Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết

Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết
Nghệ là loại gia vị vô cùng quen thuộc với người Việt. Nghệ có thể được dùng để nấu ăn và cũng có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh, đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nghệ vàng tươi có vị đắng, mùi thơm hơi hắc. Ăn nghệ có tốt không sẽ phụ thuộc vào hàm lượng dinh dưỡng trong nghệ. Theo Health, các lợi ích của nghệ đối với sức khỏe hầu hết được đến từ một hợp chất thực vật gọi là curcumin có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.

1. Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe

Trước khi tìm hiểu về tác dụng của nghệ khi ăn là gì thì bạn cần hiểu về giá trị dinh dưỡng trong củ nghệ. Theo USDA, một muỗng canh (1 tbsp) bột nghệ cung cấp: 29 calo cùng 0,91 gam protein; 0,31 gam chất béo; 6,31 gam carbohydrate; 2,1 gam chất xơ; 0,3 gam đường; 15,8 mg canxi; 5,17 mg sắt; 19,6 mg magie; 28,1 mg phốt pho; 196 mg kali.

Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

Nghệ vàng tươi có vị đắng, mùi thơm hơi hắc (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

+ 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều nghệ

+ Uống tinh bột nghệ có tác dụng gì? Những lưu ý khi sử dụng tinh bột nghệ

- Nghệ có đặc tính chống viêm: Theo Arthristis Foundation, curcumin trong nghệ có đặc tính chống viêm giúp ngăn chặn dấu hiệu viêm trong cơ thể. Viêm mãn tính có liên quan tới nhiều bệnh và việc bổ sung curcumin có thể giúp giảm dấu hiệu viêm cũng như hỗ trợ điều trị, giảm nhẹ các tình trạng sức khỏe gây viêm nhiễm như viêm ruột, viêm khớp, bệnh vẩy nến, trầm cảm và xơ vữa động mạch.

- Cải thiện hội chứng chuyển hóa: Hay còn gọi là hội chứng kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, đột quỵ và bệnh tim. Hội chứng này được đặc trưng bởi việc có ba hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như lượng đường trong máu, triglyceride và huyết áp cao. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm béo phì, mỡ nội tạng cao và cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) thấp.

Một nghiên cứu năm 2016 trên Biomed Pharmacother đã kiểm tra tác dụng của việc bổ sung curcumin ở những người mắc hội chứng chuyển hóa. Kết quả cho thấy, curcumin đã được chứng minh là làm giảm đáng kể cytokine trong các mẫu máu của những người tham gia trong tám tuần.

- Đặc tính chống oxy hóa: Nghệ chứa curcumin và các curcuminoid khác có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư.

- Chứa các hợp chất hoạt tính sinh học được dùng như một loại dược liệu: Tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ của nghệ giúp loại gia vị này trở thành dược liệu quý. Tuy nhiên hàm lượng curcumin trong nghệ chỉ chiếm khoảng 1 - 6% theo trọng lượng mà hàm lượng curcumin được sử dụng trong nghiên cứu thường vượt quá 1 gam mỗi ngày nên khó có thể đạt được tác dụng này nếu như chỉ dùng nghệ như một loại gia vị, thay vào đó là thực phẩm bổ sung từ nghệ dường như có hiệu quả tương ứng hơn.

Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

Tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ của nghệ giúp loại gia vị này trở thành dược liệu quý (Ảnh: ST)

- Giảm nguy cơ đau tim: Tiêu thụ nghệ giàu curcumin có thể giúp cải thiện mức cholesterol trong cơ thể, cải thiện chức năng lớp lót của mạch máu, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, điều hòa huyết áp, giảm rủi ro mắc bệnh tim hay các biến cố sức khỏe có liên quan tới xơ vữa động mạch.

- Hỗ trợ sức khỏe thần kinh: Nhiều rối loạn não phổ biến có liên quan đến giảm mức protein BDNF, chẳng hạn như trầm cảm hay bệnh Alzheimer. Theo Healthline, nghiên cứu trên động vật và con người đều phát hiện ra rằng curcumin giúp tăng nồng độ BDNF trong não. Bằng cách này, curcumin có tác dụng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng và chứng mất trí có liên quan tới tuổi tác.

Đặc biệt, theo một vài nghiên cứu thì curcumin cho thấy một số hứa hẹn trong việc điều trị các rối loạn tâm trạng bàng cách tăng cường các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và dopamine trong não, giảm dấu hiệu viêm từ đó chống trầm cảm hiệu quả.

- Nghệ có thể giúp ngăn ngừa ung thư: Ung thư là một số bệnh trong đó các tế bào phát triển bất thường, lan rộng và gây hại cho các mô cơ thể lân cận. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về mối liên hệ giữa nghệ và ung thư. Trong đó, có một số bằng chứng cho thấy các hạt nano curcumin có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Curcumin thậm chí có thể làm giảm kích thước và góp phần vào quá trình chết tế bào ung thư.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này không thể cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra trong cơ thể con người khi một người ăn nghệ. Thêm vào đó, có khả năng nghệ có thể tương tác với một số loại thuốc hóa trị ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh ung thư.

Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết - Ảnh 4.

Có một số bằng chứng cho thấy các hạt nano curcumin có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư (Ảnh: ST)

- Có lợi với bệnh nhân tiểu đường: Vì curcumin có thể giúp chống viêm và duy trì lượng đường trong máu ổn định, nên hoạt chất chiết xuất từ nghệ này có thể là một công cụ hữu ích để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường type 2. Một nghiên cứu đã theo dõi 240 người trưởng thành bị tiền tiểu đường và phát hiện ra rằng việc sử dụng thực phẩm bổ sung curcumin trong hơn 9 tháng đã làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở họ.

- Nhiễm trùng do virus: Curcumin có thể giúp chống lại nhiều loại virus, bao gồm cả virus cúm và herpes, theo WebMD. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng chống lại nhiễm trùng do virus ở nghệ chủ yếu mới được thực hiện trong phòng thí nghiệm chứ không phải trên người. Vì vậy chúng ta cần nhiều nghiên cứu cụ thể với quy mô trên người lớn trước khi kết luận về lợi ích của nghệ đối với sức khỏe này. Nhưng thỉnh thoảng uống một ly trà nghệ cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình hydrat hóa cho cơ thể.

- Hội chứng tiền kinh nguyệt: Một nghiên cứu gần đây theo dõi phụ nữ trong ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp cho thấy chất bổ sung curcumin giúp làm giảm các triệu chứng PMS. Một nghiên cứu trên cơ của chuột cũng cho thấy nghệ cũng có thể làm giảm đau bụng kinh.

2. Lưu ý để tiêu thụ nghệ tốt cho sức khỏe

Để tận dụng những lợi ích của nghệ đối với sức khỏe thì bạn cần chú ý tới những vấn đề sau:

- Uống nghệ mỗi ngày có tốt không? Không có khuyến nghị chính thức nào về việc sử dụng nghệ và mức dung nạp tối đa cũng chưa được xác định. Theo Healthline, Ủy ban Chuyên gia Quốc tế về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) của FAO/WHO đã đưa ra mức tiêu thụ curcumin chấp nhận được là 3 mg/1 kg cân nặng cơ thể mỗi ngày. Nghĩa là, nếu một người trưởng thành khỏe mạnh nặng 81 kg thì lượng curcumin người này có thể tiêu thụ mỗi ngày khoảng 249 mg. Cần ghi nhớ rằng, tất cả các chất bổ sung có nguồn gốc thảo dược nên được sử dụng một cách thận trọng.

Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết - Ảnh 5.

Không có khuyến nghị chính thức nào về việc sử dụng nghệ và mức dung nạp tối đa cũng chưa được xác định (Ảnh: ST)

Khi dùng nghệ cần chú ý tới các bất thường của sức khỏe để điều chỉnh phù hợp.

- Làm cách nào để tăng tác dụng của curcumin trong nghệ? Theo Healthline, tiêu thụ một lượng nhỏ bột nghệ hoặc nghệ tươi với piperine có trong hạt tiêu đen có thể giúp tăng khả năng hấp thụ curcumin của cơ thể lên tới 2000%.

- Tương tác thuốc không mong muốn: Tiêu thụ nghệ có thể tương tác với một số loại thuốc gồm có: Indomethacin, aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen; thuốc hóa trị; thuốc chống đông máu; thuốc ức chế miễn dịch; thuốc được chuyển hóa bởi enzyme CYP450 như thuốc kháng histamine, thuốc benzodiazepin, thuốc chẹn kênh canxi; thuốc chống nấm amphotericin B; thuốc trị bệnh gút colchicine; thuốc giảm bốc hỏa do mãn kinh fezolinetant.

- Nghệ có tác dụng phụ không? Có. Nhìn chung nghệ tương đối an toàn với nhiều người nếu dùng trong thực phẩm như gia vị, đồ uống, bôi lên da. Mặc dù hiếm gặp nhưng nghệ cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn tại đường tiêu hóa như buồn nôn, đau dạ dày, trào ngược axit, nôn mửa, tiêu chảy; làm loãng máu dẫn tới chảy máu dễ hơn; thiếu sắt nếu dùng ở liều cao; tổn thương gan hoặc ngộ độc gan; phản ứng dị ứng dẫn tới mẩn ngứa, mề đay, sưng môi miệng.

- Ai không nên dùng nghệ: Theo Healthline, người đang cho con bú, phụ nữ mang thai, người có bệnh túi mật, bệnh gan hoặc bệnh thận, người bị rối loạn chảy máu, người sắp phẫu thuật, người có tình trạng nhạy cảm với nội tiết tố, bệnh nhân tiểu đường, người thiếu sắt, người có bệnh dạ dày nên tránh hoặc hạn chế dùng nghệ và chỉ dùng theo liều được bác sĩ khuyến nghị.

Ngoài ra, củ nghệ có thể làm giảm mức testosterone và giảm sự di chuyển của tinh trùng. Điều này có thể làm giảm khả năng sinh sản. Những người đang cố gắng sinh con nên thận trọng khi sử dụng nghệ.

3. Bài thuốc từ củ nghệ

Có một số bài thuốc từ củ nghệ mà bạn có thể tham khảo, lưu ý sử dụng nghệ để làm thuốc chữa bệnh cần có sự giám sát của thầy thuốc:

- Bài thuốc chữa viêm gan, suy gan, vàng da: Chuẩn bị 2 gam nghệ, 4 gam rau má, 3 gam núc nác, 3 gam nhân trần, 3 gam hoàng bá nam, 2 gam dành dành, 2 gam nhọ nồi, 2 gam vối rừng. Đem củ nghệ, dành dành và vối rừng phơi khô, tán thành bột mịn. Các dược liệu khác đem nấu thành cao rồi trộn với bột mịn vừa làm thành viên hoàn, mỗi ngày dùng 10 gam, chia 2 lần trong ngày.

Ăn nghệ có tốt không? Lợi ích của nghệ đối với sức khỏe không phải ai cũng biết - Ảnh 6.

Sử dụng nghệ để làm thuốc chữa bệnh cần có sự giám sát của thầy thuốc (Ảnh: ST)

- Bài thuốc chữa sỏi mật, tán sỏi: Chuẩn bị nghệ, mộc hương, nhân trần, chỉ xác và đại hoàng mỗi vị 12 gam cùng 40 gam kim tiền thảo đem sắc uống mỗi ngày một thang, uống trong ngày.

- Bài thuốc từ nghệ chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi, ợ chua: Chuẩn bị 10 gam nghệ, 12 gam trần bì, 12 gam khổ sâm, 10 gam hương phụ, 10 gam bồ công anh, 8 gam ngải cứu đem phơi khô. Sau đó tán thành bột mịn, chia uống mỗi ngày 10 - 20 gam, 2 lần một ngày.

- Bài thuốc từ nghệ chữa đau bụng kinh: Chuẩn bị 12 gam nghệ, 20 gam ích mẫu, 16 gam sinh địa, 16 gam huyền sâm, 12 gam địa cốt bì cùng hoàng liên, đào nhân, hương phụ, thanh bì, mỗi vị 8 gam. Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị đi sắc uống trong ngày.

- Bài thuốc bột nghệ chữa mụn nhọt, lở loét: Chuẩn bị 30 gam bột nghệ vàng nguyên chất, không pha tạp, 60 gam bột rau má, 10 gam bột phèn phi. Trộn đều tất cả lại với nhau rồi đắp vào nơi có vết loét mỗi ngày rắc 3 lần.

4. Cách làm nghệ ngâm mật ong chữa trào ngược dạ dày

Ngoài dùng độc lập thì nghệ ngâm mật ong cũng là một thức uống được nhiều người ưa chuộng nhờ tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm để hỗ trợ điều trị bệnh trào ngược dạ dày.

- Uống nước nghệ tươi giã nhuyễn cùng mật ong

+ Chuẩn bị một củ nghệ tươi, rửa sạch, cạo vỏ, giã nát hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.

+ Pha cùng 100ml nước ấm cùng một thìa mật ong khuấy đều và uống. (Nên uống đều đặn trước mỗi bữa ăn khoảng 15 – 30 phút. Sau 1 tháng bạn sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện rõ rệt).

- Ngâm nghệ tươi với mật ong

+ Chuẩn bị khoảng 500g nghệ tươi cùng với lượng mật ong vừa đủ dùng, lọ thủy tinh.

+ Tiếp theo đem nghệ rửa sạch thái thành lát mỏng.

+ Cho lát nghệ đã thái mỏng xếp vào lọ mỗi lớp xếp xong thì đổ ngập mật ong qua lát nghệ. Sau đó, đậy nắp và bảo quản ở nơi khô ráo.

+ Ngâm nghệ từ 7 – 10 ngày là có thể sử dụng được. Mỗi khi bị trào ngược, bạn có thể lấy 2 – 3 lát nghệ ra sử dụng.

- Dùng tinh bột nghệ kết hợp với mật ong

+ Cách 1: Lấy 3 muỗng tinh bột nghệ và 1 muỗng mật ong pha với 100ml nước ấm khuấy đều và dùng trực tiếp. Nên dùng trước bữa ăn là tốt nhất.

+ Cách 2: Sử dụng tinh bột nghệ trộn cùng mật ong nặn thành viên nhỏ với tỉ lệ 120g bột nghệ + 60g mật ong. Bảo quản trong lọ thủy tinh, đậy kín nắp và sử dụng hàng ngày. Mỗi ngày bạn dùng 9 viên/3 bữa. Sau 1 tháng, bạn sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện.

Trong trường hợp không có tinh bột nghệ vàng thì bạn có thể sử dụng nghệ đen để thay thế. Vì nghệ đen cũng có tác dụng tương tự như nghệ vàng khi hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý: Nghệ đen mang tính phá huyết cao nên không được dùng cho đối tượng bị xuất huyết dạ dày, viêm loét dạ dày và phụ nữ có kinh nguyệt thất thường.

Tuy nhiên, bài thuốc chỉ áp dụng với những trường hợp bệnh trào ngược dạ dày bị nhẹ hoặc giúp hỗ trợ trong điều trị bệnh chứ không thay thế thuốc điều trị. Bạn nên thăm khám đúng lịch để có những điều chỉnh phù hợp cho tình trạng bệnh.

Nhìn chung, với câu hỏi ăn nghệ có tốt không thì câu trả lời là có. Nghệ có thể sử dụng ở dạng tươi, bột khô, thực phẩm bổ sung,... tùy vào nhu cầu và thể trạng sức khỏe. Do curcumin là chất dinh dưỡng tan trong chất béo và nên dùng sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn để hấp thụ tốt hơn. Nếu muốn cải thiện tâm trạng, bạn có thể uống nghệ vào buổi tối hoặc uống nghệ trước khi đi ngủ.

Nguồn dịch tham khảo:

1. 10 Health Benefits of Turmeric and Curcumin

2. Health Benefits of Turmeric

3. What are the benefits of turmeric?

4. 8 Health Benefits of Turmeric


Tác giả: Allen