Phân biệt trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày
Trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày là những căn bệnh về đường tiêu hóa phổ biến. Cả hai bệnh có rất nhiều triệu chứng tương đồng nên thường bị nhầm lẫn.

Cùng là bệnh đường tiêu hóa và một số biểu hiện dễ gây nhầm lẫn như ợ hơi, đầy bụng; tuy nhiên thì trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày lại cần phải phân biệt rõ để có cách điều trị hợp lý, tránh điều trị sai dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Dưới đây là một số điểm tương đồng dễ nhầm lẫn cũng như điểm khác nhau giữa trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày.

1. Sự giống nhau giữa trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày

- Đều là bệnh lý về đường tiêu hóa nên trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày có các triệu chứng giống nhau như ợ hơi, ợ chua và nóng rát lan rộng.

- Để chẩn đoán trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày, các bác sĩ thường phải nội soi để kiểm tra thực quản và dạ dày. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi (một ống dài có camera gắn ở một đầu) vào miệng và xuống cổ họng để nhìn rõ vùng thực quản và dạ dày. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc an thần để giảm sự khó chịu cho bệnh nhân khi nội soi.

- Nguyên tắc chăm sóc bệnh nhân trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày khá giống nhau. Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh và nhẹ nhàng như rau củ luộc, ngũ cốc. Tránh xa rượu bia, hoặc thức ăn có chứa nhiều axit. Chỉ nên ăn với lượng vừa đủ, không nên ăn quá lo.

2. Điểm khác nhau giữa trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày

- Trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Trào ngược thực quản là tình trạng thức ăn và dịch dạ dày đi ngược từ dạ dày lên thực quản. Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm nhiễm và lở loét. 

- Nguyên nhân gây trào ngược thực quản là do cơ cơ thắt thực quản bị tổn thương, hoạt động không đúng khách. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày thường là do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).

- Bệnh nhân trào ngược thực quản thường có triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, nóng rát từ dạ dày lan tới vùng cổ. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khi ăn.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày thường bị ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị. Các triệu chứng này thường xuất hiện bất ngờ, bất kỳ khoảng thời gian nào.

- Nếu bệnh nhân có các triệu chứng đặc trưng khác như nôn trớ sau khi ăn thì có khả năng cao là bị trào ngược thực quản.

- Để điều trị trào ngược thực quản, bệnh nhân cần được chăm sóc ức chế axit lâu dài, thường phải sử dụng thuốc làm giảm nồng độ axit. Để điều trị viêm loét dạ dày, bác sĩ cần tìm kiếm vùng bị nhiễm trùng, sau đó điều trị bằng kháng sinh, rồi sử dụng thuốc làm giảm nồng độ axit để thúc đẩy quá trình chữa lành.

Vì có các dấu hiệu đặc trưng khá giống nhau nên việc chẩn đoán phân biệt trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày không nên dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa nội soi và đánh giá. 

3. Mối quan hệ giữa trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày

Giữa thực quản và dạ dày có một bộ phận nối là cơ thắt thực quản. Nó có chức năng ngăn dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Đối với những người bị viêm loét dạ dày, axit dạ dày dư thừa sẽ khiến yếu cơ thắt thực quản, khiến hệ thống cơ thắt thực quản đóng mở thất thường, nguy cơ dịch dạ dày trào ngược tăng lên. 

Ở những người bị trào ngược dạ dày, sẽ tăng kích thích sản sinh acid HCl và pepsin, là nguyên nhân làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày.

Như vậy, có thể thấy, trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày có mối liên hệ qua lại lẫn nhau. Bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh kia. Vì vậy, mọi người có nguy cơ mắc song song cả 2 bệnh trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày rất cao.

Việc phân biệt bệnh trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày là rất quan trọng. Nó giúp người bệnh chăm sóc và điều trị đúng cách, hiệu quả. Vì vậy, khi có các dấu hiệu đáng nghi, mọi người nên đến bệnh viện để được chẩn đoán bệnh chính xác. Tránh tình trạng tự chẩn đoán và điều trị tại nhà, có thể khiến bệnh nặng hơn.


Tác giả: Mai Nhung