Người bị loãng xương nên bổ sung canxi khi nào? Thời điểm thích hợp để bổ sung canxi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Người bị loãng xương nên bổ sung canxi khi nào? Thời điểm thích hợp để bổ sung canxi
Mục tiêu chính trong điều trị bệnh loãng xương là ngăn ngừa mất xương và gãy xương. Do vậy, ngoài các loại thuốc điều trị được kê đơn, bệnh nhân cũng có thể được khuyên bổ sung canxi tuy nhiên có một số lưu ý khi bổ sung canxi cho bệnh nhân bị loãng xương.

Loãng xương là một bệnh lý về xương khớp thường gặp ở những người cao tuổi, mặc dù người trẻ cũng có thể bị loãng xương nhưng tỷ lệ này ít hơn. Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỉ trọng khoáng chất của xương hay giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích xương, hậu quả của sự suy giảm các protein và các khoáng chất của bộ xương, khiến cho sức chống đỡ và chịu lực của xương giảm đi, xương sẽ trở nên mỏng mảnh, dễ gãy, dễ lún và dễ xẹp, đặc biệt ở các vị trí chịu lực của cơ thể như: Cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay...

1. Người bị loãng xương nên bổ sung canxi khi nào?

Như vậy, loãng xương là tình trạng xương bị mỏng hơn, yếu hơn và dễ gãy hơn, sức chịu đựng của xương lúc này rất yếu. Do vậy bệnh nhân rất dễ bị gãy xương dù chấn thương và vận động nhẹ. Loãng xương được đặc trưng bởi tình trạng giảm mật độ xương, gãy vỡ cấu trúc vi thể của xương, xương dễ gãy với hậu quả là sức chịu đựng của xương suy giãm và xương có nhiều khả năng bị gãy. Người bệnh bị loãng xương gần như không có triệu chứng nào cho đến khi cảm nhận được các cơn đau nhức xương, nguy hiểm hơn là biến chứng gãy xương, biến dạng, tàn phế, và giảm chiều cao.

Bởi nguyên nhân chính của loãng xương là thiếu vitamin và canxi, do vậy nhiều người bệnh bị loãng xương tự ý bổ sung các loại canxi và vitamin, điều này có thể khiến cơ thể của bệnh nhân gặp phải một số vấn đề.

Bổ sung canxi không đúng thời điểm, liều lượng có thể gây ra các tác dụng phụ như:

- Táo bón

- Giảm hiệu quả của các thuốc điều trị song song

- Sỏi thận

- Chuột rút

- Nhiễm độc vitamin D, dễ gây hại thận

Do vậy bệnh nhân khi bị loãng xương tốt nhất là nên sử dụng thuốc, cung cấp các khoáng chất cho cơ thể và vận động thể dục thể thao. Đối với thuốc, bao gồm thuốc chống hủy xương (bisphosphonates...), thuốc tăng tạo xương (strontium relanate...). Các thuốc này chỉ giúp cải thiện mật độ xương (BMD).

Mục tiêu chính của loãng xương là ngăn ngừa gãy xương và mất xương, do vậy cần kết hợp với các loại thuốc bổ sung. Nếu có triệu chứng đau, có thể dùng các thuốc giảm đau không cần toa như paracetamol, ibuprofen... Nếu không giảm, cần khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây đau và điều trị.

Thiếu canxi chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương, vì vậy chỉ bổ sung canxi đơn thuần không thể phòng chống hoàn toàn căn bệnh này. Bệnh nhân không nên tùy ý bổ sung canxi, mọi hành động bổ sung canxi chỉ có thể dựa trên sự cho phép của các bác sĩ.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương có thể do nội tiết tố cơ thể, chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D, không tập thể thao hoặc một số thói quen xấu như nghiện thuốc lá, nghiện rượu, uống nhiều cà phê.

Nếu mắc bệnh loãng xương, bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân sau đó thực hiện các bước điều trị tương ứng, không nên tùy tiện bổ sung canxi.

2. Thời điểm thích hợp để bổ sung canxi

Nếu được phép bổ sung canxi, người bệnh nên chú ý một số thời điểm thích hợp để bổ sung canxi:

- Uống canxi cần uống thêm Vitamin D với liều lượng thích hợp

- Không ăn thực phẩm chứa axit oxalic khi uống canxi: rau bina, rau dền, rau muống, măng, hành tây, đậu nành...

-  Không uống canxi cùng với bữa ăn: cơ thể chỉ hấp thụ được khoảng 20% lượng thuốc bạn vừa uống nếu như uống canxi cùng với bữa ăn, do vậy bệnh nhân chỉ nên uống canxi khoảng 1 tiếng trở lên.

Khi bị loãng xương, bệnh nhân có thể sẽ cảm nhận rất rõ những cơn đau lưng, đau xương do gãy lún các đốt sống, giảm dần chiều cao theo thời gian, còng lưng.... Đặc biệt, khi bị loãng xương bệnh nhân nên chú ý tránh vận động mạnh, tránh bị chấn thương, thậm chí tránh cả việc vặn mình, bẻ các khớp tay chân...

Bên cạnh đó, cần lưu ý ra ngoài tiếp xúc nắng sáng mỗi ngày. Thường xuyên vận động (đi bộ, chạy bộ, tập tạ, thái cực quyền...). Đồng thời, cần tránh ăn quá nhiều thịt, thức ăn chứa nhiều muối, các thức uống như trà, cà phê, nước ngọt...


Tác giả: TMH