Phương pháp điều trị khi có biến chứng trào ngược dạ dày thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phương pháp điều trị khi có biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra biến chứng nếu không được kiểm soát kịp thời. Các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản thường được điều trị bằng rất nhiều phương pháp khác nhau.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra biến chứng nếu không được kiểm soát kịp thời. Vậy có phương án nào giúp điều trị biến chứng trào ngược dạ dày thực quản không? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây bạn nhé.

1. Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản thường gặp

Các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản phổ biến nhất có thể kể đến là:

Tình trạng viêm hệ thống hô hấp: Tình trạng này thường được biểu hiện bằng các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác, chẳng hạn như viêm họng, viêm phế quản, viên phổi hoặc viêm xoang mũi. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có các cơn ho kéo dài, không thuyên giảm.

Hẹp thực quản: Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên sẽ gây viêm và tổn thương niêm mạc thực quản. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh có cảm giác đau khi nuốt, nôn ói hoặc chán ăn.

Barrett thực quản: Đây được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản. Barrett thực quản được hiểu là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi về màu sắc và hình dạng.

Ung thư thực quản: Là biến chứng trào ngược dạ dày thực quản nguy hiểm và nặng nề nhất. Biến chứng này có thể được nhận biết nhờ các triệu chứng rất đặc trưng như: nuốt nghẹn, buồn nôn, đau xương ức, khản tiếng, ho dai dẳng, tức ngực, sút cân…

2. Phương pháp điều trị biến chứng trào ngược dạ dày thực quản

Điều quan trọng khi điều trị biến chứng trào ngược dạ dày thực quản là kiểm soát các cơn trào ngược dạ dày. Người bệnh được khuyên thay đổi lối sống và chế độ ăn uống của mình để giảm bớt triệu chứng của trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, khi bệnh đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như trên, bệnh nhân sẽ được chỉ định:

2.1. Điều trị bằng thuốc không kê đơn

Các loại thuốc không kê đơn giúp kiểm soát trào ngược dạ dày bao gồm:

Thuốc kháng acid trung hòa axit dạ dày: Các loại thuốc kháng acid như Mylanta, Rolaids và Tums có thể giúp giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, khi sử dụng riêng lẻ, thuốc kháng axit sẽ không giúp cải thiện tình trạng viêm thực quản. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các loại thuốc này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Thuốc làm giảm việc sản xuất acid: Bao gồm cimetidine (Tagamet HB), famotidine (Pepcid AC), nizatidine (Axid AR) và ranitidine. Loại thuốc này không hoạt động nhanh như thuốc kháng axit. Nhưng chúng giúp giảm đau lâu hơn và làm giảm việc sản xuất acid dạ dày trong 12 giờ.

Các loại thuốc ngăn chặn sản xuất acid và chữa lành thực quản: Còn được gọi là thuốc ức chế bơm proton. Chúng giúp ức chế acid tốt hơn và hỗ trợ để mô thực quản tổn thương có thể hồi phục. Thuốc ức chế bơm proton không kê đơn bao gồm lansoprazole (Prevacid 24 HR) và omeprazole (Prilosec OTC, Zegerid OTC).

2.2. Điều trị bằng thuốc kê đơn

Các loại thuốc điều trị và cải thiện cơn trào ngược dạ dày gồm có:

Thuốc ức chế thụ thể H-2 kê đơn: Bao gồm famotidine theo toa (Pepcid), nizatidine và ranitidine. Những loại thuốc này thường được cơ thể dung nạp khá dễ dàng. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài, thuốc có thể gây ra nguy cơ thiếu vitamin B12 và gãy xương.

Thuốc ức chế bơm proton cường độ: Bao gồm esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec, Zegerid), pantoprazole (Protonix), rabeprazole (Aciphex) và dexlansoprazole (Dexilant). Cũng như thuốc ức chế thụ thể H-2, những loại thuốc này cũng gây các tác dụng phụ tương tự.

Thuốc tăng cường cơ thắt thực quản dưới: Thuốc làm giảm trào ngược dạ dày bằng cách giảm tần suất hoạt động của cơ thắt thực quản dưới. Thuốc thường gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi hoặc buồn nôn.

2.3. Phẫu thuật và các thủ tục khác

Trào ngược dạ dày thực quản có thể được kiểm soát bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc không có tác dụng, các bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như:

Phẫu thuật Nissen: Bác sĩ phẫu thuật sẽ quấn phần trên của dạ dày với phần xung quanh cơ thắt thực quản dưới. Phẫu thuật này có tác dụng thắt chặt cơ và ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản.

LINX device: Một vòng các hạt từ tính nhỏ sẽ được quấn quanh ngã ba của dạ dày và thực quản. Lực hút giữa các hạt này đủ mạnh để ngăn acid trào ngược nhưng vẫn có thể cho phép thức ăn đi qua.

Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản thường rất nguy hiểm và khó điều trị. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi và điều trị căn bệnh này ngay từ các giai đoạn sớm.


Tác giả: Thùy Dung