Chẩn đoán bệnh thông qua chứng ợ nóng như thế nào?

Chẩn đoán bệnh thông qua chứng ợ nóng như thế nào?
Chứng ợ nóng là triệu chứng hay gặp ở đường tiêu hóa, có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau như thói quen ăn uống sai cách, vận động quá sức, các bệnh lý đường tiêu hóa gây ra,...

1. Chứng ợ nóng là gì?

Chứng ợ nóng là một triệu chứng khá thường gặp ở đường tiêu hóa với biểu hiện chủ yếu các ợ hơi có kèm cảm giác nóng hoặc nóng rát sau xương ức.

Bệnh gây nên do sự trào ngược của acid trong dịch vị dạ dày lên các phần cao hơn của ống tiêu hóa như thực quản, họng,... tác động vào các mô của những bộ phận này làm tổn thương chúng gây nên biểu hiện nóng rát.

Người bệnh mắc chứng ợ nóng thường hay miêu tả cảm giác khi có ợ nóng giống như lửa đốt phía sau lồng ngực. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong ngày, tuy nhiên hay xảy ra nhất là thời điểm sau ăn, buổi tối, sau khi thay đổi tư thế,...

2. Nguyên nhân gây chứng ợ nóng

Có rất nhiều yếu tố khác nhau được cho là nguyên nhân gây nên chứng ợ nóng đã được biết đến. Tuy nhiên người ta cho rằng, ợ nóng không phải do một nguyên nhân cố định nào gây nên mà đây có thể là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố thúc đẩy khác nhau qua các quá trình phức tạp.

Các nguyên nhân được cho là có nguy cơ cao gây chứng ợ nóng được biết đến nhiều nhất bao gồm:

- Ăn quá no hoặc ăn quá nhiều chất béo khiến dạ dày căng giãn quá mức và sản xuất nhiều acid dịch vị hơn, làm tăng nguy cơ ợ nóng xảy ra.

Ảnh 2.

Ăn quá no hoặc ăn quá nhiều chất béo khiến dạ dày căng giãn quá mức (Ảnh: Internet)

- Mặc quần áo, sử dụng dây lưng quá chật làm tăng áp lực ổ bụng và dạ dày, khiến dịch vị và thức ăn trong lòng dạ dày có xu hướng di chuyển ngược để giảm áp vì vậy có thể gây chứng ợ nóng.

- Một số loại thực phẩm như rượu bia, đồ ăn cay nóng, chocolate, các loại quả có múi (cam, bưởi), bạc hà,... có khả năng gây chứng ợ nóng cho người sử dụng.

- Một số loại thuốc sử dụng như các thuốc NSAIDs, thuốc điều trị hen, thuốc giảm đau opioid, thuốc tránh thai,... cũng có thể gây nên chứng ợ nóng.

- Một số bài tập hoặc một số động tác như tập cơ bụng, tập cúi người, tập trồng cây chuối có thể khiến dịch vị di chuyển ngược gây ợ nóng.

- Các tổn thương cấu trúc tại phần cuối thực quản hoặc tâm vị dạ dày khiến chức năng co bóp bị giảm khiến dịch vị có thể di chuyển ngược cũng là nguyên nhân gây ợ nóng.

3. Chẩn đoán chứng ợ nóng như thế nào?

Để chẩn đoán chứng ợ nóng người ta sẽ dựa vào sự biểu hiện triệu chứng của bệnh nhân như nóng rát sau xương ức, cảm giác như lửa cháy,... và kết quả các xét nghiệm cần thiết.

Những xét nghiệm được dùng trong chẩn đoán ợ nóng bao gồm:

- Nội soi dạ dày thực quản: Là xét nghiệm được dùng phổ biến nhất để chẩn đoán ợ nóng, đánh giá các tổn thương tại thực quản trên bệnh nhân ợ nóng. Đôi khi có thể sinh thiết lấy thêm một mẫu mô tại thực quản để làm giải phẫu bệnh chẩn đoán tổn thương ở mức độ vi thể.

Ảnh 4.

Nội soi dạ dày thực quản là xét nghiệm được dùng phổ biến nhất để chẩn đoán ợ nóng (Ảnh: Internet)

- Đo pH thực quản 24h: Quan sát sự biến động pH thực quản trong thời gia 24h liên tục, có giá trị lớn trong chẩn đoán chứng ợ nóng.

- Do áp lực thực quản: Đo và kiểm tra sự co giãn của các cơ vùng dưới thực quản bằng các thiết bị chuyên dụng nhằm tìm nguyên nhân thực thể gây bệnh.

- Xquang: Tìm các tổn thương hoặc bất thường ở dạ dày, thực quản người bệnh.

Có thể thấy rằng, chứng ợ nóng là một tình trạng phổ biến, gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẩn đoán và xác định sớm chứng ợ nóng là cơ sở để có định hướng điều trị bệnh chính xác. Do đó, ngay khi có các biểu hiên của chứng ợ nóng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.


Tác giả: QN