Mới đây, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục có thể xem xét cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học nghỉ học.
Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên báo Sức khoẻ và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh - giảng viên Bộ môn Sức khoẻ môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng.
Đọc thêm:
- Ô nhiễm không khí trong nhà là gì? Mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí trong nhà và sức khoẻ lá phổi
- "Ô nhiễm không khí lúc sáng sớm", người dân hay tập thể dục buổi sáng ở khu đô thị lớn cần chú ý
Khuyến cáo chung về phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí là cần thiết trong bối cảnh hiện nay
- Trong bối cảnh ô nhiễm không khí thường xuyên xảy ra tại một số tỉnh, thành ở nước ta hiện nay thì khuyến cáo của Bộ Y tế mới đây hẳn là một thông tin đáng mừng đối với nhiều học sinh và phụ huynh. Bà đánh giá thế nào về nội dung này?
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Tôi nghĩ đây là một trong các giải pháp thích ứng cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang là vấn đề sức khoẻ môi trường đáng quan tâm tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì Điều 10 "Thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng" có ghi rõ trong trường hợp chất lượng môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trong đó có biện pháp tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học.
Cũng theo Nghị định này, môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng được xác định khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN-AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trong thời gian 3 ngày liên tục. Khi chỉ số chất lượng không khí ngày có giá trị ở mức nguy hại (AQI >=301, hiển thị màu nâu) thì được coi là mức cảnh báo sức khoẻ tình trạng khẩn cấp, hay còn gọi là mức cảnh báo Y tế công cộng.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng, trong đó đối tượng trẻ em là nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng nên cần có các giải pháp thích ứng phù hợp. Việc Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo như vậy cũng như khuyến cáo chung về phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xung quanh tới sức khoẻ tôi thấy là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
- Nhóm đối tượng nào sẽ chịu tổn hại nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí, thưa bà?
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít đến 20.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới và một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong do các bệnh cấp tính và mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư.
Những nhóm đối tượng nguy cơ cao chịu tác động của ô nhiễm không khí là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính, những người có hoạt động thể lực nhiều, những người có thời gian phơi nhiễm nhiều với ô nhiễm không khí. Ví dụ những người sinh sống, làm việc, học tập, tham gia giao thông… ở khu vực thường xuyên có chỉ số chất lượng không khí kém và nguy hại.
- Thực tế những ngày qua, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học hằng ngày vẫn phải ra đường để đến trường. Chưa trường học nào dám cho học sinh nghỉ học vì hiện đang thiếu một hệ quy chuẩn chung về ô nhiễm không khí. Trong trường hợp này, bà có khuyến cáo gì tới phụ huynh, học sinh cũng như các thầy cô giáo và làm sao để biết được khi nào ô nhiễm chạm mức "nguy hại"?
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Việc công bố môi trường không khí xung quanh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng khi chỉ số VN-AQI ngày có giá trị từ 301 trở lên trong thời gian 3 ngày liên tục theo tôi là trách nhiệm của ngành Tài nguyên & Môi trường. Khi có thông báo này thì các bên liên quan và cộng đồng thực hiện các biện pháp khẩn cấp theo khuyến cáo cụ thể của ngành Y tế. Như vậy tôi nghĩ cần phối hợp hiệu quả giữa các ngành để triển khai hướng dẫn của ngành Y tế.
Ví dụ, khi kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trong thời gian 3 ngày liên tục ở một tỉnh/thành phố nào đó cho thấy chỉ số VN-AQI ngày có giá trị từ 301 trở lên thì cần ngay lập tức thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thông báo tới Sở GD&ĐT để Sở chỉ đạo các trường triển khai các biện pháp dự phòng tương ứng như khuyến cáo của ngành y tế.
Ngoài ra, có một thực tế là có nhiều ngày trong năm, chất lượng không khí xung quanh không phải ở mức ô nhiễm nghiêm trọng theo định nghĩa "chỉ số VN-AQI ngày có giá trị từ 301 trở lên trong thời gian 3 ngày liên tục" mà chỉ 1-2 ngày hoặc chỉ một số thời điểm trong ngày có chỉ số vượt ngưỡng.
Do đó, để dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí thì theo tôi các trường học và người dân sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng nên chủ động theo dõi chỉ số AQI hàng ngày (các ứng dụng cài trên điện thoại thông minh AirVisual, PAM Air, cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố) để biết chất lượng không khí xung quanh theo từng thời điểm trong ngày và theo từng khu vực cụ thể. Có thể chỉ số trung bình ngày không vượt quá 301 nhưng có thời điểm trong ngày chỉ số vượt ngưỡng nguy hại.
Đồng thời, tại mỗi tỉnh, thành phố thì chất lượng không khí ở từng khu vực, theo từng thời điểm cũng khác nhau nên để chủ động dự phòng thì nhà trường và người dân nên chủ động theo dõi chỉ số để áp dụng các biện pháp dự phòng.
Cụ thể, bất kỳ ngày nào, thời điểm nào thấy chỉ số AQI >=301 (màu nâu) thì tất cả mọi người (không chỉ nhóm nguy cơ cao là trẻ em và người lớn hoạt động thể lực nhiều, người già, các bệnh nhân hen suyễn hoặc mắc các đường hô hấp khác) nên tránh các hoạt động ngoài trời, còn nếu cần phải ra ngoài thì nên đeo khẩu trang có hiệu suất lọc bụi PM2,5 đạt tối thiểu là 95%. Nên đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí.
Với những người nhạy cảm thì ngoài thực hiện hai biện pháp trên đây thì nên theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị.
Đối với các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học thì có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí xung quanh ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học thì nên tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian cho phù hợp.
Các cơ sở y tế nên sẵn sàng để khám, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp, tim mạch vì số bệnh nhân có thể gia tăng và tình trạng bệnh ở những bệnh nhân đang mắc bệnh mãn tính có thể tăng nặng do ô nhiễm không khí.
- Xin cảm ơn PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh!
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (AQI). Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (6 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Cụ thể: khoảng giá trị AQI 0-50 là tốt (xanh); 51-100 là trung bình (vàng); 101-150 là kém (da cam); 151-200 là xấu (đỏ); 201-300 rất xấu (tím); 301-500 là mức nguy hại (nâu).