Trà có thể giúp giảm đau đầu nhưng cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến cơn đau đầu nghiêm trọng hơn, bao gồm cả người nhạy cảm với caffeine hoặc histamine.
Trà thảo dược hoặc hỗn hợp các loại trà thảo dược là những lựa chọn phổ biến nếu bạn đang tìm kiếm đau đầu nên uống trà gì để giảm nhẹ. Uống trà là một cách tuyệt vời để tăng lượng nước uống vào và duy trì trạng thái hydrat hóa lành mạnh.
Gừng là một trong những loại gia vị quen thuộc với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ chứa chất chống oxy hóa mạnh mẽ, như gingerol, giúp giảm viêm - tác nhân gây ra cơn đau đầu. Gừng cũng giúp mở rộng các mạch máu trong đầu, điều này cải thiện lưu thông máu và có thể giảm đau đầu. Liên quan tới chứng đau nửa đầu, một triệu chứng khác thường xuất hiện là buồn nôn và gừng cũng giúp giảm nhẹ cảm giác nôn nao này.
Đọc thêm:
- 10 bài thuốc chữa bệnh từ gừng gió
- 5 bài tập thở tốt nhất cho người thường xuyên bị đau đầu
Theo Healthline, một nghiên cứu nhỏ năm 2014 trên NCBI cho thấy tiêu thụ bột gừng có liên quan tới việc giảm triệu chứng của cơn đau nửa đầu tương đương với việc dùng một liều thuốc trị đau nửa đầu là sumatriptan.
Trà bạc hà là một loại trà thảo dược không chứa calo và caffeine được biết đến với công dụng giảm đau đầu do căng thẳng nhờ thành phần menthol khi được bôi lên trán hoặc thái dương. Mùi thơm từ trà bạc hà cũng đem lại tác dụng giảm đau và thư giãn cơ bắp tương tự.
Vỏ cây liễu chứa salicin, một hợp chất có tác dụng giảm đau tương tự như aspirin. Khi salicin được đưa vào cơ thể, nó chuyển hóa thành acid salicylic, giúp giảm đau và viêm. Do đó, trà vỏ cây liễu có thể giúp giảm đau đầu bằng cách giảm viêm và ức chế sản xuất các chất gây đau trong cơ thể.
Tuy nhiên cần lưu ý do vỏ cây liễu hoạt động giống với aspirin nên bạn không nên dùng trả vỏ cây liễu nếu dị ứng với aspirin. Trẻ em, phụ nữ đang cho con bú hoặc phụ nữ có thai và những người đang dùng thuốc chống đông máu cũng nên tránh dùng vỏ cây liễu để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trà đinh hương giúp giảm đau đầu nhờ vào eugenol, một hợp chất tự nhiên có tác dụng giảm đau. Eugenol có thể hoạt động như một chất chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm và đau đớn. Ngoài ra, đinh hương còn giúp thư giãn cơ trơn, có thể giúp giảm trạng thái căng thẳng của cơ, từ đó giúp giảm đau đầu.
Ngoài ra đinh hương cũng có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bệnh tật.
Trà cỏ thơm từ lâu được sử dụng như thuốc hạ sốt trong điều trị cũng như ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Điều này được giải thích là nhờ cỏ thơm chứa parthenolide, một hợp chất có tác dụng chống viêm và có thể ngăn chặn việc giải phóng các hợp chất gây viêm trong cơ thể. Parthenolide cũng có thể ngăn chặn sự mở rộng của các mạch máu trong não (giãn mạch) và ức chế sự co thắt của các cơ trơn, một yếu tố khác có thể gây đau đầu.
Tuy nhiên trà cỏ thơm đôi khi có thể gây kích ứng miệng nên cần thận trọng. Và các nghiên cứu vẫn cần mở rộng trên người nhiều người nên trà cỏ thơm dường như chỉ có tác dụng nhẹ đối với chứng đau nửa đầu. Trà cỏ thơm cũng không được khuyên dùng khi đang mang thai vì có thể thúc đẩy cơn co thắt tử cung.
Trà hoa cúc là một loại trà thảo mộc có tác dụng xoa dịu rất tốt để uống khi bạn bị đau đầu.
Trà hoa cúc chứa các hợp chất có tác dụng an thần và chống viêm, như bisabolol và chamazulene. Bisabolol có khả năng giảm viêm và có tác dụng giãn cơ, giúp giảm căng thẳng và thư giãn các mạch máu, từ đó có thể giảm đau đầu. Chamazulene cũng giúp giảm viêm và có thể làm giảm đau. Ngoài ra, trà hoa cúc còn có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, giảm stress, từ đó có thể làm giảm triệu chứng đau đầu, trong đó có đau đầu do căng thẳng.
Mối quan hệ giữa các loại trà và cơn đau đầu tương đối phức tạp. Nếu như một số loại trà có thể giúp giảm nhẹ cơn đau đầu thì một số loại khác lại trở thành nguyên nhân gây đau đầu. Điều này được cho là do một số thành phần trong trà như caffeine, tannin, histamine có thể làm bùng phát cơn đau đầu cùng các triệu chứng khác, đặc biệt nếu sử dụng quá mức.
Cụ thể:
- Trà có chứa caffeine như trà matcha, trà đen, trà ô long, và trà bá tước vì caffeine có thể gây ra đau đầu ở một số người. Uống quá nhiều caffeine cũng có thể gây ra cảm giác lo lắng, bồn chồn; các vấn đề về giấc ngủ; chóng mặt; buồn nôn,...
- Trà có chứa tannin, được tìm thấy trong các loại trà có vị chát, có thể gây ra đau đầu do ảnh hưởng tới việc giải phóng serotonin hoặc cản trở sự hấp thụ sắt.
- Trà có chứa histamine, đặc biệt là các loại trà lên men như trà đen, có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, nổi mề đay hoặc nghẹt mũi ở những người không dung nạp được histamine.
Nói cách khác, nếu ai đó nhạy cảm với caffeine, histamines, tannin hoặc các thành phần khác của trà, tốt nhất hãy tránh sử dụng chúng khi bị đau đầu.
Theo Very Well Health, caffeine có đặc tính co mạch, có nghĩa là nó làm thu hẹp các mạch máu. Khi các mạch máu ở đầu giãn ra, caffeine có thể giúp co mạch để giảm đau. Caffeine giúp giảm viêm và là thành phần trong nhiều loại thuốc giảm đau đầu OTC. Khi dùng caffeine kết hợp với thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen, nó sẽ làm tăng khả năng hấp thụ và tác dụng của thuốc để giúp giảm đau nhanh hơn.
Tuy nhiên quá nhiều caffeine lại có thể dẫn tới đau đầu nếu ngừng tiêu thụ do các mạch máu lại giãn ra. Điều này gây ra sự gia tăng lưu lượng máu quanh não và gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh. Sau đó có thể gây ra hiện tượng đau đầu do cai caffeine.
Điều quan trọng là bạn cần chú ý tới lượng caffeine mà bản thân tiêu thụ và xem cách nó tác động tới cơn đau đầu của bạn như thế nào. Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu, hãy cân nhắc việc giảm dần lượng caffeine và tiêu thụ nó ở mức độ vừa phải.
Uống trà có thể giúp giảm những cơn đau đầu nhẹ nhưng không nên coi là phương pháp thay thế thuốc giảm đau theo đơn mà bác sĩ chỉ định.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều trà bao gồm:
+ Cảm giác căng thẳng hoặc bồn chồn
+ Mất ngủ: Uống quá nhiều trà, đặc biệt là những loại có caffeine cao như trà đen, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
+ Trào ngược dạ dày – thực quản: Caffeine trong trà có thể làm giãn cơ vòng tại thực quản, gây ra cảm giác ợ nóng.
+ Đau dạ dày: Tannin trong trà có thể gây ra cảm giác buồn nôn hoặc đau dạ dày.
+ Chóng mặt: Uống quá nhiều trà có thể khiến bạn cảm thấy choáng váng và chóng mặt.
+ Đau đầu: Trà có thể giúp giảm đau đầu nhưng nếu uống quá nhiều lại có thể gây ra đau đầu.
+ Phụ thuộc vào caffeine: Uống trà thường xuyên có thể tạo ra sự phụ thuộc vào caffeine, dẫn đến cảm giác cần phải uống trà để duy trì tình trạng tỉnh táo.
+ Thiếu hụt sắt: Tannin trong trà có thể ngăn cản sự hấp thụ chất sắt, đặc biệt ở những người ăn chay hoặc ăn kiêng.
+ Đi tiểu thường xuyên: Trà là chất lợi tiểu và uống nhiều có thể khiến bạn cần đi tiểu nhiều hơn bình thường.
+ Mất nước: Mặc dù là chất lỏng nhưng trà là một chất lợi tiểu, có thể gây mất nước nếu uống quá nhiều mà không bổ sung đủ nước.
Không có liều lượng khuyến cáo hoặc tiêu chuẩn cho việc uống bao nhiêu trà để giảm đau đầu nhưng hãy uống trà ở mức vừa phải và không uống trà có caffeine sát giờ đi ngủ. Tốt nhất, hãy lắng nghe phản ứng của cơ thể để có lựa chọn loại trà giảm đau đầu phù hợp. Nếu cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo buồn nôn, choáng váng, đau đầu như búa bổ gây lú lẫn và tê liệt thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nguồn dịch:
1. Have a Headache? Try These Teas
2. Is Tea Good for Headaches? Which Types to Drink (and Avoid) When Your Head Hurts
3. 10 Signs You're Drinking Too Much Tea