Múi mít có phần thịt quả có thể ăn trực tiếp nhưng hạt mít thì cần phải được chế biến chín trước khi ăn. Một quả mít trung bình có thể cho tới 100 - 500 hạt, tùy từng kích cỡ. Hạt mít có thể được rang, luộc, nướng,... cho vị bùi béo và tận hưởng nhiều lợi ích sức khỏe từ thành phần dinh dưỡng dồi dào - nhưng không phải ai cũng biết các tác dụng khi ăn hạt mít mà thường bỏ đi rất phí.
Theo Healthline, 28 gam hạt mít cung cấp 53 calo; 11 gam carbs; 2 gam protein; 0,5 gam chất xơ; 8% RDI riboflavin (RDI - nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày); 7% RDI thiamine; 5% RDI magie; 4% RDI phốt pho cùng một số chất dinh dưỡng khác như niacin, vitamin C, vitamin A, sắt, kali và chất chống oxy hóa như lignans, isoflavone, saponin. Đặc biệt, hạt mít có hàm lượng cao vitamin B gồm thiamine và riboflavin có tác dụng đối với nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
Đọc thêm:
- Hạt vừng đen: Loại hạt "bé xíu" nhưng kiên trì ăn mỗi ngày sẽ khỏe từ não tới tim mạch và xương khớp
- 4 loại trái cây không nên ăn hạt vì có chứa chất độc, có loại còn gây hôn mê do hạ đường huyết
Ăn hạt mít có thể đem đến một số lợi ích cho sức khỏe gồm:
- Hỗ trợ và cải thiện sức khỏe tiêu hóa: Theo Y học cổ truyền, hạt mít có vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ trung, ích khí và gây trung tiện, thông tiểu tiện và thông sữa. Nhiều bài thuốc dùng hạt mít để chữa tiêu chảy nhờ đặc tính kháng khuẩn, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli. Tuy nhiên, phần lớn tác dụng cải thiện tiêu hóa được đến từ thành phần dồi dào chất xơ hòa tan trong hạt mít. Sau khi tiêu thụ có thể thúc đẩy nhu động ruột, tăng khối lượng phân và có tác dụng tốt đối với một số vấn đề về táo bón.
Hạt mít có thể được rang, luộc, nướng,... cho vị bùi béo và tận hưởng nhiều lợi ích sức khỏe từ thành phần dinh dưỡng dồi dào (Ảnh: ST)
Ngoài ra, chất xơ còn được biết đến như một loại prebiotic, có tác dụng nuôi dưỡng hệ vi sinh vật trong đường ruột, từ đó thúc đẩy hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch.
- Ăn hạt mít giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, cung cấp năng lượng cho cơ thể: Phần lớn hạt mít chứa protein và carbs. Đây là hai thành phần quan trọng trong việc duy trì quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể. Hơn nữa, vitamin B như vitamin B1 và B2 trong hạt mít cũng góp phần chuyển hóa thức ăn nạp vào thành năng lượng.
- Hỗ trợ bệnh thiếu máu: Hạt mít chứa sắt, đây là một khoáng chất cần thiết để sản xuất hemoglobin. Một chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu sắt sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu và một số rối loạn máu khác.
- Cải thiện thị lực: Vitamin A có trong hạt mít góp phần tăng cường sức khỏe thị lực. Thiếu vitamin A được biết đến là góp phần gây suy giảm thị lực, gây quáng gà, đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng. Ngoài hạt mít, những loại rau củ có màu vàng cam cũng giàu vitamin A có thể kể đến như cà rốt, bí ngô, ớt chuông,...
- Có đặc tính chống oxy hóa: Như đã nói, hạt mít có một lượng chất chống oxy hóa, có thể kể đến như lignans, isoflavone, saponin cùng vitamin C. Chế độ ăn giàu thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm đã được chứng minh là giúp chống lại quá trình stress oxy hóa gây tổn thương tế bào, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim,... Tuy nhiên nghiên cứu về tác dụng chống ung thư khi ăn hạt mít vẫn còn nhỏ lẻ nên chưa thể kết luận chắc chắn được.
hạt mít có một lượng chất chống oxy hóa, có thể kể đến như lignans, isoflavone, saponin cùng vitamin C (Ảnh: ST)
- Tốt cho tóc: Hạt mít cung cấp một lượng sắt và vitamin A không chỉ tốt cho máu mà còn thúc đẩy tăng cường lưu lượng máu tới da đầu, từ đó góp phần giúp nang tóc khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ rụng tóc.
- Ăn hạt mít có giảm cân không? Hạt mít là nguồn chất xơ và protein dồi dào nhưng lại ít calo do lượng carbs trong hạt mít phần lớn là tinh bột kháng, loại tinh bột này lành mạnh hơn nhiều so với carbs thông thường. Do đó mà ăn hạt mít có thể giúp hỗ trợ giảm cân nếu kết hợp với các thực phẩm lành mạnh khác và hoạt động thể chất điều độ.
- Ăn hạt mít giúp điều chỉnh đường huyết và cholesterol: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA Hoa Kỳ giải thích rằng có hai loại chất xơ là chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan là chất xơ hòa tan trong nước bị phân hủy khi bạn ăn thực phẩm có chứa chất xơ này. Loại chất xơ này có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol hiệu quả, và may mắn rằng hạt mít lại giúp cung cấp lượng lớn chất xơ hòa tan tốt cho sức khỏe.
Theo Healthline, một nghiên cứu trên chuột cho thấy, những con chuột có chế độ ăn nhiều hạt mít hơn đã có mức cholesterol xấu thấp hơn và mức cholesterol tốt tăng lên so với con chuột ăn ít hoặc không ăn hạt mít.
- Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông: Magie trong hạt mít có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ hình thành cục máu đông hay còn được gọi là huyết khối. Cục máu đông được xem là một trong những yếu tố làm tăng rủi ro gặp phải các biến cố tim mạch như đau tim, đột quỵ.
Hạt mít xuất hiện trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (Ảnh: ST)
- Cải thiện và tăng cường khoái cảm tình dục: Hạt mít xuất hiện phổ biến trong nhiều bài thuốc điều trị các rối loạn tình dục của Trung Quốc. Điều này được cho nhờ hàm lượng sắt dồi dào trong hạt mít có thể kích thích khoái cảm tình dục. Tuy nhiên không nên tự ý dùng hạt mít làm thuốc chữa rối loạn tình dục, chỉ nên dùng khi có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc để tránh sai liều lượng ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Không ăn hạt mít còn sống: Hạt mít sống có ăn được không thì câu trả lời là không. Không nên ăn hạt mít sống do khi chưa được nấu chín, hạt mít chứa nhiều chất có hại như tannin và trypsin, có thể gây hại cho sức khỏe.
- Hạt mít và tương tác thuốc: Người đang dùng các loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu như: Aspirin, thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống viêm non-steroid (naproxen, ibuprofen) không nên ăn cùng với hạt mít, tránh giảm tác dụng thuốc và gây ra nhiều tương tác nguy hiểm cho sức khỏe.
- Ăn quá nhiều: Ăn bất cứ thực phẩm nào quá nhiều đều không tốt và ăn quá nhiều hạt mít cũng vậy. Ăn quá nhiều hạt mít có thể gây tăng cân, đầy bụng nên chỉ ăn với lượng vừa phải, mỗi lần ăn không quá 5 - 6 hạt.
Hạt mít luộc có vị bùi ngậy, dễ ăn (Ảnh: ST)
Ngoài rang hạt mít thì luộc chính là cách chế biến hạt mít đơn giản nhất. Cách luộc hạt mít ngon, dễ bóc vỏ rất đơn giản như sau:
- Chuẩn bị: Hạt mít đã rửa sạch, nước sạch và một ít muối.
- Cách làm:
+ Đem hạt mít đã rửa sạch ngâm với nước pha muối loãng từ 3 - 5 phút để lớp nhờn bên ngoài hạt mít được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó vớt hạt mít vào rổ, để ráo.
+ Chuẩn bị một nồi nước sạch thêm một ít muối rồi đun sôi. Sau khi nước sôi thì cho hạt mít vào luộc từ 20 - 30 phút tới khi hạt mềm thì tắt bếp, để nguội rồi ăn.
Thành phẩm nhận được là hạt mít luộc ăn mềm vừa, vỏ dễ lột, vị bùi béo nhẹ.
Nhìn chung, ăn hạt mít có thể đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể nếu ăn với lượng vừa phải, đúng cách. Nếu như phát hiện có những triệu chứng sức khỏe bất thường sau khi ăn hạt mít thì nên ngừng lại và thăm khám bác sĩ sớm. Người đang uống thuốc chữa bệnh theo đơn bác sĩ cũng nên tham khảo ý kiến trước khi ăn hạt mít để tránh tác dụng phụ tới sức khỏe.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Jackfruit Seeds: Nutrition, Benefits, Concerns, and Uses
2. Sohu
3. Nutrition in Boiled Jackfruit Seeds
4. Lesser-known health benefits of jackfruit seeds