Khác với rau diếp thơm thì rau diếp ngồng là loại rau có ngồng to, cả ngồng và lá đều có thể ăn được. Do có vị đắng nên rau diếp ngồng được coi là một loại rau hiếm khi có thuốc trừ sâu, ít bị côn trùng phá hoại. Tác dụng của rau diếp ngồng đối với sức khỏe dưới đây chỉ mang tính tham khảo, chủ yếu dựa trên các vitamin và khoáng chất có trong rau diếp ngồng.
Theo Women's Health, ăn rau diếp ngồng có thể đem lại nhiều lợi ích khi ăn, các tác dụng của rau diếp ngồng đối với sức khỏe có thể tham khảo như:
- Rau diếp ngồng giàu dinh dưỡng, calo thấp: Rau diếp ngồng có lượng calo thấp nhưng lại là nguồn dồi dào vitamin và khoáng chất, bao gồm sắt, canxi, magie, phốt pho, kali và vitamin A, vitamin B, vitamin C và vitamin K. Theo USDA, 100 gam rau diếp ngồng tươi chỉ chứa 18 calo cùng 0,3 gam chất béo; 0,85 gam chất đạm; 3,65 gam carbohydrate; 1,7 gam chất xơ và 11 mg natri, 212 mg kali.
Ăn rau diếp ngồng có tốt không? Ảnh: ST
Đọc thêm:
+ 8 loại thảo dược bổ phổi, giúp phòng ngừa các bệnh hô hấp khi vào mùa
+ 15 loại trái cây và rau củ màu tím tốt cho miễn dịch thời điểm bệnh truyền nhiễm và hô hấp vào mùa
- Giàu mangan: 100 gam rau diếp ngồng tươi cung cấp tới 30% nhu cầu mangan khuyến nghị hàng ngày (DV). Điều này cho thấy rau diếp ngồng là một nguồn mangan phong phú. Mangan là khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình trao đổi chất, thúc đẩy cơ thể hấp thụ canxi và điều chỉnh ổn định đường huyết.
- Giàu chất xơ tốt cho tiêu hóa: Thân rau diếp ngồng được cho là nhiều chất xơ hơn so với lá cùng folate và vitamin C. Chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, từ đó giúp quá trình tiêu hóa trơn tru hơn, phòng ngừa táo bón hiệu quả. Ngoài ra, ăn các loại rau giàu chất xơ ít calo như rau diếp ngồng còn góp phần tăng cảm giác no, giảm ăn vặt nên có thể hỗ trợ giảm cân nếu kết hợp với chế độ ăn thâm hụt calo đúng cách.
- Nguồn folate: Folate có nhiều trong thân cây rau diếp ngồng là một phần của quá trình chuyển hóa enzyme cần thiết cho việc tổng hợp DNA, quan trọng để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Thanh nhiệt cơ thể: Theo Đông Y, rau diếp ngồng có tính đắng, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể cũng như tăng cường thể lực. Tuy nhiên người có thể trạng yếu, mới ốm dậy thì không nên ăn dễ phản tác dụng.
Người mới ốm dậy không nên ăn rau diếp ngồng (Ảnh: ST)
- Nguồn kali tốt cho sức khỏe: Một tác dụng của rau diếp ngồng khác tới sức khỏe là cân bằng natri trong cơ thể nhờ hàm lượng kali dồi dào (100 gam chứa tới 212 mg kali), có lợi cho bệnh nhân cao huyết áp phòng ngừa đột quỵ, giảm phù nề đồng thời hỗ trợ sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh cơ (cơ bắp), hệ tiêu hóa và tiết niệu.
- Vitamin A và beta-carotene: 100 gam rau diếp ngồng tươi cung cấp khoảng 3.500 IU tương đương 117% DV vitamin A. Cả hai đều có lợi đối với sức khỏe thị lực, chống lại tác hại của gốc tự do, duy trì thị lực tốt, hỗ trợ làn da tươi trẻ và hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Nguồn vitamin K tốt: Thân rau diếp ngồng được cho là cung cấp vitamin K, có lợi cho quá trình chuyển hóa xương, thúc đẩy tăng khối lượng xương bằng cách thúc đẩy hoạt động của tế bào tạo xương. Tất cả đều giúp ngăn ngừa loãng xương cũng như các bệnh về xương khớp. Vitamin K cũng đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa tổn thương các tế bào thần kinh ở não, hỗ trợ phòng ngừa bệnh Alzheimer.
Rau diếp ngồng có thể ăn cả lá và thân (Ảnh: ST)
- Vitamin C: 100 gam ngồng cây chứa lượng vitamin C gấp đôi so với lá rau diếp. Chất chống oxy hóa tự nhiên này giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng và loại bỏ dấu hiệu viêm trong máu có hại cho cơ thể.
Ngoài các tác dụng của rau diếp ngồng với sức khỏe kể trên thì một vài khoáng chất khác trong rau diếp ngồng như canxi, sắt cũng có nhiều lợi ích. Canxi giúp tăng cường sức khỏe xương và răng, trong khi kali hỗ trợ điều tiết huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Sắt và đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hồng cầu.
Rau diếp ngồng có thể ăn cả thân và lá. Nếu đang băn khoăn rau diếp ngồng nấu món gì, bạn có thể thử luộc thân, lá rau; ăn salad rau diếp ngồng; rau diếp ngồng xảo tỏi hoặc rau diếp ngồng nấu canh tôm, thịt; chả thịt cuốn lá diếp ngồng; thịt gà hầm ngồng rau diếp;... đều rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe.
Do có vị đắng nên rau diếp ngồng được coi là một loại rau hiếm khi có thuốc trừ sâu (Ảnh: ST)
Ngoài rau diếp ngồng thì có một số thực phẩm bổ phổi, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch khác mà bạn có thể tham khảo thêm vào chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt là khi bệnh hô hấp đang "vào mùa" như:
- Các loại rau họ cải: Có hơn 3.000 loại rau họ cải khác nhau, phổ biến nhất là bông cải xanh, súp lơ trắng, cải xoăn, mầm cải brussel (bắp cải tí hon), rau chân vịt và bắp cải, cải xoong, rau cải thìa... chứa hợp chất thực vật gọi là glucosinolates cùng nguồn vitamin C, axit folic, sắt, canxi, selen,.. dồi dào. Glucosinolates là chất có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ được cho là có lợi cho hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
- Thực phẩm có màu đỏ, cam: Đây là những thực phẩm chứa hợp chất beta-caroten, một loại carotenoid có đặc tính chống oxy hóa, giúp ngăn chặn các gốc tự do tích tụ trong cơ thể và gây ra stress oxy hóa và tính chống viêm mạnh mẽ, có lợi trong việc kiểm soát phản ứng viêm của cơ thể.
Chế độ ăn giàu các thực phẩm nhiều màu sắc tốt cho sức khỏe tổng thể (Ảnh: ST)
- Thực phẩm giàu lycopene: Chẳng hạn như cà chua và nước ép cà chua giàu lycopene đã được chứng minh là có liên quan tới việc cải thiện sức khỏe phổi bằng cách giảm tình trạng viêm đường hô hấp ở người bị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài lycopene, cà chua còn là một nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin C và beta-carotene - hai chất chống oxy hóa khác có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.
- Việt quất và các loại quả mọng khác: Nguồn cung cấp dồi dào vitamin C và anthocyanin bao gồm malvidin, cyanidin, peonidin, delphinidin và petunidin có tác dụng bảo vệ mô phổi khỏi tổn thương do stress oxy hóa gây ra, làm chậm quá trình suy giảm chức năng tự nhiên của phổi do tuổi tác đồng thời tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng hô hấp như cảm lạnh, cúm bằng cách tăng số lượng tế bào bạch cầu.
Nhìn chung, chế độ ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu chất chống viêm và chống oxy hóa được xem là một trong những cách tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, ngoài chế độ ăn bạn cũng cần kết hợp với các lối sống lành mạnh khác như ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên ít nhất 150 phút mỗi tuần cường độ trung bình, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, kiểm soát căng thẳng,... để khỏe mạnh hơn, hạn chế nguy cơ bệnh tật.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What Is Celtuce And Is It Healthy?
2. Celtuce (Chinese lettuce) Nutrition facts
3. hk01.com
4. The 20 Best Foods for Lung Health