5 hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
5 hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương
Những hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương như căn bệnh chỉ có ở người già, bổ sung canxi là có thể "chữa" được loãng xương... khiến việc phát hiện và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí là xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Trong suy nghĩ của nhiều người, loãng xương là căn bệnh chỉ có ở người già. Một số khác thì cho rằng canxi là "thần dược" chữa bệnh loãng xương. Tuy nhiên, đây lại là hai trong số những hiểu lầm "to tướng" về căn bệnh phổ biến này.

1. Những hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương

1.1. Bệnh loãng xương chỉ có ở người già

Đây là một trong những hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương. Trên thực tế, người cao tuổi đúng là đối tượng có nguy cơ loãng xương và gãy xương cao. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề tuổi tác thì có rất nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra bệnh loãng xương.

Ngoài các yếu tố như chế độ dinh dưỡng, tập luyện, bệnh tật, sử dụng thuốc,... thì yếu tố di truyền, thói quen hút thuốc lá, tiêu thụ quá nhiều caffein và đồ uống có cồn cũng làm tăng nguy cơ loãng xương ở người trẻ tuổi.

1.2. Chỉ khi bị ngã mới gây gãy xương

Không thể phủ nhận thực tế hầu hết các trường hợp bị gãy xương là do ngã. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp gãy xương là do xương quá yếu nên có thể tự gãy (còn gọi là gãy xương tự phát). Những bệnh nhân này chỉ cần dựa lưng vào bề mặt cứng hơi quá sức cũng có thể khiến xương bị gãy, hoặc đơn giản việc đi bộ cũng có thể làm gãy xương.

1.3. Canxi và vitamin D là "thần dược" trị loãng xương

Bạn luôn nghĩ rằng chỉ cần bổ sung canxi là có thể "đẩy lùi" loãng xương? Sự thật lại không phải như vậy. Thực tế đây là một hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương trong suy nghĩ của nhiều người. Canxi và vitamin D chỉ giúp giảm 16% nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, luyện tập, tình hình bệnh tật (HIV, AIDS, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy nhược thần kinh,...)

Trong đó, việc sử dụng các loại thuốc cũng có tác động lớn đến nguy cơ loãng xương của mỗi người. Chẳng hạn như sử dụng các loại thuốc kháng acid như Pantoprazole, Omeprazole, Ranitidine sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương lên 60% sau 4 năm sử dụng.

1.4. Có thể cảm nhận được khi xương yếu đi

Đây cũng là một hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương. Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, người bệnh thường không thể tự phát hiện cho đến khi xương yếu đi gây gãy xương (thường gặp ở xương hông, cổ tay và cột sống). 

Khoảng 25% bệnh nhân bị gãy xương hông không vượt qua được 6 - 12 tháng đầu tiên. Do vậy, việc ngăn ngừa gãy xương là ưu tiên hàng đầu của các bác sĩ trong điều trị loãng xương.

1.5. Đàn ông không bị loãng xương

Loãng xương có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ mắc loãng xương ở nam giới chiếm 20% số bệnh nhân loãng xương.

2. Các thói quen tốt giúp phòng ngừa loãng xương

2.1. Ăn nhiều rau và quả hạch

Bên cạnh bơ, sữa là thực phẩm giàu canxi thì các loại rau lá xanh cũng là lựa chọn tuyệt vời. Rau xanh không chỉ giàu canxi mà còn giàu vitamin K, có tác dụng làm tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Chẳng hạn một bó rau cải xoăn chứa 10% lượng canxi và khoảng 600% lượng vitamin K cần thiết mỗi ngày.

Ngoài ra, nếu nói về tác dụng ngăn ngừa loãng xương thì quả hạch là một siêu thực phẩm. Chúng chứa canxi và protein cần thiết giúp xương chắc khỏe, đồng thời kali có trong loại quả này giúp ngăn ngừa thất thoát canxi trong nước tiểu.

2.2. Giảm tiêu thụ muối

Một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy phụ nữ cao tuổi tiêu thụ nhiều muối có nguy cơ bị gãy xương cao hơn gấp 4 lần. Lý do là bởi muối là tác nhân đẩy nhanh sự thất thoát canxi, dẫn đến mất khối xương. 

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên cho thêm muối vào thức ăn và tránh sử dụng các thực phẩm chứa hơn 20% lượng muối được khuyến cáo cho mỗi ngày. Hãy thận trọng khi dùng những thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn vì chúng thường chứa nhiều muối.

2.3. Không uống nước ngọt có ga

Nước ngọt có ga không chỉ làm mòn men răng, gây hại cho răng mà còn có hại cho xương. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ uống càng nhiều coca thì mật độ xương càng giảm. Theo các chuyên gia, axit photphoric trong coca có khả năng làm mất canxi khỏi xương. 

Ngoài ra, khi tiêu thụ quá nhiều caffein có trong loại đồ uống này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.

2.4. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một cách tốt giúp tăng cường sức khỏe của xương. Mặc dù canxi có tác dụng tạo ra và duy trì xương nhưng cần có ánh nắng để hỗ trợ quá trình hấp thụ vitamin D. Nếu không có đủ vitamin D, xương có thể trở nên yếu, giòn và thậm chí biến dạng. Sự kết hợp vitamin D và canxi là cần thiết để ngăn ngừa loãng xương ở người trưởng thành. 

Ánh nắng mắt trời giúp tạo ra vitamin D trong cơ thể và cần từ 10-15 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 3 lần/tuần để sản xuất đủ lượng vitamin D cần thiết.

2.5. Vận động

Các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ hoặc leo cầu thang có thể giúp củng cố các mô xương bắt đầu suy giảm khi bước vào tuổi trung niên. Nghiên cứu cũng cho thấy các bài tập sức nặng có thể giúp phụ nữ mãn kinh duy trì mật độ xương. Các bài tập tạ không chỉ giúp phát triển cơ bắp và giảm cân mà còn giúp xương chắc khỏe.

Ngoài ra, vận động hằng ngày sẽ giúp cải thiện sự dẻo dai và thăng bằng của cơ thể, giúp phòng ngừa ngã và gãy xương.

Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất. Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn. Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/

5 hiểu lầm thường gặp về bệnh loãng xương - Ảnh 5.

 6 hiểu lầm phổ biến về canxi và bệnh loãng xương

 Mức độ nguy hiểm của bệnh loãng xương

 

Tác giả: An Di