Loại thảo mộc được nhắc đến ở đây là Thiên môn chùm, loại cây này được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền Ấn Độ. Thiên môn chùm có tên khoa học Asparagus Racemosus, là một loại cây leo, thân thảo, có chiều dài từ 1-2 mét, lá nhỏ hình kim giống lá thông, màu xanh và sáng bóng. Rễ thiên môn chùm là bộ phần được sử dụng làm thuốc trong y học. Vậy tác dụng của thiên môn chùm là gì? Cách sử dụng như thế nào?
Thiên môn chùm có tác dụng gì? Tác dụng của thiên môn chùm có được nghiên cứu nhiều không? Dưới đây là những lời giải đáp cho vấn đề này.
Loại thảo mộc này được biết đến với tác dụng tăng cường niêm tử cung, hỗ trợ quá trình mang thai diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt, một đánh giá các nghiên cứu được công bố trên Biomedicine and Pharmacotherapy năm 2018 cho thấy loại cây này có thể cải thiện các tình trạng như mất cân bằng nội tiết tố và hội chứng buồng trứng đa nang. (1)
Ngoài ra, thiên môn chùm còn được cho là có thể hỗ trợ tuyến thượng thận và giúp giảm căng thẳng - những yếu tố có thể làm suy giảm ham muốn tình dục. Loại cây này còn giúp tăng sức bền và cải thiện sức khoẻ tình dục tổng thể.
Đọc thêm:
+ Loại cây được ví là xuân dược của phụ nữ, tốt cho tim mạch và xương, có thể ngăn ngừa ung thư
Tác dụng của thiên môn chùm có thể giảm triệu chứng mãn kinh.
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự kết hợp của các loại thuốc thảo dược, bao gồm thiên môn chùm có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ từ năm 2018 đã thử nghiệm tác dụng của thuốc thảo dược đối với các triệu chứng mãn kinh ở 117 phụ nữ. Sau khi dùng thiên môn chùm và ba loại thảo mộc khác trong 12 tuần, phụ nữ báo cáo rằng tình trạng bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm giảm, nhưng không có sự khác biệt về nồng độ hormone hoặc sức khỏe tổng thể. (2)
Tác dụng của thiên môn chùm trong việc chống oxy hoá như thế nào? Thiên môn chùm có hàm lượng saponin cao. Saponin là hợp chất có khả năng chống oxy hóa. Ngoài ra, theo nghiên cứu năm 2004, một số chất chống oxy hoá khác như racemofuran, asparagamine A và racemosol cũng được tìm thấy trong loại thảo mộc này. (3)
Chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào do gốc tự do. Chúng cũng chống lại stress oxy hóa, nguyên nhân gây ra bệnh tật.
Thiên môn chùm lợi sữa, loại cây này làm tăng sản lượng prolactin, một loại hormone quan trọng cho việc cho con bú.
Tuy nhiên, nghiên cứu về tác dụng của thiên môn chùm trong việc lợi sữa chưa được chứng minh nhiều trên người. Do vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đảm bảo rằng thiên môn chùm an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
Ngoài những lợi ích nổi bật trên, thiên môn chùm còn có nhiều tác dụng khác như:
+ Lợi tiểu: Nghiên cứu phát hiện ra rằng 3.200 miligam thiên môn chùm có hoạt tính lợi tiểu mà không gây ra các tác dụng phụ cấp tính. (4)
+ Duy trì lượng đường trong máu: Các hợp chất trong loại thảo mộc này kích thích sản xuất insulin có thể giúp duy trì lượng đường trong máu.
+ Giảm ho: Một nghiên cứu từ năm 2000 cho thấy chiết xuất rễ thiên môn chùm có hiệu quả trong việc giảm ho ở chuột. (5)
+ Điều trị tiêu chảy: Thiên môn chùm được sử dụng như một phương thuốc dân gian để điều trị tiêu chảy.
+ Cải thiện tình trạng loét dạ dày: Theo một nghiên cứu năm 2005 trên chuột, thiên môn chùm có hiệu quả trong việc điều trị loét dạ dày do thuốc gây ra. (6)
+ Điều trị sỏi thận: Trong một nghiên cứu năm 2005, chiết xuất rễ cây thiên môn chùm đã giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi oxalat ở chuột. Nó cũng làm tăng nồng độ magiê trong nước tiểu. Người ta cho rằng nồng độ magiê thích hợp trong cơ thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tinh thể trong nước tiểu hình thành sỏi thận. (7)
+ Chống lão hoá: Theo một nghiên cứu năm 2015, saponin trong rễ cây thiên môn chùm giúp giảm tổn thương da do gốc tự do dẫn đến nếp nhăn. Loại cây này cũng giúp ngăn ngừa sự phân hủy collagen. Collagen giúp duy trì độ đàn hồi của da. (8)
+ Hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm: Một nghiên cứu năm 2009 trên loài gặm nhấm cho thấy chất chống oxy hóa trong thiên môn chùm có khả năng chống trầm cảm mạnh. Chúng cũng tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Các chất dẫn truyền thần kinh truyền đạt thông tin trong não của chúng ta. Một số có liên quan đến chứng trầm cảm. (9)
Tuy nhiên, những tác dụng của thiên môn chùm được đề cập cần nhiều nghiên cứu trên người để đảm bảo chính xác và an toàn.
Một số cách sử dụng thiên môn chùm để tăng cường sức khoẻ:
- Pha trà từ bột rễ cây thiên môn chùm, 1 thìa cà phê bột pha với 230ml nước, uống 2 lần mỗi ngày.
- Sử dụng dạng viên, dạng lỏng nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là nếu bạn đang dùng thuốc hoặc có vấn đề về sức khỏe
Lưu ý: Thiên môn chùm chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ở người. Do đó, chưa có liều lượng chính xác khuyến cáo khi bổ sung. Tuy nhiên, liều thông thường ở dưới dạng viên là 500 miligam, tối đa 2 lần mỗi ngày. Liều thông thường của chiết xuất cây thiên môn chùm là 30 giọt trong nước hoặc nước trái cây, tối đa 3 lần mỗi ngày.
Rất ít nghiên cứu đã tìm hiểu về tác dụng phụ của thiên môn chùm ở người. Do đó, khi sử dụng loại thảo mộc này, mọi người nên lưu ý:
- Phụ nữ có thai và cho con bú nên thận trọng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng
- Những người bị dị ứng với măng tây nên thận trọng khi sử dụng thiên môn chùm. Một số triệu chứng dị ứng mọi người nên lưu ý như phát ban, nhịp tim nhanh, ngứa mắt, ngứa da, khó thở, chóng mặt.
- Thiên môn chùm có thể có tác dụng lợi tiểu. Bạn không nên dùng loại cây này với các loại thảo mộc hoặc thuốc lợi tiểu khác.
- Thiên môn chùm có thể làm giảm lượng đường trong máu. Bạn không nên dùng loại cây này với các loại thuốc hoặc thảo mộc khác có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.
Trên đây là những tác dụng của thiên môn chùm đối với sức khoẻ và những tác dụng phụ. Nếu sử dụng loại thảo mộc này một cách thường xuyên, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. What Is Shatavari and How Is It Used?
2. What are the health benefits of shatavari?