Tác dụng phụ của thuốc chống loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tác dụng phụ của thuốc chống loãng xương
Các loại thuốc chống loãng xương như Fosamax, Raloxifene có thể gây ra những tác dụng phụ cho bệnh nhân loãng xương.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc chống loãng xương

1. Raloxifene (Evista)

Raloxifene là thuốc được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh. Raloxifene làm chậm sự mất xương và giúp giữ cho xương chắc khỏe, giúp xương ít bị gãy; làm giảm nguy cơ mắc một loại ung thư vú nào đó (ung thư vú xâm lấn) sau thời kỳ mãn kinh.

Raloxifene không phải là một hormone estrogen, nhưng hoạt động như estrogen ở một số bộ phận của cơ thể (chẳng hạn như xương). Ở các bộ phận khác của cơ thể (tử cung và ngực), raloxifene hoạt động như một chất ức chế estrogen.

Tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc trị loãng xương này là: 

- Hình thành các cục máu đông ở các tĩnh mạch ở chân và phổi 

- Các tác dụng phụ khác như sốt, chuột rút, cơ thể bị tích nước, các triệu chứng giống cúm...

2. Bisphosphonates

Hiện nay, Bisphosphonates là thuốc hàng đầu về điều trị và phòng chống loãng xương và gãy xương cho phụ nữ sau mãn kinh; người già; nam giới có nhiều nguy cơ loãng xương như nghiện bia rượu, thuốc lá; người phải dùng lâu dài thuốc kháng viêm glucocorticoide, thuốc chống động kinh, thuốc chống đông heparin…

Lợi ích của Biphosphonate trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương đã được chứng minh.

Bisphosphonates bao gồm alendronate (Fosomax), risendronate (Actonel), ibandronate (Boniva) và một vài loại thuốc khác. Một số dược phẩm trong nhóm Bisphosphonates có thể sử dụng qua đường miệng, có loại được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch. 

Khi được sử dụng qua đường tĩnh mạch, nhóm thuốc Bisphosphonates có thể gây ra những phản ứng có triệu chứng giống như cúm chẳng hạn như lạnh, đổ mồ hôi, đau nhức...

Trường hợp Bisphosphonates được dùng đường miệng thì có thể gây kích ứng, viêm dạ dày, thực quản, gây ra chứng khó nuốt, trào ngược dạ dày - thực quản, khó tiêu..., đôi khi có thể gây đau nhức xương khớp. 

Một số tác dụng phụ hiếm gặp cũng đã được báo cáo trong những năm gần đây, chẳng hạn như hoại tử xương hàm. Những người có tần suất cao bị tác dụng phụ này là những bệnh nhân ung thư và sử dụng các loại thuốc trị loãng xương với liều cao. 

3. Teriparatide (Forteo)

Teriparatide được dùng trong những trường hợp bị loãng xương nghiêm trọng, tỉ trọng xương thấp hoặc cho những bệnh nhân bị gãy xương. Loại thuốc này giống với một hormone tự nhiên trong cơ thể (hormone tuyến cận giáp), hoạt động bằng cách làm tăng khối lượng và sức bền của xương, giúp làm giảm nguy cơ bị gãy xương.

Lưu ý không nên sử dụng loại thuốc này cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên có xương vẫn còn đang phát triển.

Tác dụng phụ của thuốc chống loãng xương Teriparatide có thể gây ra là:

- Run chân, chuột rút

- Gây kích ứng tại vùng da được tiêm thuốc 

- Xây xẩm, chóng mặt

- Đau cơ, đau khớp

- Tim đập nhanh, hạ calcium huyết

4. Alendronate (Fosamax)

Fosamax là thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương. Đối tượng mà loại thuốc này hướng tới là những người có dấu hiệu bệnh loãng xương, xương yếu do thiếu hụt canxi và vitamin D cần phục hồi chức năng xương.

Tuy nhiên, loại thuốc chống loãng xương này phù hợp nhất đối với những người bệnh loãng xương là phụ nữ đang bước vào thời kỳ mãn kinh.

Trong quá trình sử dụng thuốc Fosamax để điều trị bệnh loãng xương, người bệnh cần hết sức thận trọng với một số tác dụng phụ mà thuốc gây ra như:

- Đầy bụng, ợ nóng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy

- Đau tá tràng hoặc dạ dày, viêm loét thực quản (đôi khi xảy ra)

- Đau mắt, nhức đầu, đau nhức các khớp ở tay chân

- Có thể gặp phải các vấn đề về da như phát ban, nổi mề đay, da nhạy cảm hơn với ánh sáng

5. Ibandronate (Boniva)

Ibandronate được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị loãng xương. Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm sự mất xương, giúp duy trì xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. Lưu ý là chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng loại thuốc chống loãng xương này:

- Khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy

- Đau ở cánh tay/chân 

- Các triệu chứng giống như cúm nhẹ (như mệt mỏi, đau cơ)

- Ợ nóng, đau ngực, đau/khó nuốt, đau bụng nặng, phân đen, nôn mửa trông giống như bã cà phê

- Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng đối với thuốc này là rất hiếm. Tuy nhiên, hãy thông báo cho bác sĩ ngay khi bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào như phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nặng, khó thở.

Trên đây là thông tin về một số loại thuốc trị loãng xương được sử dụng phổ biến. Người bệnh hết sức lưu ý không tự ý dùng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc trong quá trình điều trị bệnh, cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tránh việc để lâu mà vẫn tiếp tục sử dụng thuốc sẽ gây ra những hậu quả hết sức khó lường.


Tác giả: An Di