Khoai mỡ: Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp

Khoai mỡ: Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp
Khoai mỡ với màu tím và độ béo ngậy đặc trưng đặc biệt tốt cho sức khỏe, đặc biệt là huyết áp.

Khoai mỡ thuộc họ Củ nâu với tên khoa học là Dioscorea alata. Khoai mỡ dễ bị nhầm lẫn với khoai lang tím. Ngoài được sử dụng như thực phẩm thì khoai mỡ còn là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền.

1. Giá trị dinh dưỡng của khoai mỡ

Khoai mỡ là một loại rau củ chứa nhiều tinh bột, là nguồn cung cấp carbohydrate, kali và vitamin c tuyệt vời. Theo Healthline, trong 100 gam khoai mỡ nấu chín có chứa:

- 140 calo

- 27 gam carbohydrate

- 1 gam protein

- 0,1 gam chất béo

- 4 gam chất xơ

- 0,83% DV natri (DV: Daily value - giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày)

- 13,5% DV kali

- 2% DV canxi

- 4% DV sắt

- 40% DV vitamin C

- 4% DV vitamin A.

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp - Ảnh 2.

Khoai mỡ giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

+ 11 tác dụng đáng ngạc nhiên của nước ép củ dền đối với sức khỏe trong mùa thay đổi thời tiết thất thường

+ Ăn củ sắn có tác dụng gì đối với sức khoẻ?

Ngoài ra, khoai mỡ còn giàu các hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ như anthocyanin - yếu tố giúp tạo nên màu tím rực rỡ của khoai mỡ.

2. Tác dụng của khoai mỡ đối với sức khỏe

Theo Healthline, dưới đây là các lợi ích của việc ăn khoai mỡ đối với sức khỏe dựa trên các nghiên cứu khoa học:

- Giàu chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa bệnh mãn tính

Khoai mỡ giàu chất chống oxy hóa bao gồm anthocyanin và vitamin C. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường type 2 và rối loạn thoái hóa thần kinh.

Đặc biệt, tiêu thụ thường xuyên các loại trái cây và rau củ giàu polyphenol như khoai mỡ đã được chứng minh trên ống nghiệm là giúp giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư như: Ung thư ruột kết, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt.

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp - Ảnh 3.

Khoai mỡ giàu chất chống oxy hóa bao gồm anthocyanin và vitamin C (Ảnh: Internet)

- Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu

Các flavonoid trong khoai mỡ có tác dụng giúp quản lý hạ đường huyết ở người mắc tiểu đường type 2 nhờ khả năng giảm tình trạng kháng insulin - một loại hormone có chức năng kiểm soát đường trong máu.

Điều này được giải thích là do chiết xuất khoai mỡ có thể bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy cũng như thúc đẩy giảm cân. Đồng thời, khoai mỡ có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) là 24 - tương đối thấp, nên carbohydrate được phân hủy thành đường một cách từ từ, giúp giải phóng năng lượng đều đặn thay vì khiến lượng đường trong máu tăng đột biến ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân tiểu đường.

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard trên 38.000 phụ nữ cho thấy, ăn các loại củ như: cà rốt, khoai mỡ hoặc khoai lang sẽ giảm 27% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

- Hạ huyết áp

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Tác dụng hạ huyết áp của khoai mỡ được cho là nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa ấn tượng của chúng có thể ngăn chặn sự chuyển đổi angiotensin 1 thành angiotensin 2.

Khoai mỡ cũng giàu vitamin B6 và kali có tác dụng bảo vệ thành mạch máu và duy trì huyết áp ổn định.

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp - Ảnh 4.

Khoai mỡ giàu vitamin B6 và kali có tác dụng bảo vệ thành mạch máu và duy trì huyết áp ổn định (Ảnh: Internet)

- Cải thiện triệu chứng của bệnh hen suyễn

Một đánh giá về 40 nghiên cứu trên NCBI cho thấy, sự xuất hiện của bệnh hen suyễn ở người trưởng thành có liên quan mật thiết với lượng vitamin A thấp (khoảng 50% DV vitamin A) và tỷ lệ mắc bệnh hen cũng tăng lên ở người có chế độ ăn uống thiếu vitamin C.

Trong khi đó, khoai mỡ lại là nguồn giàu chất chống oxy hóa và vitamin A cùng vitamin C nên có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

- Thúc đẩy sức khỏe đường ruột

Khoai mỡ chứa nhiều carbohydrate phức hợp và là nguồn tinh bột kháng tốt. Theo một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thất, tinh bột kháng từ khoai mỡ có tác dụng giúp tăng số lượng vi khuẩn có lợi cho đường ruột là Bifidobacteria trong ruột già.

Vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe đường ruột bao gồm hỗ trợ quá trình phân hủy carbohydrate phức hợp và chất xơ, thúc đẩy sản xuất axit béo lành mạnh và vitamin B, đồng thời có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhất định, chẳng hạn như ung thư đại tràng, bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích.

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp - Ảnh 5.

Khoai mỡ chứa nhiều carbohydrate phức hợp và là nguồn tinh bột kháng tốt (Ảnh: Internet)

- Giảm cân

Nhiều người thắc mắc ăn khoai mỡ có giúp giảm cân không, thì câu trả lời là có - nếu như bạn cân đối được lượng calo nạp vào thấp hơn so với lượng calo tiêu thụ. Điều này là nhờ khoai mỡ giàu chất xơ và carbohydrate phức hợp giúp no lâu hơn.

Khoai mỡ còn giàu mangan, đây là khoáng chất vi lượng giúp cho việc chuyển hóa carbonhydrate và điều tiết quá trình sản xuất năng lượng cho cơ thể giúp duy trì trọng lượng hợp lý.

- Cải thiện triệu chứng mãn kinh

Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (NCBI), khoai mỡ có chứa phytoestrogen. Tiêu thụ vừa phải có thể cải thiện chứng mất ngủ, đau cơ xương khớp và căng thẳng. Đồng thời diosgenin trong đó có thể làm giảm các triệu chứng bốc hỏa ở thời kỳ mãn kinh.

3. Bài thuốc từ củ khoai mỡ

Theo Đông y, khoai mỡ vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ tỳ, phế, sáp tinh khí, tiêu thũng, làm giảm đau. Có thể sử dụng khoai mỡ để nấu canh với cá, thịt nạc hoặc hầm xương để trị chứng suy nhược gân cốt, đau nhức cột sống.

Để trị chứng mụn nhọt, có thể dùng 250 gam khoai mỡ bỏ vỏ đem cắt hạt lựu rồi sao vàng, tán thành bột mịn. Mỗi ngày lấy khoảng 30 gam bột nấu cùng 50 gam gạo tẻ thành cháo rồi ăn.

Lưu ý là người mắc bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn khoai mỡ, tránh những tương tác thuốc không mong muốn tới sức khỏe.

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp - Ảnh 6.

Theo Đông y, khoai mỡ vị ngọt, tính bình, không độc (Ảnh: Internet)

4. Lưu ý khi ăn khoai mỡ

Mặc dù có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng người đang có bệnh liên quan tới mất cân bằng nội tiết tốt như u xơ cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung thì cần hạn chế ăn khoai mỡ do loại củ này chứa các hormone giống estrogen.

Nếu đang theo chế độ giảm cân mà muốn thêm khoai mỡ vào chế độ ăn, hãy kiểm soát chặt chẽ khẩu phần ăn bởi khoai mỡ mặc dù giàu carbohydrate phức hợp và chất xơ nhưng ăn quá nhiều vẫn có thể dẫn tới dư thừa calo gây tăng cân.

Khoai mỡ ăn sống có được không? Khoai mỡ có độ nhớt cao, không nên ăn sống mà nên nấu chín trước khi ăn. Hơn nữa, các loại khoai sọ, khoai môn, khoai mỡ trên bề mặt củ có chứa lớp chất nhầy mỏng acid oxalic (còn được gọi oxalat). Ở những người dễ bị sỏi thận hoặc có vấn đề liên quan đến thận, lượng oxalat cao có thể góp phần hình thành sỏi canxi oxalat. Nếu bạn có tiền sử sỏi thận hoặc các vấn đề về thận nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn.

Dù hiếm gặp nhưng một số người nhạy cảm cũng có thể bị dị ứng với khoai mỡ hoặc dị ứng với lớp nhớt ở khoai (chứa oxalat và saponin) dẫn tới các triệu chứng như đau đầu, mẩn ngứa, rát nhẹ,... Lúc này hãy dừng ăn và thăm khám bác sĩ để tránh phát triển nghiêm trọng hơn.

Nhìn chung, khoai mỡ có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Chiên ngập dầu hoặc sử dụng nhiều đường bổ sung có thể khiến khoai mỡ giảm tác dụng đối với sức khỏe. Nếu có thể, nên ưu tiên chế biến khoai mỡ bằng các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn như hấp, nướng.

Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp - Ảnh 7.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Nguồn dịch tham khảo:

1. 7 Benefits of Purple Yam (Ube), and How It Differs from Taro

2. Purple Yam (Ube): A Comprehensive Health Guide


Tác giả: Allen