Tình trạng đau nhức ở các đầu xương, đau mỏi dọc theo các xương dài như xương chân/tay do bệnh loãng xương gây ra khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái. Vậy làm cách nào để đối phó được với tình trạng này? Dưới đây là một số biện pháp giảm đau cho người bị loãng xương mà bệnh nhân có thể tham khảo.
Cách giảm đau cho người bị loãng xương
Áp một chiếc khăn nóng hoặc chườm nước đá vào chỗ đau có tác dụng giảm đau cho người bị loãng xương rất hữu hiệu, đặc biệt nếu cơn đau khu trú ở một chỗ.
Khi cơ thể người bệnh có cảm giác cứng đơ vào buổi sáng, hãy bước vào phòng tắm và vặn vòi nước ấm lên để không khí ấm áp lan tỏa khắp nơi, giúp cơ thể nóng lên nhằm lấn át các cơn đau. Nếu không, người bệnh cũng có thể sử dụng những túi chườm lạnh giúp giảm sưng và đau bằng cách tạm thời làm tê liệt các dây thần kinh.
Tập thể dục giúp tăng cường sự dẻo dai, xây dựng sức mạnh cơ bắp và làm tăng năng lượng cho cơ thể. Để việc tập thể dục hiệu quả, người bị loãng xương cần tìm loại hình vận động phù hợp với cơ địa và đặc biệt không lạm dụng khi mới bắt đầu hoặc từng không tập luyện sau một thời gian.
Các bài tập giúp ích cho những người bệnh loãng xương là:
- Những bài tập thể dục hoặc thể dục nhịp điệu theo các điệu nhạc nhẹ nhàng…
- Các bài tập thể dục giúp nâng cao khả năng giữ thăng bằng như dưỡng sinh, thái cực quyền.
- Bơi lội và các môn thể thao dưới nước: đây là những bài tập không cần phải chịu sức nặng của cơ thể khá phù hợp với người bệnh loãng xương.
- Đi bộ: Những người già hoặc người bị loãng xương nên chọn tập thể dục bằng cách đi bộ. Mặc dù đi bộ là bài thể dục khiến các xương chi dưới đặc biệt là đầu gối phải chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể, song nó phần nào làm tăng sức mạnh của các cơ.
Lưu ý là người bệnh loãng xương thường có nguy cơ cao bị gãy xương. Do đó các môn thể dục được lựa chọn cần tránh:
- Các môn thể thao làm tăng nguy cơ bị té ngã như đi cà kheo, cưỡi ngựa…
- Một số bài tập thể thao đòi hỏi chuyển động nhanh, mạnh, bất ngờ như cầu lông, tennis, bóng chuyền...
- Các động tác yêu cầu phải kéo căng cột sống, ví dụ như gập bụng.
- Không nên tập quá lâu cho 1 buổi tập. Tốt nhất nên vận động trong khoảng 30 – 45 phút.
Nhiều người có thói quen khi xuất hiện dấu hiệu đau nhức xương nhiều thì thường ra các hiệu thuốc tìm mua thuốc giảm đau. Không chỉ có vậy, một số người còn mua một lúc nhiều vỉ liền để khi nào đau có ngay tiện sử dụng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời mà không hề có tác dụng điều trị bệnh loãng xương.
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài vì dễ gây nhờn thuốc. Ngoài ra, loại thuốc này còn gây hại rất lớn cho nội tạng như gan, thận của người bệnh.
Xoa bóp cũng là liệu pháp giúp cơ bắp thư giãn và giảm đau cho người bị loãng xương hữu hiệu. Nếu bạn mắc chứng loãng xương và định áp dụng biện pháp mát xa, xoa bóp thì hãy chú ý không thực hiện mát xa ở khu vực gần cột sống bởi áp lực có thể gây gãy xương.
Các phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp duy trì và cải thiện sức mạnh cơ bắp cũng như tăng cường năng lượng và nâng cao mức endorphin (thuốc giảm đau tự nhiên có trong cơ thể). Các nhà vật lý trị liệu sẽ giúp đánh giá mức độ đau của bạn, từ đó đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp.
Sử dụng xung điện để ngăn chặn các tín hiệu đau truyền lên não cũng là cách hạn chế các cơn đau. Tuy nhiên, việc sử dụng xung điện phải đặt dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu nhằm đảm bảo an toàn.
Đối phó với cơn đau tâm lý
Tâm lý tích cực có tác dụng mạnh mẽ trong việc làm giảm các cơn đau. Sử dụng tâm trí để vượt qua nỗi đau thông qua một số phương pháp như hít thở sâu, thư giãn cơ bắp, thôi miên hoặc dùng những hình ảnh trực quan nhằm làm bạn bối rối để đánh lừa cảm giác đau.
- Âm nhạc
Nghe có vẻ khó tin nhưng âm nhạc được chứng minh là có thể xóa tan những lo âu, căng thẳng cũng như có tác dụng giảm đau hữu hiệu.