Điểm mặt 5 câu hỏi thường gặp về bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Điểm mặt 5 câu hỏi thường gặp về bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà chúng còn có thể gây những biến chứng nặng nề cho sức khỏe. Dưới đây là 5 câu hỏi thường gặp về bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà bạn cần quan tâm.

Nắm rõ những thông tin về bệnh trào ngược dạ dày thực quản giúp bạn phòng bệnh tốt hơn đồng thời làm giảm đi các triệu chứng khó chịu mà căn bệnh này gây ra.

1. Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Nguyên nhân chính gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản chủ yếu do co thắt thực quản dưới làm cho dịch dạ dày trào lên thực quản. Một số nguyên nhân chính gây giãn cơ vòng thực quản có thể kể tới như do người bệnh có thói quen uống rượu, sử dụng cà phê, sử dụng nhiều thực phẩm chứa gia vị cay nóng, sử dụng nhiều đồ ăn có dầu mỡ,…

Ngoài những nguyên nhân trên còn có một số nguyên nhân làm tăng áp lực lên dạ dày thực quản cũng khiến bạn bị mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Béo phì làm tăng áp lực lên dạ dày khiến dịch vị dạ dày dễ dàng trào lên thực quản hơn so với những người có cân nặng ở trong mức giới hạn bình thường.

Những người thường xuyên căng thẳng, stress cũng có nguy cơ cao mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, khi bạn căng thẳng mệt mỏi khiến cơ thể tiết ra hormone cortisol. Hormone cortisol là yếu tố khiến cơ thể tăng tiết lượng axit HCl và pepsine gây ra trào ngược axit dạ dày thực quản.

Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc chống viêm như aspirin, ibuprofen, naproxen…không theo chỉ định của các Bác sĩ chuyên khoa cũng là nguyên nhân khiến bạn mắc chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh nhân mắc chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dễ dàng nhận biết vì bệnh nhân có xuất hiện một số dấu hiệu sau:

Ợ chua: Ợ chua là hiện tượng xuất hiện do các acid có trong dạ dày trào ngược lên vùng hầu họng, khiến người bệnh có cảm giác chua.

Ợ nóng: Acid có trong dạ dày tiếp xúc và làm tổn thương niêm mạc thực quản khiến bạn có biểu hiện ợ nóng, đây được xem là một trong những dấu hiệu tương đối đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác ợ nóng hay nóng rát vùng từ thượng vị lên dọc sau xương ức hoặc vùng dưới họng, thậm chí ợ nóng còn lan lên tận mang tai. Tình trạng ợ nóng xuất hiện nhiều sau khi ăn no, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ,…

Ho khan, khàn giọng: Đây cũng là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân được các Bác sĩ chuyên khoa lý giải là do acid dạ dày trào ngược lên vùng hầu họng lâu ngày làm tổn thương niêm mạc đường hầu họng dẫn tới viêm họng kéo dài.

Nuốt khó: Bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản lâu năm nhưng trong thời gian gần đây lại thấy nuốt khó, nghẹn có cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt thì cần chú ý tới biến chứng ung thư thực quản do trào ngược dạ dày thực quản gây ra.

Ngoài những dấu hiệu trên, bệnh nhân cũng có thể gặp một số tình trạng như nuốt đau, nôn, ợ hơi, tăng tiết nước bọt,…

3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản vốn không phải là căn bệnh lành tính nhưng nếu bạn phát hiện và điều trị bệnh ngay tử giai đoạn đầu khi bệnh chưa gây các biến chứng nghiêm trọng thì chúng cũng không gây quá nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe.

Nếu bệnh trào ngược dạ dày thực quản không được phát hiện và điều trị sớm chúng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Loét thực quản: Loét thực quản được xem là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, Acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản làm tổn thương niêm mạc thực quản lâu dần hình thành các vết loét, nhiễm trùng, chảy máu gây đau đớn cho người bệnh.

Hẹp thực quản: Khi những vết loét ở mô thực quản lành lại chúng sẽ hình thành nên những vết sẹo làm chít hẹp lòng thực quản, điều này khiến cho người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, luôn có cảm giác nuốt nghẹn, khó nuốt.

Ung thư thực quản: Ung thư thực quản được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Không chỉ làm tổn thương niêm mạc thực quản, acid dạ dày còn gây ra những thay đổi ở mô lót thực quản và làm tăng nguy cơ gây ung thư thực quản.

4. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?

Để hạn chế những biến chứng mà căn bệnh này gây ra, bạn cần điều trị sớm chúng, một số phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiện được áp dụng như sau:

Uống thuốc theo đơn: Một số loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

Thuốc kháng acid: Rolaids, Tum, Mylanta,…

Thuốc giảm sản xuất acid: Ranitidine, nizatidine, famotidine,…

Thuốc làm lành tổn thương và ngăn chặn việc sản xuất acid: Lansoprazole, Omeprazole,…

Có một lối sống lành mạnh: Để giúp bệnh nhanh khỏi bệnh nhân cần có một lối sống lành mạnh, duy trì cân nặng vừa phải, ăn chậm, nhai kỹ, nên kê gối cao khi ngủ để tránh trào ngược vào ban đêm, người bệnh cũng nên từ bỏ một số thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia,…

Phẫu thuật Nissen: Nếu những phương pháp trên vẫn không có kết quả, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật Nissen. Đây là phẫu thuật có xâm lấn giúp khôi phục chức năng của cơ vòng giữa thực quản và dạ dày. Ngoài phương pháp trên, bệnh nhân cũng có thể được sử dụng vòng hạt thay thế cơ vòng ở thực quản.

Một tinh thần tốt luôn là yếu tố vô cùng quan trọng giúp bệnh trào ngược dạ dày thực quản tiến triển tốt. Khi bạn ở trong trạng thái lo âu, căng thẳng thì cơ thể sẽ tiết ra một hoạt chất có tên là cortisol, cortisol làm tăng tiết acid dịch vị gây trào ngược dạ dày thực quản

5. Bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?

Một số thực phẩm mà bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn bao gồm:

Bánh mỳ, bột yến mạch: Ăn bánh mì hay bột yến mạch khi đói giúp bạn hút bớt lượng dịch vị dư thừa trong dạ dày, giảm đi cảm giác ợ nóng, đau rát.

Các loại đỗ đậu: Trong các loại đậu chứa nhiều chất xơ hay các amino axit cần thiết tốt cho những người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tăng cường sử dụng các loại đạm dễ tiêu từ thăn lợn, tim lợn,… hay gừng để cải thiện tình trạng bệnh trào ngược dạ dày thực quản của mình.


Tác giả: Phạm Thị Mai