Nhiều người bị xì hơi khi đi bộ, vậy nguyên nhân do đâu? Xì hơi khi đi bộ có phải vấn đề tiêu hóa hay sức khỏe khác nghiêm trọng hơn?
Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn cần tìm hiểu xem, một người một ngày xì hơi bao nhiêu lần là bình thường? Theo Healthline, một người có thể xì hơi trung bình từ 5 - 10 lần, thậm chí 20 - 25 lần một ngày là hoàn toàn bình thường. Số lần xì hơi mỗi ngày ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ điều kiện sức khỏe tới những gì mà họ ăn trong ngày. Nếu số lần xì hơi nhiều hơn, xì hơi liên tục thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang tiềm ẩn một số vấn đề, đặc biệt là có kèm theo các triệu chứng khác.
Xì hơi khi đi bộ do đâu? Ảnh: ST
Đọc thêm:
- Bất ngờ với lợi ích của việc đi bộ trong im lặng đối với sức khỏe
- Đi bộ bị đau hông là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Như đã nói, xì hơi là một phần bình thường của quá trình tiêu hóa và xì hơi khi đi bộ không phải là hiện tượng hiếm gặp. Ngoài ợ hơi thì xì hơi là cách mà cơ thể chúng ta loại bỏ không khí dư thừa, mắc kẹt trong cơ thể. Xì hơi khi đi bộ có thể có mùi hoặc không múi do khí tích tụ trong ruột của bạn từ vi khuẩn đường ruột có chứa lưu huỳnh, khiến mùi khi xì hơi thum thủm như mùi trứng thối hoặc hoa quả thối.
Nói cách khác, cơ thể tạo ra khí khi phân hủy thức ăn trong ruột già. Vận động làm tăng quá trình tiêu hóa bằng cách kích thích co bóp cơ trong ruột (nhu động ruột), giúp vận chuyển thức ăn dọc theo đường ruột và không khí cùng khí. Khi cơ ruột co bóp càng nhiều thì bạn càng xì hơi nhiều hơn và gần như là bất kỳ một hoạt động thể chất nào đều có thể khiến người tập bị xì hơi tương tự như đi bộ.
Theo Health, có một số lý do khiến bạn thường bị xì hơi khi đi bộ, bao gồm:
- Cách thở không hiệu quả: Khi vận động thể chất, việc thở không đúng cách có thể gây ra chứng đầy hơi ở mức độ cao hơn. Nói cách khác, thở không đúng cách khiến người tập nuốt nhiều không khí hơn khi đi bộ, gây tích tụ khí dẫn tới đầy hơi và cơ thể giải quyết các khí này bằng cách xì hơi.
Do vậy, khi tập thể dục, hãy học cách hít vào và thở ra bằng mũi hoặc bằng miệng nếu tập các bài tập tim mạch căng thẳng; trong khi đó nếu đang tập các bài tập sức mạnh thì hãy hít vào khi thư giãn và thở ra khi đang gắng sức.
- Thực phẩm: Tiêu thụ một số loại thực phẩm đặc thù nhiều chất xơ hoặc chứa loại đường cơ thể khó xử lý khoảng vài giờ trước khi đi bộ có thể khiến một người bị xì hơi khi đi bộ nhiều lần. Các thực phẩm này có thể bao gồm: Các loại đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan; đồ uống có ga, cà phê; các sản phẩm từ sữa; các loại trái cây như đào, táo, lê; các loại rượu có thành phần sorbitol hoặc xylitol; các loại rau như măng tây, bông cải xanh, bắp cải, atisô, hành tây; ngũ cốc nguyên hạt. Người bị chứng không dung nạp thực phẩm cũng dễ bị đầy hơi hơn, chẳng hạn như không dung nạp lactose hay gluten.
Một số loại rau họ cải có thể gây xì hơi khi đi bộ (Ảnh: ST)
Lúc này việc điều chỉnh lại chế độ ăn có thể giúp giảm tình trạng xì hơi khi đi bộ. Chẳng hạn như ăn một vài loại đồ ăn nhẹ không hoặc ít gây đầy hơi hơn, tránh những thực phẩm đã khiến bạn bị đầy hơi ở các lần tập trước đó.
- Giãn cơ: Một số loại bài tập như vặn người, uốn cong cơ thể đều có thể khiến không khí tích tụ trong đường tiêu hóa được đẩy ra ngoài, chẳng hạn như đạp xe đạp, tập pilates, tập yoga, bài tập inchworms (còn gọi là bài tập sâu đo rất được ưa chuộng khi tập HIIT), nhảy dây, tập thể dục nhịp điệu, chạy bộ.
- Uống nước: Nghe có vẻ không liên quan tới việc bị xì hơi khi đi bộ nhưng cách uống nước không đúng có thể khiến bạn nuốt nhiều không khí hơn - tương tự như thói quen thở không đúng cách khi tập thể dục - dẫn tới đầy hơi. Tốt nhất hãy uống nhiều nước trước khi đi bộ và chỉ uống từng ngụm nhỏ trong khi đi bộ.
- Kinh nguyệt: Nếu đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì hiện tượng xì hơi đi bộ rất phổ biến. Ngoài xì hơi thì các triệu chứng đường tiêu hóa khác cũng phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt, gồm: Đầy bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
Nếu đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì hiện tượng xì hơi đi bộ rất phổ biến (Ảnh: ST)
- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng chứng đầy hơi, bao gồm: Thuốc kháng axit, thuốc chống tiêu chảy, aspirin, thực phẩm bổ sung chất xơ, vitamin tổng hợp và thuốc bổ sung sắt.
Ngoài các nguyên nhân khiến bạn bị xì hơi khi đi bộ kể trên thì xì hơi quá mức cũng có thể liên quan tới các bệnh lý tiêu hóa cần được chẩn đoán sớm với bác sĩ như: Hội chứng ruột kích thích, táo bón, bệnh Celiac, bệnh viêm ruột, viêm tụy tự miễn, tắc ruột, ung thư ruột kết.
Trên thực tế thì hầu hết các nguyên nhân khiến một người bị xì hơi khi đi bộ đều không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu như bị xì hơi liên tục kèm theo các thay đổi đột ngột về thói quen đại tiện như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, phân dẹt hoặc phân lẫn máu hoặc bóng như mỡ và giảm cân không mong muốn kèm theo đầy hơi, hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Các dấu hiệu này có thể cho thấy đường tiêu hóa có vấn đề, thậm chí là ung thư.
Có nhiều bệnh ung thư gây ra hiện tượng đầy hơi, chướng bụng chẳng hạn: Ung thư buồng trứng di căn gan, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày,...
Đi bộ sau khi ăn có giúp tiêu hóa tốt hơn không? Xì hơi khi đi bộ có thể gây ra một số bất tiện nhưng đi bộ sau ăn thực sự là một thói quen vận động tốt, có thể giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, tăng cường nhu động ruột. Chỉ với 15 phút đi bộ sau ăn cũng có thể giúp phòng tránh tình trạng đầy hơi hiệu quả. Nghiên cứu năm 2018 trên NCBI đã chỉ ra rằng, đi bộ khoảng 10 giờ mỗi tuần có thể ngăn ngừa nhiều loại ung thư tiêu hóa như: Ung thư miệng, họng, thực quản, ruột non, đại tràng, tuyến tụy, bàng quan và gan.
Tuy vậy cần lưu ý rằng, một số người vẫn có thể bị đau bụng nếu đi bộ ngay sau khi ăn, với các triệu chứng như tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, chướng bụng. Nếu gặp phải các triệu chứng này, hãy cố gắng đợi từ 10 - 15 phút sau khi ăn rồi mới đi bộ và đi bộ bắt đầu với tốc độ chậm rãi.
Nguồn dịch tham khảo:
2. Why You Fart While Walking and What It Means for Your Body