Các nguyên nhân phổ biến gây ra sương mù não bao gồm căng thẳng hoặc đau buồn, trải qua giai đoạn tiền mãn kinh (đối với nữ) và kiệt sức. Nhưng ít ai biết rằng những gì bạn đang ăn cũng có thể khiến tình trạng sương mù não xảy ra.
Sương mù não, hay còn được gọi là "brain fog" trong tiếng Anh, là một thuật ngữ không chính thức được dùng để mô tả tình trạng không rõ ràng, mơ hồ trong tư duy và nhận thức. Người có triệu chứng sương mù não thường cảm thấy thiếu sự tập trung, khó ghi nhớ và gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin.
Một số loại thực phẩm khiến tình trạng viêm trong cơ thể tăng lên, bao gồm cả não, từ đó dẫn tới cảm giác lơ mơ, khó tập trung, mệt mỏi, mất ngủ,... Những thực phẩm này thường chứa ít chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh, như omega-3, thay vào đó lại chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đường bổ sung và tinh bột tinh chế.
Thực phẩm siêu chế biến là những loại thực phẩm được chế biến công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên, bao gồm các chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản, muối, đường, chất béo không lành mạnh,... Có thể kể đến như xúc xích, thịt xông khói, snack ăn vặt,...
Đọc thêm:
- Xúc xích ăn liền chứa bao nhiêu calo?
- Ăn thịt xông khói có tốt không? Thịt xông khói bao nhiêu calo?
Việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến được cho là góp phần gây ra sương mù não và ảnh hưởng tới các hoạt động của não bao gồm gây viêm và giảm khả năng của não trong việc tập trung, gây ra tình trạng mệt mỏi, giảm khả năng nhận thức và gây trở ngại trong việc ghi nhớ. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến nhiều có thể dẫn đến sự mất cân bằng của lợi khuẩn trong đường ruột, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng não.
Phụ gia thực phẩm là những chất được thêm vào thực phẩm với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm kéo dài thời hạn sử dụng và thêm màu sắc hoặc hương vị. Trong đó bột ngọt (MSG) và chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame có thể liên quan tới các triệu chứng của sương mù não, đặc biệt với những người có độ nhạy cảm cao với các loại phụ gia này.
Điều này được cho là do các chất phụ gia ảnh hưởng tới cách thức não bộ giao tiếp và xử lý thông tin. Chẳng hạn, với bột ngọt (MSG) khi tiêu thụ ở lượng lớn có thể gây ra các phản ứng bao gồm đau đầu và khó tập trung.
Tuy nhiên các nghiên cứu vẫn cần làm rõ hơn mối quan hệ này và không phải ai cũng gặp phải tình trạng sương mù não khi tiêu thụ các chất phụ gia thực phẩm.
Rượu là thủ phạm chính gây ra sương mù não vì ảnh hưởng của nó đối với cả quá trình hydrat hóa và hệ thần kinh trung ương của bạn. Bạn không chỉ cảm thấy mơ hồ (say xỉn) khi uống rượu mà còn có thể cảm nhận được tác dụng của nó trong nhiều ngày sau đó. Để giảm tình trạng này khi uống rượu, bạn nên uống đủ nước và bù điện giải trước, trong và sau khi uống rượu.
Nếu nhận thấy bản thân bị sương mù não sau khi uống rượu, tốt nhất hãy tránh uống rượu và thay thế bằng các thức uống lành mạnh khác. Các loại đồ uống tốt cho sức khỏe nhận thức và não bộ có thể kể đến như trà xanh, nước ép quả mọng, kombucha, nước ép củ dền,...
Các loại đồ ngọt thường chứa lượng đường bổ sung cao và có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột khi ăn. Sau những đợt tăng đột biến này, lượng đường huyết lại giảm xuống và sự dao động không ổn định này vô tình khiến một người cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung và uể oải hơn.
Đường cũng có thể gây viêm và stress oxy hóa, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng não. Ngoài ra, ăn quá nhiều đồ ngọt còn có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề nhận thức trong tương lai.
Thực phẩm chiên rán cũng góp phần gây ra các triệu chứng sương mù não do chứa nhiều chất béo trans, chất béo bão hòa và muối không lành mạnh cũng kém dinh dưỡng. Thường xuyên tiêu thụ đồ chiên rán cũng làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể - một yếu tố ảnh hưởng tới sự gia tăng sương mù não.
Ngoài ra, nếu việc tiêu thụ dầu mỡ chiên rán xảy ra thường xuyên cũng có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và các vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng và khả năng hoạt động của não bộ.
Người mắc bệnh Celiac hoặc nhạy cảm với gluten thường gặp phải các triệu chứng sương mù não nếu ăn các thực phẩm chứa loại protein này (phổ biến trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch và nhiều loại ngũ cốc khác) do phản ứng viêm trong ruột kích hoạt dẫn tới viêm toàn thân, từ đó ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não.
Viêm nhiễm và kém hấp thụ dinh dưỡng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm nhận thức.
Triệu chứng của bệnh Celiac có thể rất đa dạng và khác nhau giữa mỗi người. Một số triệu chứng của bệnh Celiac phổ biến bao gồm đau bụng, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, chán ăn, sụt cân không giải thích được và mệt mỏi. Người mắc bệnh Celiac cũng có thể gặp các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh như sương mù não, đau nhức xương, tê hoặc yếu ở chân tay. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể gây ra sự chậm phát triển, rối loạn tăng trưởng. Một số triệu chứng khác có thể bao gồm phát ban da (dermatitis herpetiformis), loét miệng và thiếu máu do thiếu sắt không rõ nguyên nhân.
Nếu bị nhạy cảm với gluten, bạn có thể trải qua các triệu chứng dưới đây sau khi ăn các thực phẩm chứa gluten: đau bụng, khó chịu dạ dày; đầy hơi và chướng bụng; tiêu chảy hoặc táo bón; đau đầu và mệt mỏi ; sương mù não; phát ban da hoặc các vấn đề về da; cảm giác mệt mỏi sau khi ăn; đau khớp và cơ bắp.
Một lượng vừa phải caffeine mỗi ngày (không quá 400 mg - theo FDA) có thể giúp một người tỉnh táo và tập trung hơn nhưng quá nhiều caffeine hay còn gọi là lạm dụng caffeine quá mức lại có thể gây ra những tác dụng phụ ngược lại.
Điều này được giải thích là do mất nước, rối loạn giấc ngủ và sự kích thích quá mức của hệ thần kinh do caffeine gây ra. Khi hiệu ứng kích thích của caffeine giảm đi, người uống có thể trải qua cảm giác mệt mỏi và khó tập trung.
Quan trọng hơn, sự phụ thuộc vào caffeine cũng có thể gây ra các vấn đề về sự chú ý và tập trung khi không có chất kích thích này.
Carbs tinh chế các sản phẩm ngũ cốc đã được biến đổi đáng kể so với trạng thái tự nhiên của chúng. Quá trình này thường liên quan đến việc loại bỏ cám và mầm của hạt, đây là những phần giàu dinh dưỡng nhất, chỉ để lại nội nhũ giàu tinh bột. Ví dụ về carbohydrate tinh chế bao gồm bánh mì trắng và gạo trắng.
Ngũ cốc tinh chế cũng có thể góp phần gây ra sương mù não. Giống như đường tinh luyện, gây ra sự tăng giảm nhanh chóng lượng đường trong máu. Cơ thể phản ứng với những biến động này bằng cách giải phóng hormone, dẫn đến các triệu chứng thường liên quan đến sương mù não, chẳng hạn như nhầm lẫn, hay quên và khó tập trung.
Tóm lại, nếu bạn đang gặp phải tình trạng sương mù não, hãy cân nhắc tới việc thăm khám bác sĩ trước khi quyết định cắt toàn bộ các thực phẩm và thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, bởi sương mù não có thể hình thành do một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nguy hiểm.
Nguồn dịch tham khảo: 10 Foods That Can Cause 'Brain Fog'