6 hiểu lầm phổ biến về canxi và bệnh loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
6 hiểu lầm phổ biến về canxi và bệnh loãng xương
Canxi được xem như "người bạn đồng hành" của bệnh nhân loãng xương vì những lợi ích mà nó đem lại cho sức khỏe của xương. Tuy nhiên, có một số hiểu lầm về canxi và bệnh loãng xương khiến cho việc phát hiện và điều trị bệnh gặp khó khăn.

1. Những hiểu lầm về canxi và bệnh loãng xương

1.1. Uống canxi giúp không bị loãng xương

Không ít người cho rằng chỉ cần uống canxi là có thể phòng tránh được loãng xương. Đây là một quan niệm sai lầm về mối quan hệ giữa canxi và bệnh loãng xương. Thực tế, thiếu canxi chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương. Do đó, việc bổ sung canxi đơn thuần không thể phòng chống hoàn toàn căn bệnh này.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương có thể do nội tiết tố cơ thể, chế độ ăn uống thiếu canxi và vitamin D, không tập thể dục thể thao hoặc do một số thói quen xấu như nghiện hút thuốc lá, nghiện rượu, uống nhiều cà phê.

Nếu mắc bệnh loãng xương, bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân sau đó mới thực hiện các biện pháp điều trị tương ứng, không nên tùy tiện bổ sung canxi.

1.2. Bổ sung canxi có thể gây sỏi thận

Nhiều người cho rằng bệnh nhân bị sỏi thân nên hạn chế bổ sung canxi vì canxi dễ tích tụ gây sỏi thận. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, những người thực hiện chế độ ăn giàu canxi giảm tới 35% sỏi thận so với những người có chế độ ăn ít canxi. Đó là do nguyên nhân gây sỏi thận không phải vì hấp thụ quá nhiều canxi mà rối loạn chức năng chuyển hóa canxi trong cơ thể.

Ngoài ra, khi canxi trong xương giảm nhưng lượng canxi trong máu và mô mềm tăng lên dẫn đến dư thừa cũng có thể gây ra các bệnh như sỏi thận, xơ cứng động mạch.

1.3. Ăn canh xương hầm sẽ phòng chống loãng xương

Một số người quan niệm "ăn gì bổ nấy", cho rằng ăn canh xương hầm có thể bổ sung canxi để chống loãng xương. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa canxi và bệnh loãng xương không đơn giản như vậy. Theo nghiên cứu, canxi là chất khoáng không hòa tan trong nước. Ngay cả khi được nấu ở nhiệt độ cao, canxi trong xương hầu như không tiết ra trong nước canh hầm.

Hơn nữa, canh xương hầm cũng không hề chứa vitamin D giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi. Quá trình hầm xương chỉ khiến chất béo trong xương tiết ra nên nếu ăn nhiều dễ gây mỡ nhiễm máu, tăng axit uric máu.

1.4. Lượng canxi trong máu không liên quan đến loãng xương

Đây cũng là một hiểu lầm về canxi và bệnh loãng xương. Trên thực tế, lượng canxi trong máu khác với lượng canxi trong xương. Nhưng nếu canxi máu xuống thấp, cơ thể sẽ chuyển lượng canxi dự trữ từ xương vào máu, gây ra nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, lượng canxi trong máu không hề bị ảnh hưởng ngay cả khi xương bị gãy.

1.5. Chỉ chấn thương mới gây gãy xương

Một số người khi bị gãy xương mới biết mình mắc bệnh loãng xương nghiêm trọng. Thực tế là khi mắc loãng xương ở mức độ nặng, bệnh nhân chỉ cần vận động mạnh hoặc nâng vật nặng cũng đủ gây gãy xương. Các vết nứt xương nhẹ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nên người mắc bệnh loãng xương cần chú ý kiểm tra để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1.6. Người trẻ tuổi không mắc bệnh loãng xương

Loãng xương không chỉ xuất hiện ở người già mà cả đối tượng thanh thiếu niên cũng có nguy cơ mắc bệnh. Một số trường hợp người trẻ tuổi bị bệnh loãng xương không rõ nguyên nhân hoặc loãng xương thứ phát do một số bệnh lý khác và ảnh hưởng của thuốc gây ra. Các thói quen không tốt của người trẻ như hút thuốc lá, uống rượu cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.

2. Cách bổ sung canxi đúng cách

Canxi có thể được hấp thụ vào cơ thể thông qua bữa ăn hằng ngày. Một số thực phẩm như hải sản (tôm, cua, cá…), rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây,… có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe xương. Ngoài ra, nên bổ sung canxi từ sữa, sữa chua, các chế phẩm từ sữa để cung cấp canxi cho cơ thể và giúp phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, khó có thể đong đếm chính xác hàm lượng canxi nạp vào từ chế độ ăn uống cũng như phải cân bằng các nhóm chất khác trong khẩu phần. Thông thường, cơ thể chỉ nạp khoảng 20% lượng canxi qua thức ăn, còn lại sẽ bài tiết ra ngoài. Nếu bạn lựa chọn uống canxi bổ sung (theo chỉ định của bác sĩ), cần lưu ý một số điểm sau:

- Nên uống canxi vào buổi sáng, sau bữa ăn khoảng 1 tiếng, vì ánh nắng có thể làm tăng khả năng hấp thụ canxi.

- Không uống canxi cùng với sữa hoặc các chế phẩm của sữa.

- Không nên uống chung canxi với sắt cũng như một số khoáng chất khác như kẽm, đồng… cùng một lúc mà nên tách ra sáng, chiều, tối.

- Không ăn quá mặn vì có thể tăng thải canxi qua nước tiểu.

- Tránh xa thuốc lá và hạn chế uống rượu vì sử dụng hai thứ này khiến cơ thể khó hấp thu canxi.

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất. Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn. Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/

6 hiểu lầm phổ biến về canxi và bệnh loãng xương - Ảnh 6.

5 hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương
Tác giả: An Di