Ngực có cục cứng có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lý khi ngực có cục cứng

Ngực có cục cứng có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lý khi ngực có cục cứng
Rất nhiều chị em băn khoăn lo lắng khi phát hiện ngực có cục cứng. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và cách xử lý ra sao khi ngực có cục cứng? Cùng tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết sau đây.

Ngực có cục cứng là tình trạng có một khối cứng ở trong vú, có thể sờ và cảm nhận được. Cục cứng này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng phổ biến là ở nữ giới.

Khi tỷ lệ ung thư vú ngày càng tăng cao thì việc phát hiện ngực có cục cứng khiến nhiều người băn khoăn, không biết những cục cứng đó có phải là u ác tính hay không.

1. Nguyên nhân gây ra ngực có cục cứng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những cục cứng ở ngực. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

- Do chấn thương tạo nên những cục cứng.

- Do viêm nhiễm: Thường gặp ở phụ nữ cho con bú, gây ra tình trạng áp xe vú.

- Thoái hóa mỡ và xơ nang tuyến vú

- Nang ở vú.

- Ung thư vú.

- U vú lành tính.

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện ngực có cục cứng thì nên tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám vì nguyên nhân gây ra cục cứng ở vú khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau.

2. Cục cứng ở ngực: Khi nào là lành tính? Khi nào là ác tính?

Một trong những dấu hiệu quan trọng xác định cục cứng ở ngực là lành tính hay ác tính đó là sự phát triển của các u. Cụ thể, u lành thường chậm phát triển, đau, cương khi sắp đến kỳ kinh nguyệt, có ranh giới rõ ràng, thường xuất hiện ở người trẻ. U ác tính thường phát triển nhanh, không liên quan đến kỳ kinh nguyệt, thường gây đau ở bất cứ thời điểm nào, không có ranh giới rõ ràng, hay gặp ở những người cao tuổi.

Ngực có cục cứng có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lí khi ngực có cục cứng - Ảnh 1.

Những cục cứng ở ngực có thể là khối u lành tính hay ác tính - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Muốn bảo vệ bản thân hãy nhớ những điều này về u xơ nang tuyến vú!

Ung thư vú dạng viêm và những điều bạn cần biết

2.1. Cục cứng ở ngực lành tính

Trong trường hợp ngực có cục cứng và những khối u này là lành tính, chị em có thể đối mặt với một số căn bệnh sau:

- Xơ nang tuyến vú:

Đây là căn bệnh thường gặp ở những đối tượng từ 30-35 tuổi, nguyên nhân của bệnh này là do rối loạn nội tiết gây ra. Dấu hiệu điển hình là ngực xuất hiện những mảng hay cục cứng ở một bên hoặc cả hai bên vú. Xơ nang tuyến vú thường gây đau với nhiều cấp độ khác nhau kèm theo các triệu chứng đau lưng, đau bụng nhiều hơn khi chị em tới kỳ kinh nguyệt.

- Viêm tuyến vú:

Triệu chứng của viêm tuyến vú là vú xuất hiện u cục, đau khi chạm vào vú, kèm theo cơ thể bị sốt, nóng sưng đỏ vú, tắc tia sữa...Hiện tượng này thường gặp ở những phụ nữ mới sinh và đang cho con bú.

- Bướu sợi tuyến vú:

Căn bệnh này thường gặp ở những phụ nữ trẻ từ 18-40 tuổi. Ngoài ra, bướu sợi tuyến vú cũng có thể gặp ở những người phụ nữ sau mãn kinh. Biểu hiện cụ thể của căn bệnh này là bướu vú cứng, chắc, hình tròn, có thể di động và không gây đau.

2.2. Cục cứng ở ngực là ác tính

Theo các thống kê, có khoảng 20% khối u vú sờ được là ung thư vú. Theo đó, những cục cứng hay những khối u vú là ác tính thường là một khối cứng chắc và dính, không có hình dạng rõ ràng, không thấy tròn hay bờ trơn láng. Khi đẩy bằng tay, những khối u này như dính chắc vào da và mô vú xung quanh chứ không lăn qua lăn lại.

Một vấn đề cần lưu ý là ung thư vú thường không gây đau, đặc biệt là những khối u ở giai đoạn sớm. Những khối u ác tính có thể phát triển ở bất kì phần nào ở vú hay núm vú, có thể ở vú bên trái hay vú bên phải.

Thống kê cho thấy, những khối u ác tính này thường được phát hiện ở một phần tư vú trên ngoài, phần vú gần nách, và ở vú trái nhiều hơn vú phải.

Thỉnh thoảng, những khối u ác tính gây đau cho người bệnh, đặc biệt khi chúng đã phát triển to và chèn ép, xâm lấn các cấu trúc xung quanh. Đau cũng là triệu chứng ung thư vú khi các khối u ác tính này ăn lan ra da, gây lở loét da.

3. Phát hiện ngực có cục cứng: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất kì những bất thường nào ở trên cơ thể nói chung và ở vú nói riêng, cụ thể là có những cục cứng hay khối u ở ngực, người bệnh nên sắp xếp thời gian để đến thăm khám ở các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ.

Tuy nhiên, khi phát hiện ngực có cục cứng kèm theo các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị:

- Một vùng vú sờ thấy và cảm nhận được khác biệt hoàn toàn với mô vú xung quanh.

- Những cục cứng ở ngực hay vùng mô vú dày lên kéo dài suốt chu kì kinh mà không thay đổi về kích thước.

- Vú thay đổi kích thước hay hình dạng.

- Vùng da của vú hay núm vú thay đổi. Có thể da lồi lõm, co rúm, bong tróc da, đỏ da, sưng tấy da.

- Có hiện tượng chảy dịch máu hay dịch trong từ núm vú.

Khi người bệnh có những thay đổi này, các bác sĩ sẽ khám vú và đề nghị làm các xét nghiệm bổ sung như siêu âm, sinh thiết...để chẩn đoán chính xác những thay đổi này là gì để có hướng điều trị phù hợp.

Ngực có cục cứng có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lí khi ngực có cục cứng - Ảnh 2.

Khi ngực có cục cứng và có những thay đổi, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt - Ảnh Internet.

4. Ngực có cục cứng có nguy hiểm không? Cách phát hiện sớm ung thư vú

Như vậy, ngực có cục cứng nguy hiểm khi những khối u này là ác tính. Trong trường hợp chúng là lành tính thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp đơn giản. Dưới đây là cách phát hiện sớm ung thư vú.

Để phát hiện sớm bạn có mắc ung thư vú hay không thì ngay khi phát hiện ngực có cục cứng, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của mình. Cụ thể, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, kiểm tra vùng vú, hỏi tiền sử bản thân và gia đình nhằm chẩn đoán sơ qua tình trạng sức khỏe.

Sau đó, để phát hiện người bệnh có bị ung thư vú hay không, các bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp X- quang vú, siêu âm vú, Chụp cắt lớp vi tính, sinh thiết.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về tình trạng ngực có cục cứng. Để đảm bảo sức khỏe bản thân một cách tốt nhất, ngay sau khi phát hiện những bất thường vùng vú, người bệnh nên đi bác sĩ để thăm khám và kiếm tra để có hướng điều trị phù hợp.


Tác giả: Ngọc Điệp