổ biến thường gặp, tuy nhiên bệnh loãng xương có mấy cấp độ và ảnh hưởng của nó tới người bệnh như thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Theo y học, loãng xương được chia thành hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
Loãng xương nguyên phát được xem là mức độ nặng của tình trạng thiểu sản xương bệnh lý. Nguyên nhân là do sự lão hóa của các tạo cốt bào, khi tuổi càng cao thì tình trạng thiểu sản xương càng tăng, cho đến khi trọng lượng xương (trong một đơn vị thể tích) giảm trên 30% thì có biểu hiện lâm sàng.
Loãng xương nguyên phát lại được chia thành 2 type là loãng xương type I (Loãng xương ở tuổi mãn kinh) và loãng xương type II (Loãng xương tuổi già).
Trong đó, loãng xương ở tuổi mãn kinh có nguyên nhân là do giảm nội tiết tố oestrogen. Ngoài ra, còn có sự giảm tiết hormone tuyến cận giáp trạng, tăng thải canxi niệu. Loãng xương type I này thường gặp ở những phụ nữ độ tuổi từ 50 – 55, đã mãn kinh. Tổn thương chủ yếu là mất chất khoáng ở xương xốp với biểu hiện lún của các đốt sống hoặc gãy xương.
Đối với loãng xương tuổi già, đây là thể loãng xương liên quan tới tuổi tác và tình trạng mất cân bằng tạo xương. Loãng xương thể này xuất hiện ở cả nam và nữ, độ tuổi khoảng trên 70 với đặc điểm là mất chất khoáng toàn thể ở cả xương xốp (xương bó) và xương đặc (xương vỏ). Bệnh nhân thường hay bị gãy cổ xương đùi.
Khác với loãng xương nguyên phát, loãng xương thứ phát có liên quan tới một số bệnh mãn tính hoặc do sử dụng một số loại thuốc như Corticoid, chống động kinh, dùng thyroxin quá liều, kháng đông (heparin), các đồng vận của GnRH...
Các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát có thể kể đến là:
- Bệnh nội tiết như cường giáp, cường cận giáp nguyên phát, đái tháo đường, bệnh to đầu chi, hội chứng Cushing, thiểu năng sinh dục, biếng ăn tâm thần, tăng prolactin máu với vô kinh hay suy sinh dục, đái tháo đường type I...
- Bệnh tiêu hóa như cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mạn tính.
- Bệnh mô liên kết (hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, tạo xương bất toàn).
- Bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,...
- Bệnh ung thư: Kahler...
- Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt...
- Bệnh lý huyết học (rối loạn hấp thu, hội chứng ruột ngắn - Short bowel syndrome, bệnh Crohn, viêm gan mạn, xơ gan đường mật nguyên phát, hội chứng sau cắt dạ dày).
- Các bệnh lý khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sau ghép tạng, suy dinh dưỡng...
Theo kết quả khảo sát bước đầu của Viện Dinh Dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi ở nước ta. Ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chế độ dinh dưỡng của người Việt hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế loãng xương. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hàm lượng canxi trong bữa ăn hàng ngày ở mức tối đa 1.000 mg ở nam giới 50-70 tuổi và 1.200 mg cho phụ nữ trên 51 tuổi và nam giới trên 71 tuổi.
Thêm vào đó, vitamin D là thành phần quan trọng trong quá trình hấp thu canxi và sức khỏe của xương. Hàm lượng vitamin D cần bổ sung hàng ngày là 600 UI ở nam và nữ tuổi 51-70 và 800 UI với nam và nữ trên 70 tuổi.
Để phòng tránh bệnh loãng xương, ngoài việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể (đặc biệt là canxi), người dân nên thường xuyên tập thể dục, vận động hằng ngày; tránh lạm dụng corticoid; đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe của xương. Việc chẩn đoán và điều trị loãng xương sớm góp phần giảm tỷ lệ gãy xương, làm tăng chất lượng sống và giảm gánh nặng chi phí điều trị.
Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất. Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn. Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/
Tổng quan về bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa