Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung?

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung?
Kinh nguyệt thường có mùi tanh nhẹ của máu nhưng khi kinh nguyệt có mùi hôi nồng nặc, khó chịu thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để tìm kiếm nguyên nhân gây mùi lạ cho kinh nguyệt là gì.

Máu kinh nguyệt bao gồm chất nhầy âm đạo và tế bào nội mạc tử cung. Sự kết hợp của những chất nhầy này và máu có thể tạo ra một số mùi kinh nguyệt đặc trưng. Nhưng nếu bạn nhận thấy kinh nguyệt có mùi lạ hơn thì điều đó có thể đang cho thấy có gì đó không ổn với "cô bé" của mình. Dưới đây là những lý do khiến kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu và những gì mà bạn cần làm tiếp theo:

1. Nhiễm khuẩn âm đạo

Mùi tanh hôi nồng nặc có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn âm đạo khi vi khuẩn phát triển quá mức trong âm đạo, bệnh thường phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 44. Các triệu chứng thường gặp khác của bệnh nhiễm khuẩn âm đạo thường bao gồm:

- Dịch tiết âm đạo màu xám hoặc trắng đục, đôi khi có màu xanh loãng và thường có mùi hôi tanh nồng hơn bình thường

- Ngứa, sưng hoặc phù nề âm hộ.

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung? - Ảnh 2.

Mùi tanh hôi nồng nặc có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn âm đạo (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Những điều cần biết về kinh nguyệt màu đen ở tuổi dậy thì

Kinh nguyệt không đều do nguyên nhân nào? Làm sao để kinh nguyệt đều trở lại?

Bệnh nhiễm khuẩn âm đạo có thể xảy ra cả người chưa bao giờ và đã quan hệ tình dục. Nhiễm khuẩn âm đạo dường như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung hoặc với phụ nữ đang mang thai, nhiễm khuẩn âm đạo có thể làm tăng nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm, viêm màng ngoài ối,...

Bác sĩ có thể kê kháng sinh để loại bỏ các nhiễm trùng do vi khuẩn và có thể khuyến nghị sử dụng thêm men vi sinh không kê đơn sau khi hết nhiễm trùng với mục đích giữ cân bằng hệ vi sinh vật của cơ thể cũng như giảm nguy cơ tái phát bệnh.

2. Không thay băng vệ sinh trong thời gian dài

Nếu sử dụng tampon hay băng vệ sinh trong thời gian dài, đặc biệt vào những ngày cuối chu kì khi lượng kinh nguyệt chỉ còn ít, sẽ gây ra mùi hôi khó chịu và thậm chí là nhiễm trùng do một số vi khuẩn loại vi khuẩn Staphylococcus thải ra độc tố gây ra - còn gọi là hội chứng sốc nhiễm độc, theo Health.

Hội chứng sốc nhiễm độc là do các chất độc gây ra bởi tụ cầu hoặc liên cầu. Các triệu chứng của hội chứng này thường bắt đầu đột ngột và có thể bao gồm:

- Phát ban đỏ giống như bị cháy nắng

- Các triệu chứng tại đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa

- Đau đầu hoặc đau cơ

- Sốt cao, có hoặc không kèm theo ớn lạnh

- Hạ huyết áp

- Khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi

- Suy nội tạng

- Đỏ mắt, đỏ miệng hoặc đỏ họng

- Co giật.

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung? - Ảnh 3.

Không thay băng vệ sinh, tampon trong thời gian dài có thể gây mùi vùng kín khó chịu (Ảnh: Internet)

3. Vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo

Âm đạo là nơi chứa nhiều vi khuẩn khác nhau, nếu một số loại vi khuẩn bị tiêu diệt và lẫn vào máu kinh nguyệt bạn có thể nhận thấy máu kinh có mùi hôi, đặc biệt máu kinh nguyệt còn lưu lại bên trong một thời gian nên mùi hôi sẽ rõ ràng hơn.

Hay nói cách khác, sự dao động lượng vi khuẩn trong âm đạo đôi khi sẽ khiến mùi kinh nguyệt bị thay đổi.

4. Đổ mồ hôi quá nhiều

Tăng tiết mồ hôi nhiều hơn bình thường là một triệu chứng thường gặp của kì kinh nguyệt. Các tuyến mồ hôi vùng sinh dục hoạt động mạnh mẽ hơn và gây ra mùi, đồng thời khuếch đại mùi hôi đó lên khi có thêm các thành phần như muối, chất béo, vi khuẩn và máu kinh.

Để giải quyết tình trạng này bạn nên vệ sinh âm hộ sạch sẽ bằng nước ấm và dung dịch vệ sinh nhẹ nhàng để loại bỏ mùi hôi. Nếu có thể, bạn nên ưu tiên lựa chọn các loại dung dịch vệ sinh không có mùi thơm nhân tạo, tránh khiến vùng âm hộ bị khô thêm và thay đổi độ pH vùng kín.

5. Bệnh lây qua đường tình dục (STIs)

Dịch tiết bất thường và mùi hôi như mủ có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, chlamydia,... mùi hôi sẽ kéo dài tới tận khi kì kinh nguyệt của bạn kết thúc.

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung? - Ảnh 4.

Dịch tiết bất thường và mùi hôi như mủ có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lây qua đường tình dục (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng khác của bệnh lây qua đường tình dục thường bao gồm:

- Dịch tiết âm đạo có màu vàng, xanh hoặc các màu bất thường lẫn với máu kinh nguyệt

- Chảy máu âm đạo bất thường

- Đau bụng dưới, cảm giác như đau bụng kinh

- Ngứa, rát hoặc đau âm đạo, đặc biệt khi đi tiểu tiện hoặc quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh lây qua đường tình dục cũng gây mùi âm đạo hoặc kinh nguyệt.

6. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung, thường gặp hơn ở phụ nữ trước kì mãn kinh ở độ tuổi từ 35 - 44, có thể gây ra mùi hôi nồng nặc ở vùng kín, mùi hôi được mô tả như mùi thịt thối được cho là do các mô chết hoặc tế bào ung thư bị thải ra ngoài qua đường âm đạo.

Ung thư cổ tử cung có thể khiến bạn bị chảy máu nhiều hơn hoặc kéo dài kì kinh nguyệt hơn bình thường. Mùi hôi cũng nồng hơn trong chu kì kinh. Các triệu chứng ung thư cổ tử cung khác có thể gặp bao gồm:

- Đau lưng dưới tương tự như đau bụng kinh khi không phải sắp đến kì kinh

- Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ

- Cảm giác kiệt sức, mệt mỏi không rõ nguyên nhân

- Chán ăn, giảm cân không chủ đích

- Đau và sưng ở chân

- Tiểu không tự chủ.

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung? - Ảnh 5.

Ung thư cổ tử cung thường gặp hơn ở phụ nữ trước kì mãn kinh ở độ tuổi từ 35 - 44 (Ảnh: Internet)

7. Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh dẫn tới sự thay đổi nội tiết tố, bao gồm khô âm đạo có thể dẫn tới mùi hôi âm đạo bất thường trong kì kinh nguyệt. Kinh nguyệt có mùi hôi do độ pH âm đạo dần trở nên kiềm hơn và nồng độ estrogen dao động dẫn tới kinh nguyệt ra nhiều hơn hoặc không đều - hai điều này đều khiến mùi vùng kín tăng lên.

Các dấu hiệu tiền mãn kinh thường bao gồm:

- Bốc hỏa, đổ mồ hôi (nhất là vào ban đêm) nhiều hơn

- Chu kì kinh nguyệt không đều, dài hơn hoặc ngắn hơn

- Khó ngủ

- Tâm trạng thay đổi thất thường

- Âm hộ mỏng hơn, khô âm đạo

- Tiểu không tự chủ.

Nhìn chung, một chút mùi kinh nguyệt không có gì đáng xấu hổ và nghiêm trọng, tuy nhiên với những mùi hôi nặng hơn kèm theo các triệu chứng bất thường có thể cảnh báo về nhiều bệnh lý vùng sinh dục nghiêm trọng và bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác hơn. Trong lúc đó, hãy giữ vệ sinh sạch sẽ cho "cô bé" và thay băng vệ sinh thường xuyên.

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung? - Ảnh 6.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Why Does Period Blood Smell?

2. 7 reasons your period blood smells worse than usual and what you can do to ditch the odor


Tác giả: Allen