Mướp đắng (khổ qua) được ví như "vựa dinh dưỡng" cực tốt cho sức khỏe nhờ thành dưỡng chất dồi dào. Tuy có vị đắng nhưng nếu chăm chỉ ăn sẽ giúp cơ thể nhận lại được "trái ngọt", từ hệ miễn dịch tới tim mạch, tiêu hóa và làn da. Dưới đây là những thông tin về tác dụng của mướp đắng đối với sức khỏe và những lưu ý khi ăn mướp đắng, cách giảm đắng khi ăn,...
Quả mướp đắng thuộc họ Cucurbitaceae, được trồng rộng rãi ở châu Á, châu Phi và vùng Caribe, Nam Mỹ. Tùy thuộc vào giống, điều kiện sinh trưởng mà loại quả này có sự khác biệt nhỏ về hình dáng, màu sắc. Tuy nhiên, điểm chúng cũng là đặc trưng của mướp đắng là vị đắng khi ăn, mặc dù mức độ đắng của nó cũng có thể khác biệt giữa các giống, cách trồng và cách chế biến.
Theo USDA, 100 gam mướp đáng cung cấp: 3,7 gam carbs; 2,8 gam chất xơ; 1 gam chất đạm; 0,17 gam chất đạm; 19mg canxi; 0,034mg đồng; 0,43mg sắt; 17mg magie; 0,089mg mangan; 31mg phốt pho; 296mg kali; 0,2mcg selen; 5mcg natri cùng 84mg vitamin C; 24mcg vitamin A và một lượng các loại vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B5, B6 và B9.
Quả mướp đắng thuộc họ Cucurbitaceae, được trồng rộng rãi ở châu Á, châu Phi và vùng Caribe, Nam Mỹ (Ảnh: ST)
Có thể thấy, mướp đắng giàu beta-carotene, kali, canxi và phốt pho. Đây cũng là nguồn chất xơ và vitamin C, B1, B2 và B3 tốt. Các vitamin và khoáng chất này rất cần thiết cho chức năng và sự phát triển khỏe mạnh của tế bào.
Đọc thêm:
+ Trị hôi nách bằng mướp đắng đơn giản, hiệu quả
Theo Very Well Health, ăn mướp đắng có thể giúp cơ thể nhận được các lợi ích sau:
- Bệnh tiểu đường: Từ lâu mướp đắng đã xuất hiện trong nhiều bài thuốc trị tiểu đường, chẳng hạn như uống nước ép mướp đắng chữa tiểu đường hay canh mướp đắng nấu nấm và tụy lợn... Điều này là do chiết xuất mướp đắng chứa các hợp chất như charantin và polypeptide-P thường có tác dụng tương tự như insulin. Tuy nhiên ăn mướp đắng không thể thay thế cho thuốc insulin chữa tiểu đường mà bác sĩ chỉ định.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong mướp đắng cũng hỗ trợ ổn định đường huyết một cách tự nhiên, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột biến nguy hiểm với bệnh nhân bị tiểu đường.
Ăn mướp đắng có tác dụng gì đối với sức khỏe? Ảnh: ST
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Ethnopharmacology cũng cho thấy, những người uống 2 gam chiết xuất mướp đắng mỗi ngày trong 90 ngày, đã giảm chỉ số đường huyết HbA1c. Điều này tương đương với việc kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
- Đặc tính chống viêm và chống oxy hóa: Mướp đắng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có thể giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi tình trạng viêm và tổn thương tế bào do stress oxy hóa gây ra, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường thậm chí là cả ung thư. Trong số đó, những hợp chất mạnh nhất là axit gallic, axit chlorogenic, catechin và epicatechin.
- Mướp đắng giàu viamin C: 100 gam mướp đắng cung cấp tới 84mg vitamin C. Chế độ ăn giàu vitamin C giúp làm chậm quá trình lão hóa, hỗ trợ tăng cường đề kháng và giúp vết thương chóng lành,....
Mướp đắng giàu vitamin C (Ảnh: ST)
- Huyết áp cao: Mướp đắng giàu kali, đây là khoáng chất cần thiết để điều hòa huyết áp, đặc biệt là ở người bị huyết áp cao bằng cách giảm lượng natri thông qua đường tiểu đồng thời giảm căng thẳng cho thành mạch máu, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể. Trong đó, huyết áp cao kéo dài được cho là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới các biến cố tim mạch nguy hiểm như đột quỵ.
- Giảm cholesterol: Nồng độ cholesterol trong máu cao có thể làm tăng hình thành các mảng bám tích tụ trong động mạch dẫn tới xơ vữa động mạch và buộc trái tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu - từ đó khiến nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên. Theo Healthline, một nghiên cứu trên chuột cho thấy việc sử dụng chiết xuất mướp đắng có thể giúp giảm đáng kể mức cholesterol xấu. Điều này có thể nhờ thành phần chất xơ và kali dồi dào trong mướp đắng giúp giảm cholesterol xấu, giảm tryglyceride.
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Mướp đắng là nguồn chất xơ thân thiện với sức khỏe hệ tiêu hóa. Chất xơ có đặc tính nhuận tràng, thúc đẩy nhu động ruột và giảm nguy cơ bị táo bón hiệu quả.
Chất xơ trong mướp đắng có lợi cho hệ tiêu hóa (Ảnh: ST)
- Hỗ trợ thải độc gan: Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Annamalai ở Ấn Độ cho thấy chiết xuất từ mướp đắng làm tăng nồng độ glutathione peroxidase (GPx), superoxide dismutase (SOD) và catalase, giúp cải thiện quá trình giải độc và ngăn ngừa tổn thương gan. Trong Đông Y, mướp đắng cũng được biết đến với tác dụng trừ nhiệt độc, mát máu,...
- Giảm cân: Theo Healthline, một nghiên cứu năm 2022 trên chuột tiêu thụ mướp đắng trong 40 ngày đã có những thay đổi tích cực về mức độ trao đổi chất, đặc biệt là ở những con chuột có chế độ ăn giàu chất béo. Điều này có thể nhờ vào tác dụng ngăn ngừa sự tích tụ chất béo và tăng cảm giác no khi ăn mướp đắng. Tuy nhiên cần kết hợp chế độ ăn thêm mướp đắng với các thực phẩm lành mạnh khác cùng tập luyện hợp lý để giảm cân hiệu quả.
- Tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn: Mướp đắng giàu dinh dưỡng, có lợi cho chức năng miễn dịch. Ngoài ra, mướp đắng còn được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus. Tinh dầu mướp đắng đã được chứng minh là có khả năng chống lại khuẩn tụ cầu và các vi khuẩn khác như E. coli. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết ứng dụng của mướp đắng trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm vẫn đang trong giai đoạn đầu.
Ai không nên ăn mướp đắng? Ảnh: ST
- Bổ máu: Mướp đắng không chỉ giàu sắt mà còn giàu folate (vitamin B9) , một loại vitamin đa năng giúp hình thành các tế bào hồng cầu.
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn mướp đắng. Theo đó, cần thận trọng hoặc hạn chế/tránh ăn mướp đắng nếu bạn thuộc các nhóm dưới đây:
- Phụ nữ mang thai: Ăn mướp đắng có thể tăng nguy cơ co thắt tử cung, xuất huyết dẫn tới sinh non hoặc sảy thai.
- Người bị huyết áp thấp: Do thành phần mướp đắng chứa chất charantin, Polypeptid-P và Vicine. Những chất này có khả năng làm hạ đường huyết, dẫn đến tụt huyết áp, nên nếu có tiền sử huyết áp thấp thì bạn không nên ăn mướp đắng.
- Người bị thiếu canxi: Mướp đắng có chứa axit oxalic, có thể cản trở sự hấp thu canxi trong thực phẩm. Chính vì vậy người bị thiếu canxi không nên dùng mướp đắng, để giảm tác dụng của axit oxalic có thể chần trước qua nước nóng.
- Người bị suy thận: Người bị suy thận không nên ăn mướp đắng do mướp đắng chứa hàm lượng chất điện giải cao như kali, có thể gây ra các vấn đề về chuyển hóa ở người bị suy thận.
- Người đang dùng thuốc tiểu đường: Nếu đang dùng thuốc tiểu đường, hãy nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn cách thêm mướp đắng vào chế độ ăn đúng cách bởi mướp đắng có thể tăng cường hiệu quả của insulin hoặc thuốc theo đơn và do đó làm giảm lượng đường trong máu xuống mức cực độ rất nguy hiểm.
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn mướp đắng (Ảnh: ST)
Tương tự, người đang dùng thuốc huyết áp và thuốc điều hòa nhịp tim cũng nên thận trọng khi ăn mướp đắng bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn do tương tác thuốc.
- Người vừa phẫu thuật: Nếu bạn vừa mới phẫu thuật, đang nhịn ăn hoặc mất nhiều máu vì lý do nào đó, bạn nên tránh ăn mướp đắng vì nó có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu và gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Ngoài ra, cần tránh uống trà ngay sau khi ăn mướp đắng, tránh các ảnh hưởng tiêu cực tới dạ dày. Tránh kết hợp mướp đắng với các thực phẩm như tôm, cua dễ gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.
Nhìn chung, ăn mướp đắng có thể giúp bạn nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên không nên ăn mướp đắng quá nhiều, tránh ăn nhiều hơn 4 lần mỗi tuần. Khi ăn nên chú ý tới các bất thường sức khỏe để điều chỉnh cho phù hợp. Để khử vị đắng khi ăn mướp đắng, bạn có thể ngâm mướp đắng với nước lạnh thêm chút muối sau khi thái lát khoảng 15 phút hoặc chần qua nước sôi khoảng 80 độ trước khi chế biến như nấu canh mướp đắng, mướp đắng xào trứng,... sẽ ngon giòn hơn.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What Are the Benefits and Side Effects of Bitter Melon (Bitter Gourd)?
2. 6 Benefits of Bitter Melon (Bitter Gourd) and its Extract
3. Bitter Melon: The Fruit That Can Help With Diabetes, Cancer and More