Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng các chất dịch như pepsin, dịch mật,… trong dạ dày lẫn với thức ăn trào ngược lên thực quản gây tổn thương hầu, họng và thực quản.
Về bản chất, trào ngược dạ dày không phải căn bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh sẽ gây ra nhiều khó chịu đối với bệnh nhân và ảnh hưởng đến các hoạt động thường nhật hàng ngày.
Vì vậy, thay đổi lối sống khi sống chung với trào ngược dạ dày thực quản đóng vai trò khá quan trọng. Việc tuân thủ những phương pháp khoa học, lành mạnh sẽ giúp kiểm soát và giảm bớt sự khó chịu do bệnh gây ra.
Bước đầu tiên trong việc kiểm soát khi sống chung với trào ngược dạ dày thực quản thường là hạn chế thực phẩm gây trào ngược. Những thực phẩm này có thể khác nhau đối với từng người nhưng thường là chocolate, cà phê, thực phẩm chiên, rán , bạc hà, thực phẩm cay và đồ uống có ga.
Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên loại bỏ một số hoặc tất cả các loại thực phẩm này hoặc ghi chép lại những thực phẩm sử dụng hàng ngày để xác định loại thực phẩm nào gây ra các triệu chứng trào ngược với bạn.
Các loại thực phẩm nên ăn gồm các loại hạt, ngũ cốc toàn phần, rau, hoa quả, đậu lăng,.. Khi ăn những loại thực phẩm này, dạ dày sẽ sản sinh lượng acid thích hợp để tiêu hóa chúng. Ngoài ra, tăng cường hấp thu thực phẩm kiềm giúp bạn khắc phục tình trạng thừa acid trong cơ thể.
Để duy trì hàm lượng kiềm, hãy uống nước chanh và tăng cường hấp thu rau tươi, cà rốt và dưa chuột. Bên cạnh đó, cần uống đủ nước vì nước giúp duy trì hàm lượng acid trong cơ thể.
Khoảng cách giữa các bữa không nên quá dài hoặc quá ngắn, tốt nhất là nên cách nhau 3 - 4 giờ. Ngoài ra, bệnh nhân sống chung với trào ngược dạ dày thực quản cũng nên ăn vào cùng thời điểm mỗi ngày và ăn chậm để hỗ trợ tiêu hóa.
Ngoài việc tránh các yếu tố kích thích trong chế độ ăn uống, các bác sĩ có thể khuyến nghị một số thay đổi lối sống mà bạn có thể thực hiện để sống chung với trào ngược dạ dày thực quản như sau:
- Tránh nằm xuống ít nhất hai giờ sau bữa ăn hoặc sau khi uống đồ uống có tính acid như soda, hoặc đồ uống chứa caffein khác. Điều này có thể giúp ngăn ngừa dịch dạ dày chảy ngược vào thực quản.
- Không vận động mạnh sau khi vừa ăn xong.
- Giữ đầu của bạn nâng cao trong khi ngủ. Sử dụng thêm một hoặc hai gối để kê cao đầu cũng có thể giúp ngăn ngừa trào ngược.
- Ăn các bữa ăn nhỏ hơn và thường xuyên hơn mỗi ngày thay vì một vài bữa ăn lớn. Điều này thúc đẩy tiêu hóa và có thể hỗ trợ ngăn ngừa chứng ợ nóng.
- Mặc quần áo rộng để giảm áp lực lên dạ dày. Mặc quần áo bó sát có thể làm nặng thêm chứng ợ nóng và trào ngược.
- Từ bỏ việc hút thuốc khi sống chung với trào ngược dạ dày thực quản. Hút thuốc có thể làm tăng sản xuất acid dạ dày và làm giảm chức năng của cơ thắt thực quản dưới - đây là cơ giữ cho acid và các chất khác trong dạ dày không xâm nhập vào thực quản.
- Giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.
- Duy trì cân nặng phù hợp, nhất là ở vùng bụng. Tình trạng thừa cân sẽ gây áp lực lên toàn bộ cơ thể bạn, khiến dạ dày bị đẩy lên và làm acid dễ dàng trào ngược lên thực quản.
- Tập thể dục đúng cách cũng là yếu tố được nhắc đến khi sống chung với trào ngược dạ dày thực quản. Mặc dù tập thể dục là rất quan trọng để duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh nhưng một số bài tập thể dục có thể khiến tình trạng trào ngược acid dạ dày-thực quản trầm trọng thêm. Ví dụ, cử tạ và nằm ngửa đẩy tạ, có thể tạo thêm áp lực ở vùng bụng khiến các chất trong dạ dày trào ngược vào thực quản.
Nguồn dịch: https://nyulangone.org/conditions/gastroesophageal-reflux-disease-in-adults/treatments/lifestyle-changes-for-gastroesophageal-reflux-disease