Sức khỏe răng miệng suy giảm có thể là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sức khỏe răng miệng suy giảm có thể là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ
Loãng xương là tình trạng xương trở nên xốp hơn và dễ bị gãy hơn. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng xương nào trong cơ thể. Xương ở hông, cột sống và cổ tay bị ảnh hưởng thường xuyên nhất. Xương hàm và răng yếu đi cũng có thể là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ

1. Tại sao sức khỏe răng miệng phản ánh dấu hiệu loãng xương ở người trẻ

- Bệnh loãng xương có thể khiến cho phần xương hàm hỗ trợ răng yếu và xốp hơn, làm giảm khả năng giữ chân răng, khiến cho răng lung lay. Nếu bạn gặp tình trạng nhiều răng cùng lỏng lẻo, răng thiếu chắc chắn, có nguy cơ rụng răng, thì rất có thể đó là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa loãng xương và mất răng ở hàm. Xương trong hàm hỗ trợ và neo giữ răng. Khi xương hàm trở nên xốp hơn, mất răng có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc rụng răng thường là dấu hiệu khi bệnh loãng xương đã trầm trọng, và thường gặp ở người lớn tuổi. Dấu hiệu loãng xương ở người trẻ thường biểu hiện qua nướu.

- Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng mãn tính ảnh hưởng đến nướu và xương hỗ trợ răng. Vi khuẩn tấn công, phá vỡ xương và mô liên kết giữ răng. Cuối cùng gây lung lay răng, thậm chí là rụng răng. 

Mặc dù mất răng là hậu quả của viêm nha chu, nhưng mối quan hệ giữa viêm nha chu và mật độ xương là khá rõ ràng. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ mạnh mẽ và trực tiếp giữa mất xương, viêm nha chu và mất răng. 

Có thể việc giảm mật độ xương ổ răng khiến xương dễ bị vi khuẩn nha chu tấn công hơn, làm tăng nguy cơ viêm nha chu và mất răng. Chính vì vậy, việc nướu bị viêm sưng, răng lỏng lẻo, có thể là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ.

- Các thống kê cho thấy, phụ nữ bị loãng xương có nguy cơ bị mất răng cao gấp ba lần so với những người không mắc bệnh.

- Các triệu chứng thoái hóa xương hàm có thể là dấu hiệu loãng xương ở người trẻ bao gồm: đau sưng hoặc nhiễm trùng nướu hoặc hàm,  nướu bị thương và rất khó lành,  răng lung lay,  tê hoặc cảm giác nặng nề trong hàm,  lộ xương hàm,....

2. Ảnh hưởng của phương pháp điều trị loãng xương đến sức khỏe răng miệng

- Chụp X quang nha khoa có thể có lợi ích như một công cụ sàng lọc bệnh loãng xương. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tia X nha khoa có hiệu quả cao trong việc phân biệt những người bị loãng xương với những người có mật độ xương bình thường. 

Và những người trẻ thì thường gặp bác sĩ nha khoa thường xuyên hơn là gặp bác sĩ xương khớp. Do vậy, nhờ khám sức khỏe răng miệng, các bác sĩ có thể nhận ra dấu hiệu loãng xương ở người trẻ.

- Phương pháp điều trị loãng xương có tác dụng có lợi tới tất cả các vùng xương trong khung xương, và xương hàm cũng không ngoại lệ. Việc tăng mật độ xương, giúp xương hàm chắc khỏe hơn, khả năng nứu giữ răng tốt hơn, vi khuẩn khó tấn công, giúp ngăn ngừa bệnh viêm nha chu.

- Bisphosphonates là thuốc điều trị loãng xương phổ biến nhất. Nhưng tác dụng phụ của Bisphosphonates là có thể làm thoái hóa, hoại tử xương hàm. Do vậy, cần khám nha khoa trước khi dự phòng điều trị loãng xương bằng Bisphosphonates. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc Bisphosphonates đều gây hoại tử xương hàm. Bạn còn trẻ, bảo toàn sức khỏe răng miệng là rất quan trọng. Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm được thuốc điều trị thích hợp nhất.

- Loãng xương gây ra nhiều vấn đề răng miệng như rụng răng, sưng viêm nướu, hôi miệng,... Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ của những người trẻ tuổi. Khiến họ trở nên tự ti và khép kín hơn. 

Do vậy cần khám và điều trị ngay khi xuất hiện những dấu hiệu loãng xương ở người trẻ. Bạn cũng cần một chế độ ăn uống giàu canxi, không hút thuốc, vệ sinh răng miệng sạch sẽ,... để giữ cho hàm răng của mình đẹp và chắc khỏe hơn.


Tác giả: Mai Nhung