2 loại gia vị đem ngâm cực tốt cho sức khỏe, bếp nhà nào cũng sẵn

2 loại gia vị đem ngâm cực tốt cho sức khỏe, bếp nhà nào cũng sẵn
Hầu hết các gia đình đều sử dụng thường xuyên 2 loại gia vị này, đem ngâm chúng bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khoẻ tuyệt vời.

Gừng và tỏi là 2 loại gia vị thường được ngâm để lên men và làm món ăn kèm. Không chỉ có hương vị đặc trưng, thơm ngon mà ăn thường xuyên gừng và tỏi cũng cũng đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ. Vậy tác dụng của gừng ngâm là gì? Tác dụng của tỏi ngâm là gì?

1. Tác dụng của gừng ngâm

Gừng là một loại gia vị phổ biến thường được sử dụng để làm tăng hương vị cho các món ăn. Gừng cũng được coi như một loại thảo mộc có nhiều công dụng đối với sức khoẻ. Nếu bạn đã chán ăn gừng theo những cách truyền thống như ăn trực tiếp, cho thêm vào các món ăn,... gừng ngâm là một món ăn kèm mà bạn nên thử.

Tác dụng của gừng ngâm là gì?

4 tác dụng nổi bật của gừng ngâm đối với sức khoẻ:

- Tốt cho hệ tiêu hoá

Vốn dĩ gừng đã được biết có lợi cho hệ tiêu hoá, việc ngâm gừng sẽ càng làm tăng lợi ích này hơn. Ăn gừng ngâm có thể giúp giảm đầy hơi, buồn nôn, hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động khoẻ mạnh. Tác dụng này của gừng ngâm có thể là nhờ gingerol và shogaol - các hợp chất trong gừng giúp kích thích sản xuất nước bọt, mật và enzyme dạ dày, cùng nhau hỗ trợ tiêu hóa.

- Chống viêm và chống oxy hoá

Gừng chứa các hợp chất chống viêm ngay cả khi đem gừng đi ngâm. Các phân tử hoạt tính sinh học này, như gingerol, đã được nghiên cứu về khả năng giảm viêm và có thể có lợi cho những người bị tình trạng viêm, chẳng hạn như viêm khớp.

Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, gừng ngâm cũng có thể góp phần trung hòa các gốc tự do có hại trong cơ thể. Hoạt động chống oxy hóa của các chất vitamin C, vitamin E và các hợp chất độc đáo khác trong gừng vẫn hoạt động ngay cả sau khi ngâm.

2 loại gia vị đem ngâm cực tốt cho sức khỏe, bếp nhà nào cũng sẵn - Ảnh 2.

Tác dụng của gừng ngâm (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Ăn gì để diệt tế bào ung thư? Những loại "thần dược" có sẵn trong nhà bếp không nên bỏ qua

7 loại thảo mộc quen thuộc, có loại luôn sẵn trong nhà bếp giúp giảm mỡ máu hiệu quả

- Tăng cường chức năng tiểu cầu

Theo nghiên cứu được nêu trong tạp chí Platelets, gừng có liên quan đến việc cải thiện chức năng tiểu cầu và sức khỏe tim mạch. Gừng ngâm, giữ lại gingerols và các thành phần hoạt tính khác, cũng có thể mang lại lợi ích nhẹ đối với chức năng tiểu cẩu.

- Tiềm năng trong việc chống ung thư

Các hợp chất trong gừng đã được nghiên cứu về tác dụng chống tăng sinh tiềm năng của chúng đối với một số dòng tế bào ung thư. Tạp chí Y học thay thế và bổ sung BMC đã xem xét các nghiên cứu chỉ ra những tính chất này, có thể được giữ lại tối thiểu trong gừng ngâm.

Cách làm gừng ngâm

Để làm gừng ngâm chua, bạn có thể làm theo công thức sau:

- Nguyên liệu:

+ Gừng tươi

+ Đường

+ Nước lọc

+ Giấm gạo hoặc chanh

- Các bước thực hiện:

+ Gừng sau khi mua về rửa sạch, gọt vỏ, rồi thái lát mỏng hoặc thái sợi.

+ Luộc gừng khoảng 5 phút với nước sôi để giúp gừng không bị hăng và quá cay

+ Chuẩn bị nước ngâm theo công thức 150ml giấm, 150g đường trắng, 2g muối và khuấy đều lên. Sau đó, bạn để cho phần nước trên thật là nguội. Nếu bạn muốn gừng có màu hồng, bạn có thể ép lấy nước ép củ dền trộn cùng với hỗn hợp nước ngâm này.

+ Cho gừng vào hũ thuỷ tinh và sau đó đổ nước ngâm đã chuẩn bị sẵn. Đậy kín nắp và để hỗn hợp tại nơi thoáng mát khoảng 1-2 ngày là có thể ăn.

+ Sau thời gian ủ, kiểm tra xem gừng đã ngấm vị chua chưa. Nếu chưa đủ vị chua, bạn có thể thêm giấm hoặc chanh rồi ủ thêm vài ngày.

2 loại gia vị đem ngâm cực tốt cho sức khỏe, bếp nhà nào cũng sẵn - Ảnh 3.

Cách làm gừng ngâm (Ảnh: ST)

Lưu ý khi ăn gừng ngâm

Mặc dù gừng ngâm có nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhưng điều quan trọng là bạn nên ăn với lượng vừa đủ. Ăn quá nhiều gừng ngâm có thể dẫn tới:

- Tiêu chảy. Dù tốt cho hệ tiêu hoá nhưng ăn quá nhiều gừng sẽ làm tăng tốc độ di chuyển của thức ăn và phân qua ruột, từ đó dẫn tới tiêu chảy.

- Làm tăng nguy cơ sảy thai nếu ăn hơn 1500mg gừng

- Gây chảy máu. Do có đặc tính chống tiểu cầu nên ăn quá nhiều có thể gây chảy máu, đặc biệt khi kết hợp với đinh hương hoặc tỏi.

Ngoài ra, không nên ăn gừng khi bụng đói vì có thể gây kích ứng dạ dày, dẫn tới khó tiêu hoặc đau bụng.

2. Tác dụng của tỏi ngâm

Cũng như gừng, tỏi vừa là loại gia vị quen thuộc vừa là loại thảo mộc rất tốt cho sức khoẻ. 

Tỏi ngâm cũng là một cách chế biến tỏi đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ. Quá trình lên men khi ngâm tỏi không chỉ làm thay đổi hương vị của tỏi mà còn làm thay đổi các khoáng chất và chất dinh dưỡng có trong tỏi. So với tỏi thường, tỏi lên men có hoạt tính sinh học cao hơn. Các thành phần hoạt tính sinh học trong thực phẩm giúp cơ thể bạn hoạt động và tăng cường sức khỏe.

Ngoài ra, quá trình lên men làm tăng lượng chất dinh dưỡng trong tỏi và giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Một nghiên cứu cho thấy tỏi lên men có hàm lượng riboflavin, α-tocopherol và hầu hết các axit amin cao hơn, nhưng hàm lượng thiamin và axit ascorbic (vitamin C) lại thấp hơn.

Tác dụng của tỏi ngâm

Tỏi sống hay tỏi ngâm đều đem lại rất nhiều lợi ích sức khoẻ như:

- Tăng cường miễn dịch

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất có trong tỏi có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giúp giảm các triệu chứng cảm cúm và cảm lạnh, đồng thời có thể rút ngắn thời gian bị bệnh.

- Hạ huyết áp

Tỏi có thể giúp giảm huyết áp bằng cách ngăn chặn sản xuất angiotensin II, tăng cường khả năng sử dụng oxit nitric hoặc tăng sản xuất hydro sunfua. Các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của tỏi cũng là một trong những lý do mà tỏi có thể hỗ trợ hạ huyết áp.

2 loại gia vị đem ngâm cực tốt cho sức khỏe, bếp nhà nào cũng sẵn - Ảnh 4.

Tác dụng của tỏi ngâm (Ảnh: ST)

- Cải thiện mức cholesterol

Tỏi chứa một hợp chất hoạt tính sinh học gọi là allicin, chất này có tác dụng làm giảm cholesterol "xấu" LDL.

- Giải độc kim loại nặng

Các hợp chất lưu huỳnh có trong tỏi đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương cơ quan do ngộ độc kim loại nặng khi dùng tỏi với liều lượng cao.

Cách làm tỏi ngâm

Tỏi ngâm gì tốt? Tỏi có thể ngâm với giấm và đường, đây là món ăn kèm ngon miệng và cách làm rất đơn giản.

- Nguyên liệu:

+ Tỏi

+ Giấm

+ Đường

- Các bước thực hiện:

+ Lột vỏ tỏi, sau đó rửa sạch và để ráo nước

+ Chuẩn bị nước ngâm bằng cách đem giấm và đường pha cùng nước lọc

+ Sau đó đổ hết số tỏi đã sơ chế vào phần nước giấm, dùng muỗng nhấn cho tất cả tỏi ngập qua nước giấm.

+ Kiếm hũ nhựa hoặc thuỷ tinh rửa sạch sẽ và lau khô ráo, múc tỏi và nước giấm vừa ngâm vào.

+ Để tỏi ở bên ngoài khoảng 24 tiếng để tỏi lên men và chua, sau đó bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để ăn dần.

2 loại gia vị đem ngâm cực tốt cho sức khỏe, bếp nhà nào cũng sẵn - Ảnh 5.

Cách làm tỏi ngâm (Ảnh: ST)

Lưu ý khi ăn tỏi ngâm

Khi ăn tỏi ngâm, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để bảo vệ sức khoẻ:

- Tỏi có thể tương tác với thuốc làm loãng máu và làm tăng nguy cơ chảy máu

- Mặc dù không phổ biến nhưng tỏi cũng có thể gây dị ứng với các triệu chứng như ngứa, phát ban, ngứa hoặc sưng họng, hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè.

- Ăn quá nhiều tỏi có thể gây hôi miệng, trào ngược axit, các vấn đề về tiêu hóa.

Trên đây là những tác dụng của gừng ngâm và tỏi ngâm. Bạn có thể ngâm 2 loại gia vị này và để sẵn trong nhà bếp, mỗi ngày bạn có thể ăn một lượng phù hợp hoặc mỗi tuần nên ăn 3-4 lần. Tuy nhiên, những người bị các bệnh lý mãn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung tỏi ngâm và gừng ngâm vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Nguồn tham khảo:

1. What Are the Benefits of Pickled Ginger?

2. Fermented Garlic: Are There Health Benefits?

3. Is Pickled Ginger Bad For You?


Tác giả: Vân Anh