Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có sao không?

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có sao không?
Thông thường chu kì kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 3-7 ngày. Nếu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng sức khoẻ.

Chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau và chúng có thể ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nên mỗi chu kỳ, có thể bạn sẽ có một số sự thay đổi bất thường. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày một cách thường xuyên thì bạn nên đi thăm khám vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nghiêm trọng.

1. Nguyên nhân khiến kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có thể do nhiều nguyên nhân, từ những nguyên nhân không đáng lo ngại đến nghiêm trọng. Cụ thể:

- Mất cân bằng nội tiết tố

Lượng hormone androgen (như testosterone) cao bất thường có thể gây ra kinh nguyệt nhiều hoặc không đều. Sự mất cân bằng nội tiết tố như vậy thường diễn ra ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc cũng có thể do căng thẳng, trầm cảm hoặc ăn uống không điều độ và buồng trứng không nhận được sự kích thích hormone cần thiết để rụng trứng.

Ngoài ra, sự mất cân bằng nội tiết tố này dẫn tới tình trạng không rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung có thể trở nên rất dày. Khi có kinh nguyệt, niêm mạc tử cung bong ra cũng có thể khiến kinh nguyệt chảy nhiều hơn và dài hơn bình thường.

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có sao không? - Ảnh 2.

Mất cân bằng nội tiết không chỉ gây kinh nguyệt không đều mà còn có thể gây rong kinh (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Kinh nguyệt có mùi hôi khó chịu: Khi nào là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung?

Ra khí hư màu nâu trước kỳ kinh nguyệt: Nguyên nhân và cách xử lý

- Thuốc và các biện pháp tránh thai

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày cũng có thể do bạn dùng thuốc như aspirin và các chất làm loãng máu khác hay thuốc chống viêm.

Hơn nữa, nếu bạn sử dụng các biện pháp tránh thai như uống thuốc, sử dụng vòng tránh thai,... cũng có thể khiến bạn gặp tình trạng kinh nguyệt kéo dài.

Đối với những người đặt vòng tránh thai lần đầu thường gặp một số tác dụng phụ như kinh nguyệt nhiều hơn, đau bụng hơn hay bị chảy máu hoặc ra máu giữa các kỳ kinh nguyệt.

 - U xơ hoặc polyp tử cung

U xơ và polyp tử cung có thể góp phần gây ra các tình trạng như kinh nguyệt không đều hoặc ra nhiều, kéo dài cùng với các triệu chứng khác như đau vùng chậu, táo bón, đi tiểu thường xuyên hoặc đau khi quan hệ tình dục.

Mặc dù 2 tình trạng này là lành tính, không phải là ung thư nhưng nếu các khối u này quá lớn, chúng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ, chẳng hạn như rong kinh kéo dài. Cả polyp và u xơ đều có thể được điều trị bằng phẫu thuật, thuốc kiểm soát hormone hoặc cả hai.

- Bệnh adenomyosis

Adenomyosis là một loại tích tụ mô khác. Tình trạng này xảy ra khi nội mạc tử cung hoặc niêm mạc tử cung của bạn tự bám vào các cơ của tử cung. Điều này có thể dẫn đến kinh nguyệt kéo dài hoặc chảy máu nhiều trong chu kỳ kinh.

- Bệnh tuyến giáp

Suy giáp hay tuyến giáp hoạt động kém, xảy ra khi cơ thể sản xuất quá ít hormone tuyến giáp. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt và gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt nhiều và kéo dài, kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt.

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có sao không? - Ảnh 3.

Suy giáp cũng có thể khiến kinh nguyệt kéo dài (Ảnh: Internet)

- Béo phì

Những người mắc bệnh béo phì cũng có thể có chu kì kinh nguyệt dài hơn bình thường. Đó là vì mô mỡ có thể khiến cơ thể bạn sản xuất nhiều estrogen hơn. Lượng estrogen dư thừa này có thể dẫn đến sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

- Viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu (PID) xảy ra khi vi khuẩn lây nhiễm vào cơ quan sinh sản. Ngoài những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, viêm vùng chậu cũng có thể dẫn đến tiết dịch âm đạo bất thường cùng với các triệu chứng khác như đau khi đi tiêu, đau khi quan hệ tình dục, đau quanh vùng chậu hoặc bụng dưới.

- Ung thư

Kinh nguyệt kéo dài có thể là dấu hiệu của tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư tử cung, nhưng điều đó không phổ biến. 

Ung thư tử cung thường phát triển trong hoặc sau thời kỳ mãn kinh. Ngược lại, ung thư cổ tử cung có xu hướng xuất hiện sớm hơn một chút - thường ở độ tuổi từ 35 đến 45.

- Rối loạn đông máu

Có một số rối loạn về máu và tiểu cầu khác nhau có thể khiến việc cầm máu trở nên khó khăn. Một số, như bệnh máu khó đông và bệnh von Willebrand, là do di truyền. Những bệnh khác, như bệnh bạch cầu hoặc thiếu vitamin K do bệnh gan, đều mắc phải.

2. Kinh nguyệt kéo dài thường xuyên nguy hiểm như thế nào?

Thông thường, vấn đề lớn nhất khi kinh nguyệt kéo dài là nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Ngoài ra, kinh nguyệt kéo dài sẽ khiến bạn mất máu nhiều hơn, bạn có thể có nguy cơ bị thiếu máu. Điều này có thể góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi và yếu đuối.

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có sao không? - Ảnh 4.

Kinh nguyệt kéo dài có thể khiến bạn bị thiếu máu (Ảnh: Internet)

3. Điều trị kinh nguyệt kéo dài như thế nào?

Tuỳ vào nguyên nhân gây ra tình trạng này mà phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn:

- Nhiều nguyên nhân gây chảy máu kéo dài có thể được điều trị bằng thuốc tránh thai estrogen và progesterone. Thuốc này không chỉ có tác dụng tránh thai mà còn có thể điều trị chảy máu do hormone bằng cách điều chỉnh nồng độ hormone. Thuốc tránh thai thường làm giảm tổng lượng máu chảy và do đó sẽ làm giảm thời gian hành kinh của bạn.

- Các loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng. Axit tranexamic (Lysteda) là một loại thuốc theo toa điều trị chảy máu kinh nguyệt nhiều. Thuốc này có dạng viên nén và được uống mỗi tháng vào đầu kỳ kinh nguyệt.

- Chảy máu kéo dài do u xơ tử cung có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng các thủ thuật ít xâm lấn như cắt bỏ nội mạc tử cung, thuyên tắc động mạch tử cung hoặc phẫu thuật nội soi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể đề nghị cắt bỏ u xơ tử cung hoặc cắt bỏ tử cung.

Ngoài các phương pháp điều trị trên, khi kinh nguyệt kéo dài, người bệnh nên có chế độ chăm sóc cơ thể tốt như:

- Uống nhiều nước

- Nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng hoặc vận động quá sức

- Chườm bụng bằng nước ấm để giảm cảm giác đau bụng nếu có

- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C và sắt - giúp kiểm soát tình trạng thiếu máu do kinh nguyệt kéo dài.

- Uống trà gừng - chất chống viêm trong gừng được cho là có hiệu quả trong việc làm giảm lượng kinh nguyệt kéo dài.

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày có sao không? - Ảnh 5.

Gừng có tác dụng chống viêm, có hiệu quả trong việc làm giảm lượng kinh nguyệt kéo dài (Ảnh: Internet)

4. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn gặp bất kể sự thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc cụ thể là các triệu chứng dưới đây thì bạn nên đến gặp bác sĩ sớm:

- Thường xuyên bị chảy máu nhiều hơn 7 ngày

- Trong kì kinh nguyệt chảy quá nhiều máu

- Có những giai đoạn đặc biệt đau đớn hoặc cảm thấy mệt mỏi trong thời gian hành kinh, điều này cản trở hoạt động hàng ngày của bạn

 Ngoài ra, nếu gặp bất kì triệu chứng nào dưới đây thì bạn nên được cấp cứu ngay lập tức:

- Chảy máu quá nhiều: có nghĩa là chảy máu đủ để thấm ướt băng vệ sinh hoặc tampon trong vòng một giờ và tiếp tục như vậy trong nhiều giờ. Bạn cũng nên để ý các triệu chứng mất máu nghiêm trọng như chóng mặt hoặc ngất xỉu.

- Xuất hiện những cục máu đông lớn: việc thỉnh thoảng xuất hiện cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt là điều có thể xảy ra và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những cục máu đông lớn hơn quả bóng gôn, điều đó có nghĩa là bạn đang chảy máu nhiều và có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

- Bạn đã sinh con trong vòng 3 tháng qua và đang chảy máu rất nhiều: bạn có thể bị xuất huyết thứ phát hoặc xuất huyết muộn sau sinh.

Nguồn tham khảo:

1. What Causes Long Periods and When to Seek Help

2. Why Is My Period Lasting So Long?


Tác giả: Vân Anh