Ăn quá nhiều hay ăn một lượng lớn thực phẩm, ăn nhiều nhưng nhai nhanh không kỹ có thể gây khó tiêu, đau dạ dày, chướng bụng khó chịu. Quá trình lên men xảy ra khi vi khuẩn trong ruột kết của chúng ta phân hủy các carbohydrate từ thực phẩm và tạo ra axit béo chuỗi ngắn và khí có thể gây đầy hơi hoặc chướng bụng.
Ăn quá nhiều trong thời gian dài khiến năng lượng bị dư thừa không được tiêu hao phù hợp chuyển hóa thành mỡ nội tạng, gây thừa cân, béo phì hay các rối loạn chuyển hóa mãn tính như tiểu đường, mỡ máu. Đặc biệt là với các bữa ăn giàu chất béo bão hòa với thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán,...
Đọc thêm:
- Nguyên nhân gây đau bụng trên và dấu hiệu nguy hiểm cần thăm khám bác sĩ
- Đau vùng bụng, dạ dày thường xuyên, tái đi tái lại là bệnh gì?
Xét về mặt ngắn hạn thì ăn quá nhiều, quá no cùng một lúc có thể gây các tác động tiêu cực tới sức khỏe do dạ dày bị giãn ra hơn mức bình thường để tạo khoảng chứa cho thực phẩm mà bạn tiêu thụ. Điều này có thể dẫn đến áp lực và khó chịu khi thức ăn trong dạ dày đi vào ruột non. Cụ thể:
- Trào ngược axit dạ dày - thực quản, ợ nóng: Cảm giác trào ngược axit dạ dày hay ợ nóng sẽ rõ ràng hơn nếu những bữa ăn gần sát với giờ đi ngủ do việc nằm xuống sẽ gây ra tác động xấu hơn và cản trở tới chất lượng giấc ngủ.
- Cảm thấy chậm chạp và nặng nề hơn, thường kèm theo buồn ngủ hoặc uể oải khi cơ thể đang chuyển hướng chú ý tới việc tiêu hóa lượng thức ăn dư thừa.
- Sự khó chịu ở dạ dày do dạ dày phải căng ra nhiều hơn, làm việc cật lực hơn để tiêu hóa thức ăn. Quá trình này có thể làm tăng lượng khí trong dạ dày, dẫn đến cảm giác đầy hơi và đau dạ dày (đau bụng nói chung). Ngoài ra, dạ dày có hạn chế về kích thước nên khi phải chứa một lượng thức ăn lớn hơn bình thường, nó sẽ căng phồng và gây ra cảm giác khó chịu hoặc khó tiêu.
- Tăng lượng đường trong máu, đặc biệt nếu bạn ăn một lượng lớn carbohydrate. Lượng đường trong máu (glucose) tăng sau bữa ăn, nhưng carbohydrate tinh chế làm tăng lượng đường trong máu nhiều nhất, so với carbs giàu chất xơ hoặc carbs kết hợp với protein và chất béo.
Khi lượng đường trong máu tăng lên, tuyến tụy sẽ giải phóng hormone insulin, đưa glucose từ máu đến tế bào để lấy năng lượng. Glucose bổ sung được lưu trữ dưới dạng glycogen trong gan và cơ. Khi gan và cơ không thể lưu trữ được nữa, lượng glucose còn sót lại sẽ được lưu trữ dưới dạng mỡ.
Thêm vào đó, ăn quá nhiều, ngay cả trong thời gian ngắn, có thể gây ra tình trạng kháng insulin, trong đó các tế bào kháng lại việc hấp thụ glucose mà insulin đang cố gắng cung cấp. Theo một nghiên cứu năm 2022 của Tạp chí Journal of Eating Disorders, việc ăn uống vô độ các loại thực phẩm nhiều chất béo và nhiều calo dẫn đến lượng đường trong máu lúc đói tăng cao và tình trạng kháng insulin tăng cao. Điều này sẽ dẫn tới việc duy trì lượng đường trong máu cao và theo thời gian, có thể dẫn tới các tình trạng như béo phì và tiểu đường type 2 theo thời gian.
Khi đã loại bỏ các nguyên nhân đau bụng đầy hơi do bệnh lý nghiêm trọng, để giảm đầy hơi, khó tiêu, thậm chí khó "xì hơi" nhanh, bạn có thể thử các biện pháp đơn giản tại nhà như sau:
- Uống nước ấm: Uống nước nóng làm ấm dạ dày và kích thích các cơn co thắt giống như sóng của đường tiêu hóa, được gọi là nhu động ruột. Sự co thắt này có thể giúp đẩy khí bị mắc kẹt ra khỏi ruột kết và thậm chí giúp giảm đau và co thắt ruột.
- Trà thảo mộc: Trà bạc hà, trà hoa cúc, trà gừng, trà bạc hà và trà hồi đều có tác dụng giúp loại bỏ khí dư thừa trong ruột một cách tự nhiên và đồng thời giúp tăng nhu động ruột nếu bạn bị đầy hơi.
- Giấm táo: Giấm táo là một thành phần tự nhiên khác được nhiều người sử dụng để làm giảm đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu. Chỉ cần thêm 1 thìa canh giấm táo vào một cốc nước ấm.
- Gừng: Gừng có thể giúp giảm quá trình lên men trong dạ dày, có thể giúp giảm đầy hơi và cảm giác chướng bụng. Cách giảm đầy bụng bằng gừng rất đơn giản, chỉ cần chuẩn bị vài lát gừng và ngâm chúng trong nước ấm từ 5 - 10 phút và uống. Hoặc nhai 4 - 5 lát gừng tươi chấm muối đều có hiệu quả.
- Massage bụng: Massage bụng có thể kích thích hệ tiêu hóa và giúp khí "tắc nghẽn" trong ruột di chuyển xuống ruột già và đi ra khỏi cơ thể. Ấn nhẹ vào vùng bụng đang bị đau và khó tiêu rồi xoa nhẹ nhàng theo chuyển động tròn chiều kim đồng hồ.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp làm dịu cơn đau do đầy hơi bằng cách chủ động thúc đẩy chuyển động của ruột. Hơn nữa, hoạt động thể chất từ thấp đến vừa phải sau khi ăn có thể có tác động bảo vệ đối với đường tiêu hóa. Thực tế, nhiều nghiên cứu đã được chứng minh là đi bộ sau khi ăn có thể giúp ngăn chặn các bệnh như loét dạ dày, ợ nóng, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh lý đại tràng, táo bón và ung thư đại trực tràng, theo Healthline.
Dựa trên dữ liệu hiện tại, thời điểm lý tưởng để đi bộ dường như là ngay sau bữa ăn. Nhưng để an toàn hơn, hãy nghỉ ngơi khoảng 15 - 20 phút sau đó mới đi bộ. Đặc biệt là với người đang có các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra cần lưu ý, đi bộ nhẹ nhàng, không vận động quá sức ngay sau bữa ăn lớn để tránh tăng áp lực lên dạ dày.
- Giảm đầy hơi bằng yoga: Một số tư thế yoga, chẳng hạn như tư thế em bé (balasana) và tư thế em bé hạn phúc (ananda balasana) có thể giúp kích thích các cơ quan tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột, từ đó giảm táo bón, đầy hơi hiệu quả.
- Đừng nhịn xì hơi: Khi nhịn xì hơi, khí bị mắc kẹt lại càng nhiều thì bạn lại càng cảm thấy đầy bụng, căng tức và đau đớn do đường tiêu hóa chịu áp lực lớn hơn. Khí tích tụ trong dạ dày hoặc bên trái đại tràng (ruột già) có thể gây cảm giác như đau ngực. Khí tích tụ ở bên phải đại tràng có thể gây cảm giác như đau ruột thừa. Để xì hơi dễ hơn, hãy thử nằm nghiêng về bên trái. Điều này tuân theo chuyển động tự nhiên của dòng khí trong ruột già và có thể giúp xì hơi dễ dàng hơn.
- Chườm ấm bụng: Chườm ấm bụng cũng là một cách giảm đau bụng đầy hơi hiệu quả. Tuy nhiên cần chườm nóng đúng cách, tránh để túi chườm tiếp xúc trực tiếp với da dễ gây bỏng.
- Cẩn thận với chế độ ăn: Tránh ăn quá nhiều chất xơ cùng một lúc, hạn chế tiêu thụ một số thực phẩm có khả năng lên men cao trong ruột do chứa nhiều carbohydrate như hành tây, tỏi, súp lơ xanh, măng tây, bắp cải, chuối, bơ, nấm, đậu lăng, đậu gà, hạt điều, hạt dẻ cười; các sản phẩm từ sữa có chứa lactose.
- Thay đổi thói quen: Những thói quen có thể khiến bạn nuốt nhiều không khí hơn và dẫn đến đau bụng đầy hơi như: Hút thuốc, ăn quá nhanh, nhai kẹo cao su, đồ uống có ga, nói chuyện trong khi ăn,....
- Enzyme tiêu hóa: Việc bổ sung enzyme tiêu hóa sẽ giúp phân hủy tinh bột, protein và các chất béo khó tiêu. Từ đó hỗ trợ giảm các triệu chứng đầy hơi, mệt mỏi sau ăn, táo bón, khó tiêu, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn được hiệu quả hơn. Ngoài ra, enzyme còn có tác dụng giảm và phục hồi các bệnh lý đường tiêu hóa.
Thỉnh thoảng bị đầy bụng, khó tiêu không phải là vấn đề đáng lo ngại, việc thay đổi cách ăn uống và sinh hoạt lành mạnh hơn sẽ giúp ích. Tuy nhiên, đau bụng, đầy hơi kéo dài có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần can thiệp y tế. Do vậy, nếu bị đau bụng, chướng bụng kéo dài không thuyên giảm trong 24 - 48 giờ, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp giảm đau bụng hay giảm đầy hơi tại nhà thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp. Đặc biệt là khi cơn đau dạ dày, đầy bụng kèm theo phân có lẫn máu, sốt, buồn nôn và nôn mửa trên vài ngày, vàng da, bụng căng tức nghiêm trọng, đau dữ dội khi chạm vào bụng.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What Happens to Your Body When You Eat Too Much
2. Bad Gas Pain: 6 Ways to Get Relief
3. 17 Ways to Relieve Stomach Gas Fast
4. Remedies for Gas and Stomach Pain