Các thuốc điều trị dậy thì sớm

Các thuốc điều trị dậy thì sớm
Thông thường, quá trình dậy thì sẽ xuất hiện ở trẻ gái 9-12 tuổi và trẻ trai 10-13 tuổi. Dậy thì sớm được định nghĩa là khi dấu hiệu dậy thì xuất hiện sớm hơn bình thường ở trẻ gái trước 8 tuổi và trẻ trai trước 9 tuổi.

Ở trẻ gái, giai đoạn đầu tiên của tuổi dậy thì bắt đầu phát triển vú, ngay sau đó xuất hiện lông mu, lông nách và đến giai đoạn có kinh nguyệt đầu tiên (thường xảy ra sau 2 đến 3 năm sau khi bắt đầu phát triển tuyến vú).

Ở trẻ trai, giai đoạn đầu tiên của tuổi dậy thì là tăng trưởng thể tích tinh hoàn, tiếp theo là tăng trưởng dương vật và sự xuất hiện của lông mu, lông nách.

Dậy thì sớm được định nghĩa là khi dấu hiệu dậy thì xuất hiện sớm hơn bình thường ở trẻ gái trước 8 tuổi và trẻ trai trước 9 tuổi.

1. Các thuốc điều trị dậy thì sớm

Dậy thì sớm được chia thành hai nhóm: Dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên. Sau khi được chẩn đoán dậy thì sớm, việc điều trị bằng thuốc là vô cùng cần thiết.

1.1. Dậy thì sớm trung ương

Đối với dậy thì sớm trung ương, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thuốc chủ vận GnRH. Thuốc có tác dụng ức chế dậy thì do ức chế bài tiết các hormon LH, FSH của tuyến yên và steroid sinh dục, do đó có tác dụng ức chế dậy thì sớm và giảm tốc độ trưởng thành của xương. Nhìn chung, các thuốc thuộc nhóm này đều chỉ gây tác dụng phụ nhẹ, không kéo dài như đau đầu, khó chịu, cảm giác nóng bừng…

Thuốc được sử dụng bằng nhiều cách như tiêm mỗi 3 hoặc 4 tuần một lần hoặc cấy ghép dưới da cánh tay trong của trẻ 12 tháng một lần để giải phóng dần dần vào cơ thể. Trẻ sẽ được dùng thuốc cho đến khi thích hợp để tiếp tục dậy thì. Nghiên cứu cho đến nay chỉ ra rằng, khi ngừng điều trị, tuổi dậy thì sẽ tiếp tục và tiến triển bình thường.

Đọc thêm:

Trẻ em ăn yến có bị dậy thì sớm không?

Dậy thì sớm có cao được nữa không? Cách tăng chiều cao cho trẻ dậy thì sớm

Các loại thuốc dùng điều trị dậy thì sớm điển hình như:

- Lupron Depot - Ped có 2 dạng thuốc điều trị, dùng thuốc 3 tháng một lần và dùng thuốc 1 tháng một lần. Với liều 3 tháng, trẻ sẽ được tiêm 4 mũi mỗi năm thay vì 12 mũi bắt buộc với liều hàng tháng.

Thuốc có thể gây tác dụng phụ như phản ứng tại chỗ tiêm (sưng, đau, áp xe), tăng cân, nhức đầu, thay đổi tâm trạng (khó chịu, bồn chồn, tức giận, hung hăng…). Bên cạnh đó, dù rất hiếm gặp, thuốc có thể làm tăng một số hormone, dẫn đến các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ như chảy máu âm đạo trong 2-4 tuần đầu tiên điều trị.

- Supprelin LA là phương pháp điều trị duy nhất mỗi năm một lần cho giai đoạn dậy thì sớm trung ương. Một liều supprelin LA duy nhất cung cấp đủ 1 năm thuốc trong 1 lần cấy ghép để giúp ức chế các hormone sinh dục.

Trong vài tuần đầu sử dụng supprelin LA có thể làm tăng một số hormone trong thời gian ngắn. Trong thời gian này, cha mẹ có thể nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì ở trẻ hơn, bao gồm chảy máu âm đạo nhẹ và vú to ở trẻ em gái. Sau 4 tuần điều trị, các dấu hiệu này sẽ dừng lại.

Tác dụng phụ thường gặp là phản ứng da tại nơi cấy ghép như bầm tím, đau nhức, đau, ngứa ran, ngứa và sưng tấy. Những phản ứng này thường tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 2 tuần.

Chống chỉ định ở những người quá mẫn với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận GnRH .

- Triptorelin được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho điều trị dậy thì sớm trung ương cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, cung cấp liều lượng 6 tháng một lần, được sử dụng bằng một mũi tiêm bắp (IM) duy nhất.

Trong vài tuần đầu điều trị, thuốc có thể làm tăng một số hormone trong thời gian ngắn. Lúc này, cha mẹ có thể nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì ở trẻ hơn, bao gồm chảy máu âm đạo nhẹ. Ngoài ra, thuốc có thể gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, rối loạn cảm xúc, rối loạn thị giác, co giật ở người có tiền sử co giật, động kinh… Một số trường hợp có thể xảy ra phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ, phù mạch, nổi mày đay…

Triptorelin chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận hormone GnRH.

- Fensolvi (leuprolide acetate) dạng hỗn dịch tiêm là phương pháp điều trị tiêm dưới da đầu tiên và duy nhất kéo dài 6 tháng cho trẻ dậy thì sớm trung ương. Fensolvi sử dụng một cây kim ngắn và thể tích tiêm nhỏ cho phép tiêm dưới da thay vì sâu vào cơ.

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị fensolvi bao gồm đau/mẩn đỏ tại chỗ tiêm, đau họng, sốt, nhức đầu, ho, đau dạ dày, buồn nôn, táo bón, nôn mửa, thở khò khè, nóng bừng mặt… Trẻ có thể thay đổi về cảm xúc như khóc, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, tức giận và hung hăng.

Trong thời gian đầu điều trị fensolvi có thể làm tăng một số hormone khiến cha mẹ nhận thấy nhiều dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ hơn như chảy máu âm đạo nhẹ.

Các thuốc điều trị dậy thì sớm - Ảnh 2.

Các loại thuốc ức chế dậy thì đều cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

1.2. Dậy thì sớm ngoại biên

Đối với trường hợp dậy thì sớm ngoại biên, việc điều trị hoàn toàn khác, phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Trong một số trường hợp, cần thiết phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng hay tinh hoàn. Trường hợp dậy thì sớm do bệnh lý chuyển hóa như tăng sản thượng thận bẩm sinh thì cần điều trị bệnh lý căn nguyên.

Ví dụ, ở trẻ trai dậy thì sớm do tăng sản thượng thận bẩm sinh thiếu 21-hydroxylase và 11 beta-hydroxylase. Trong trường hợp này thì thuốc điều trị là hydrocortisone thay thế. Khi điều trị bằng hydrocortisone thì tuyến thượng thận sẽ giảm bài tiết androgen và có tác dụng ngăn ngừa dậy thì sớm…

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Việc điều trị dậy thì sớm sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như nguyên nhân dậy thì sớm, triệu chứng, tuổi, mức độ tiến triển, các bệnh lý kèm theo… Trong suốt quá trình điều trị, trẻ cần được theo dõi sát sao bởi cha mẹ và bác sĩ điều trị. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy thông báo với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ.

Thuốc điều trị dậy thì sớm ở dạng nội tiết tố cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp. Nếu lạm dụng dùng sai cách hoặc không đúng liều lượng, trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề như:

Rối loạn nội tiết tố gây ra sự phát triển không bình thường ở trẻ, nguy cơ bệnh lý ở tuyến nội tiết cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác sau này. Chậm hoặc ngưng dậy thì hoàn toàn, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và sức khỏe sinh sản khi trẻ trưởng thành.

Các thuốc điều trị dậy thì sớm - Ảnh 3.

Rối loạn nội tiết tố gây ra sự phát triển không bình thường ở trẻ (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, thuốc điều trị dậy thì sớm còn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như hình thành khối u nội tiết, rối loạn cảm xúc, giảm thị lực, bất thường hệ thần kinh trung ương, cảm giác đau nhức, ngứa ran tại vị trí tiêm hoặc đặt thuốc, chảy máu âm đạo ở bé gái, đau dạ dày, buồn nôn...

Việc điều trị sẽ dừng lại khi trẻ được 10 - 11 tuổi, hoặc sớm hơn tùy từng trẻ. Khi dừng điều trị, hormone sinh dục sẽ được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường sẽ lại bắt đầu, kinh nguyệt bắt đầu hoặc có trở lại sau 12 đến 18 tháng ngừng điều trị ở trẻ gái, trẻ trai vẫn có sự sản xuất tinh trùng bình thường.

3. Câu hỏi thường gặp về dậy thì sớm

3.1. Đông Y có chữa được dậy thì sớm không?

Dậy thì là một giai đoạn phát triển để cơ thể trở nên hoàn thiện hơn và bước sang giai đoạn trưởng thành. Dậy thì diễn ra nhờ vào sự điều tiết ở các hoạt động của hormone tuyến sinh dục do các cơ quan sinh lý như: tuyến đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục phụ trách. Có những yếu tố về di truyền gây nên dậy thì sớm không thể tránh khỏi.

Hiện chưa có tài liệu nào về điều trị chứng dậy thì sớm bằng Y học cổ truyền. Tuy nhiên, vẫn có thể tác động vào ngoại cảnh để hạn chế tình trạng này. Cha mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, không tẩm bổ quá mức, tránh cho uống thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, tránh thực phẩm chứa steroid tăng trưởng...

3.2. Thuốc chữa dậy thì sớm có hại không?

Điều trị dậy thì sớm là cần thiết để trẻ có thể phát triển thể chất và tinh thần tốt hơn, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tâm sinh lý và bệnh lý trong tương lai. Trẻ được tiêm hormone đúng cách sẽ làm chậm được quá trình dậy thì sớm, vì thế trẻ vẫn có thể đạt được chiều cao cuối theo di truyền của bố mẹ. Các áp lực tâm sinh lý và những nguy cơ khác cũng được hạn chế, giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi.

Tuy nhiên, thuốc điều trị dậy thì sớm ở dạng nội tiết tố cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp. Nếu lạm dụng dùng sai cách hoặc không đúng liều lượng, trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề như:

- Rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là nội tiết sinh dục không ổn định gây ra sự phát triển không bình thường ở trẻ, nguy cơ bệnh lý ở tuyến nội tiết cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác sau này.

- Chậm hoặc ngưng dậy thì hoàn toàn: Thuốc điều trị nội tiết tố có thể tác dụng ngược, làm ngưng hoặc dừng quá trình dậy thì hoàn toàn ảnh hưởng đến phát triển thể chất và sức khỏe sinh sản khi trẻ trưởng thành.

Ngoài ra, thuốc điều trị dậy thì sớm còn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: hình thành khối u nội tiết, rối loạn cảm xúc, giảm thị lực, bất thường hệ thần kinh trung ương, cảm giác đau nhức, ngứa ran tại vị trí tiêm hoặc đặt thuốc, chảy máu âm đạo ở bé gái, đau dạ dày, buồn nôn,...

Do đó, trong quá trình điều trị dậy thì sớm trẻ cần được theo dõi sát sao bởi cả cha mẹ và bác sĩ điều trị. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy thông báo với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ. Cha mẹ hãy là người đồng hành cùng trẻ, là nơi giải tỏa, động viên và giải quyết các vấn đề của trẻ trong quá trình trưởng thành này.


Tác giả: SK