Trong cơ thể, vùng dưới đồi và hệ thần kinh tự chủ chịu trách nhiệm giữ cho thân nhiệt của bạn được bình thường (trên dưới khoảng 36,3 - 37,1 độ C, tuy nhiên có thể tăng thêm 0,5 độ C thành 37,5 độ C tùy vào thời điểm trong ngày). Nếu cơ thể quá nóng, sự điều hòa xảy ra thông qua cơ chế đổ mồ hôi để làm mát cơ thể và ngược lại, nếu như khi quá lạnh, vùng dưới đồi sẽ kích hoạt cơ chế run rẩy để làm ấm cơ thể.
Trong đó, cơ chế hạ nhiệt thường thông qua 4 cách khác nhau: Đổ mồ hôi qua da, giải phóng nhiệt lượng ra môi trường bên ngoài, cơ chế đối lưu khi có luồng không khí mát xung quanh và dẫn truyền nhiệt thông qua đồ uống mát, lạnh.
Có những thời điểm nhiệt độ cơ thể tăng lên trên mức bình thường, với nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc, các yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ ẩm, hoạt động thể chất cường độ cao,.... Trong đó, vào mùa hè, chỉ cần ở bên ngoài trong một ngày nóng nực cũng có thể khiến một người bị kiệt sức do nóng hoặc sốc nhiệt dẫn tới tăng thân nhiệt.
Có những thời điểm nhiệt độ cơ thể tăng lên trên mức bình thường (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
+ Ăn mít có nóng không? Câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ!
+ Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7
Theo Medical News Today, bạn có thể làm mát cơ thể tự nhiên theo các cách sau đây:
- Uống nước mát: Uống các loại nước mát chẳng hạn như nước lọc, nước trà, nước dừa có thể giúp giảm nhiệt độ cơ thể bằng cách làm mát từ bên trong. Thậm chí bạn có thể bổ sung nước qua chế độ ăn một số loại quả có nhiều nước như dưa hấu, dưa lê, dưa chuột,... Đồng thời uống đủ nước cũng giúp giảm và ngăn ngừa tình trạng mất nước - một trong những nguyên nhân khiến thân nhiệt tăng lên vào mùa nóng, đặc biệt với những người có tính chất công việc làm ngoài trời hoặc thường xuyên phải hoạt động gắng sức.
- Di chuyển tới khu vực mát mẻ: Việc di chuyển tới những nơi mát mẻ hơn, chẳng hạn như bóng râm khi hoạt động ngoài trời cũng giúp giảm nhiệt độ cơ thể hiệu quả bằng cơ chế đối lưu.
- Ngâm chân trong nước mát: Nhiều người nói bàn chân giống như "trái tim thứ 2" của cơ thể. Tuy nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng. Dưới tác động của trọng lực, khoảng 70% lượng máu của cơ thể con người sẽ tập trung ở phần thân dưới. Ngâm chân trong nước mát khoảng 20 phút không những giúp giảm căng thẳng, thư giãn mạch máu ở chân mà còn giúp làm mát cơ thể nhanh chóng, từ đó hạ nhiệt độ cơ thể hiệu quả.
Ngâm chân trong nước mát khoảng 20 phút để làm mát cơ thể (Ảnh: ST)
Điều này cũng tương tự việc giữ chân thoáng mát bằng cách để chân trần, nhiệt lượng dư thừa trong cơ thể được dẫn truyền ra ngoài nhanh hơn so với việc đeo tất hay đi giày kín.
- Ngâm mình trong nước mát: Vào mùa hè, được ngâm mình dưới làn nước mát thật sự rất tuyệt vời, đem lại sự mát mẻ và hoạt động này còn giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Ngâm cơ thể trong nước lạnh giúp làm mát hiệu quả nhanh chóng hơn so với tắm bằng vòi hoa sen với những người hoạt động gắng sức ngoài trời. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi di chuyển từ bên ngoài về, tuyệt đối không được tắm nước lạnh ngay lập tức bởi điều này rất nguy hiểm do có thể gây sốc nhiệt, cảm lạnh, chuột rút cơ nghiêm trọng thậm chí tăng rủi ro bị đau tim, đột quỵ.
Nên nghỉ ngơi một lúc để làm quen với nhiệt độ phòng. Khi ngâm tắm, nên thích ứng bằng cách bắt đầu từng phần trên cơ thể, bắt đầu từ chân, rồi đến tay, đến bụng, rồi ngực,... cuối cùng mới tới đầu.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc các dụng cụ chườm mát chuyên dụng lên một số vị trí cơ thể có tĩnh mạch gần bề mặt da chẳng hạn như măt, khuỷu tay, cổ, sau gáy cũng có thể góp phần làm mát cơ thể nhanh chóng. Hoặc bạn cũng có thể dội nước mát lên cổ tay, khuỷu tay, cổ trong khoảng 10 giây sẽ thấy cơ thể mát mẻ tức thì.
Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc các dụng cụ chườm mát chuyên dụng lên một số vị trí cơ thể có tĩnh mạch gần bề mặt da (Ảnh: ST)
- Các loại thảo mộc làm mát cơ thể: Pha nước sử dụng các loại trà thảo mộc có tác dụng làm mát, thanh nhiệt cho cơ thể cũng có thể là một gợi ý không nên bỏ qua khi bạn đang thắc mắc nên làm gì để cảm thấy mát mẻ hơn trong mùa hè. Có thể kể đến như: Lá bạc hà, kim ngân hoa, diệp hạ châu, bồ công anh, diếp cá, hoa đậu lăng, hoa nhài, mướp đắng, lá sen,...
Tùy từng tình trạng sức khỏe mà mỗi loại thảo mộc sẽ có chống chỉ định khác nhau. Do vậy cần tìm hiểu kỹ trước khi dùng để pha trà uống.
- Thay quần áo mát mẻ, thoáng khí và thấm hút mồ hôi: Ngoài độ mũ rộng vành, đeo kính râm khi ở ngoài trời nóng thì một cách để cảm thấy mát mẻ hơn là chọn quần áo làm từ các chất liệu cotton, vải lanh, lụa hay sợi bán tổng hợp như rayon, modal sáng màu, thấm hút mồ hôi tốt lại thoáng mát.
- Bôi gel lô hội: Thường được dùng cho các tình trạng da bị cháy nắng, nhưng bạn cũng có thể dùng gel lô hội để làm mát cơ thể. Điều này là nhờ thành phần gel lô hội có đến 96% là nước vì vậy rất lành tính cho da, đồng thời trong chính gel lô hội cũng chứa các chất giúp làm dịu da và làm lành vết thương trên da. Tuy nhiên, lưu ý rằng phần nhựa vàng của nha đam tươi có chứa chất gây kích ứng cho da, vì vậy cần sơ chế thật kỹ trước khi dùng.
Gel lô hội thường được dùng cho các tình trạng da bị cháy nắng, nhưng bạn cũng có thể dùng gel lô hội để làm mát cơ thể (Ảnh: ST)
- Hít thở Sitali - Sheetali Pranayama (Cooling Breath): Sitali Pranayama, hay còn được gọi là “hơi thở làm mát”, là một kỹ thuật thở độc đáo trong Yoga, sử dụng lưỡi để tạo ra một luồng không khí mát mẻ đi vào cơ thể giúp làm mát và thư giãn tâm trí. Cách thực hiện rất đơn giản:
+ Bước 1: Bắt đầu ngồi ở tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, thả lỏng cơ thể và hít sâu vài hơi để chuẩn bị trước khi thực hiện.
+ Bước 2: Lè lưỡi và cuộn các mép ngoài lại với nhau để tạo thành một hình dạng ống. Nếu lưỡi không cong được như vậy, bạn có thể mím môi lại, để lưỡi ở sau răng cửa.
+ Bước 3: Từ từ hít vào bằng miệng rồi sau đó thở ra bằng mũi là kết thúc một lần thở.
Sau đó tiếp tục lặp lại các bước thở như trên trong tối đa 5 phút.
Như đã nói, có nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy nóng trong người vào mùa hè mà không chỉ do tác động của nhiệt độ nóng bức bên ngoài. Các nguyên nhân đó có thể gồm bệnh lý như tiểu đường, cường giáp, chứng giảm tiết mồ hôi, kiệt sức do nhiệt, hội chứng rối loạn lo âu hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc thông thường có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể (thuốc kháng cholinerigc, thuốc serotonergic, thuốc cường giao cảm, thuốc gây mê, thuốc chống co giật, thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp, thuốc lợi tiểu),...
Do vậy, nếu phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường, các phương pháp làm mát cơ thể không có hiệu quả, tình trạng cảm thấy nóng nực bên trong tăng lên, kéo dài không giảm dù đã thử các biện pháp tại nhà thì hãy cân nhắc thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân của tình trạng này là gì. Bác sĩ sẽ chỉ định một vài xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu và chẩn đoán hình ảnh nếu cần thiết.
Đôi khi, nếu cơ thể không thể tự làm mát một cách bình thường vào mùa hè, các tình trạng liên quan tới nhiệt có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và can thiệp đúng. Theo đó, các dấu hiệu cảnh báo bệnh liên quan tới nhiệt bao gồm: Thân nhiệt tăng trên 39 độ C, đau tức ngực, da ẩm ướt, đổ mồ hôi tăng lên, chóng mặt hoặc ngất xỉu, nhịp tim không đều, buồn nôn và nôn mửa. Lúc này, cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nguồn tham khảo:
1. The best ways to reduce body heat
2. How to Reduce Body Heat Quickly and Get Relief