Thất Tịch ăn đậu đỏ: Dừng lại ngay khi thấy dấu hiệu này

Thất Tịch ăn đậu đỏ: Dừng lại ngay khi thấy dấu hiệu này
Ngày Thất Tịch các bạn trẻ rủ nhau ăn đậu để "thoát ế" nhưng nếu có các dấu hiệu dưới đây, có thể là bạn đã ăn quá nhiều đậu rồi đó.

Ngoài việc không được ăn đậu đỏ khi còn sống hoặc nấu chưa chín kĩ có thể gây ngộ độc do lectin trong đậu với các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng co thắt,... thì theo Livestrong, ăn quá nhiều đậu đỏ (cũng như các loại đậu khác như đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu thận, đậu lăng, đậu gà,...) có thể gây ra vấn đề tiêu cực cho sức khỏe, cụ thể:

1. Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu

Đậu có nhiều chất xơ - một hợp chất thực vật chống lại quá trình tiêu hóa khi thức ăn di chuyển - đặc biệt là chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan trong đậu có tác dụng cải thiện tiêu hóa, giúp quản lý lượng đường trong máu, giảm mức cholesterol xấu và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Nhưng tăng quá nhanh và quá nhiều chất xơ hòa tan lại gây ra các tác dụng tiêu cực bao gồm đầy hơi, khó tiêu và chướng bụng. Nguyên nhân được giải thích là do chất xơ đến ruột kết sẽ bị lên men bởi các lợi khuẩn sống ở đó và khí (hơi) là "sản phẩm" phụ của quá trình lên men này.

Đậu cũng chứa một hợp chất khác gọi là raffinonse. Đây là một loại carbohydrate không/kém tiêu hóa được do thiếu enzyme gọi là alpha-galactosidase trong đường tiêu hóa dẫn tới việc chất này bị lên men do vi khuẩn đường ruột và sản sinh ra khí bao gồm metan, hydro và carbon dioxide cũng gây đầy hơi và chướng bụng.

Ngoài ra, tiêu thụ một lượng lớn chất xơ cũng có thể gây ra các triệu chứng bất lợi khác là tiêu chảy hoặc táo bón, đau dạ dày và khó chịu.

Thất Tịch ăn đậu đỏ: Dừng lại ngay khi thấy dấu hiệu này - Ảnh 2.

Mỗi loại đậu có thể gây ra mức độ đầy bụng, khó tiêu khác nhau (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Ăn đậu phụ có giảm cân không? Tác dụng của đậu phụ đối với sức khoẻ

Thường xuyên bị đầy bụng xì hơi là bị bệnh gì?

Giải pháp: Để giải quyết tình trạng đầy hơi, chướng bụng do ăn đậu gây ra bạn nên:

- Ngâm (từ 12 - 24 giờ, loại bỏ nước ngâm) và nấu đậu chín kĩ trước khi ăn để giảm đáng kể hàm lượng raffinose cũng như ngăn ngừa việc sản sinh ra khí ở ruột kết. 

- Bên cạnh đó một số sản phẩm không kê đơn có chứa enzyme tiêu hóa như alpha-galactosidase để giúp quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn.

- Đừng quên khi tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn bạn cũng cần uống nhiều nước để cơ thể điều chỉnh và giảm bớt tác dụng phụ như đầy hơi và chướng bụng hiệu quả.

- Làm quen với từng khẩu phần đậu nhỏ và tăng lên dần dần để cơ thể làm quen với chất xơ từ đậu.

- Nhai kỹ khi ăn để đậu tiếp xúc với các enzyme tiêu hóa trong nước bọt của bạn.

- Với các loại đậu đóng hộp, bạn cần rửa sạch đậu trước khi bắt đầu chế biến/ăn.

- Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) khi ăn đậu có thể cảm thấy khó chịu ở dạ dày, chủ yếu là đầy hơi và khó tiêu do hàm lượng cao oligosaccharid trong các loại đậu này. Vì thế nên cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn.

Lưu ý là không phải loại đậu nào cũng tạo ra tình trạng chướng bụng và đầy hơi giống nhau. Mỗi một người khác nhau sẽ có phản ứng cơ thể với các loại đậu khác nhau khi ăn quá nhiều. Nếu một loại đậu khiến bạn khó chịu khi ăn, bạn có thể thử loại đậu khác.

Thất Tịch ăn đậu đỏ: Dừng lại ngay khi thấy dấu hiệu này - Ảnh 3.

Ngâm đậu trong 12 - 24 giờ để giảm tác dụng phụ do đậu gây ra (Ảnh: Internet)

Theo Harvard Health Publishing, một số loại đậu có thể gây ra tình trạng chướng bụng và đầy hơi phổ biến hơn bao gồm:

- Đậu lima

- Đậu cúc (đậu đốm - đậu pinto)

- Đậu navy (đậu hải quân)

- Đậu nành nguyên hạt (Whole soybeans).

2. Phát ban

Bạn cũng có thể bị dị ứng đậu (hoặc cây họ đậu) bao gồm các triệu chứng như mẩn ngứa, phát ban da, sưng da, đau bụng hoặc nôn mửa. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ ít gặp hơn bao gồm khó thở, thở khò khè hay chóng mặt, ngất xỉu.

Lúc này bạn cần nhanh chóng ngừng ăn, giữ lại loại đậu mà bạn vừa ăn và nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt. 

3. Vậy nên ăn bao nhiêu đậu mỗi ngày là đủ?

Vì đậu là một nguồn protein thực vật tuyệt vời. Ngoài việc chứa các chất dinh dưỡng khác có trong thịt như sắt và kẽm, USDA Food Patterns phân loại đậu là một phần của nhóm Thực phẩm Protein. USDA cũng phân loại đậu là một phân loại của nhóm rau vì hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng tương tự như các loại rau khác bao gồm kali và folate.

Đừng để tác dụng phụ của việc ăn quá nhiều đậu ngăn cản việc bạn bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn của mình. Thực tế không có khuyến nghị chính thức cho việc ăn bao nhiêu đậu mỗi ngày là đủ. Bạn cần dựa vào số calo mình tiêu thụ mỗi ngày để ước tính lượng đậu có thể tiêu thụ và lấy tổng calo trong ngày trừ đi để tính toán khẩu phần cho các nhóm thực phẩm còn lại.

Thất Tịch ăn đậu đỏ: Dừng lại ngay khi thấy dấu hiệu này - Ảnh 4.

Tùy thuộc vào mức độ calo có thể tiêu thụ mỗi ngày mà bạn có thể tính toán lượng đậu ăn khác nhau (Ảnh: Internet)

Chẳng hạn lượng protein (chất đạm) được khuyến nghị dùng hàng ngày đối với người trưởng thành là 0,8 gram/kg trọng lượng cơ thể; tương đương 56 gram đối với đàn ông 70 kg và 46 gram đối với phụ nữ 57 kg. Còn lượng chất xơ được khuyến nghị dùng hàng ngày với người trưởng thành trung bình là 15 gram chất xơ. Phụ nữ cần 25 gram chất xơ mỗi ngày và với đàn ông cần bổ sung 38 gram chất xơ mỗi ngày. Dựa vào đó bạn có thể tính toán như:

- 164 gram đậu gà chưa chế biến chứa 414 calo, 14,5g protein và 12,5 gram chất xơ

- 198 gram đậu lăng chưa chế biến chứa 230 calo, 17,9 gram protein và 15,6 gram chất xơ

- 160 gram đậu Hà Lan sống chứa 134 calo, 8,58 gram chất đạm và 8,8 gram chất xơ

- 177 gram đậu đỏ chưa chế biến chứa 225 calo, 15,3 gram protein và 13,1 gram chất xơ

- 172 gram đậu đen chưa chế biến chứa 227 calo, 15,2 gram protein và 15 gram chất xơ

- 172 gram đậu nành chưa chế biến chứa 296 calo, 31,3 gram protein, 10,3 gram chất xơ

- 171 gram đậu pinto chưa chế biến chứa 245 calo, 15,4 gram protein và 15,4 gram chất xơ

- 182 gram đậu hải quân chưa chế biến chứa 255 calo, 15 gram chất đạm và 19,1 gram chất xơ,...

Nhìn chung, lượng đậu bạn có thể ăn mỗi ngày tùy thuộc và thể trạng cơ thể (cân nặng, mức độ vận động) hay nói cách khác là lượng calo cần nạp mỗi ngày là bao nhiêu. Nhưng không nên ăn quá nhiều hoặc chỉ ăn một loại thực phẩm dễ gây ra tình trạng nghèo dinh dưỡng hoặc các tác dụng phụ tiêu cực tới sức khỏe. Nếu ăn đậu xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Nguồn dịch:

1. Why Do Beans Give You Gas?

2. What Happens to Your Body When You Eat Beans Daily ... or Every Other Day

3. The Side Effects of Beans


Tác giả: Allen