Nội soi đại tràng là một thủ thuật giúp kiểm tra đại tràng và trực tràng, mục dích để chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa dưới, trong đó có sàng lọc ung thư đại tràng. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi mềm có đường kính khoảng 1cm từ hậu môn rồi đi ngược lên tới đại tràng và manh tràng để quan sát toàn bộ đại tràng của người thăm khám.
Dựa trên những hình ảnh thu được của thiết bị nội soi mà thủ thuật này có thể giúp phát hiện sớm những tổn thương trong đường ruột chẳng hạn như những vùng viêm loét, polyp đại tràng hay khối u ung thư có hình dạng bất thường.
Đọc thêm:
+ Tìm hiểu về bệnh ung thư đại tràng giai đoạn I
+ Ung thư trực tràng là gì? Những điều cần biết về bệnh ung thư trực tràng
Ngoài sàng lọc bệnh lý đại tràng nói chung thì một số trường hợp thường được chỉ định thực hiện nội soi đại tràng bao gồm:
- Người đang có các triệu chứng bất thường ở vùng bụng bao gồm đau bụng không rõ nguyên nhân, đi ngoài lẫn máu, phân màu đen, người bị rối loạn đại tiện hoặc người xanh xao thiếu máu
- Người mắc bệnh viêm loét đại trực tràng, người bị viêm đường ruột
- Người đang kiểm tra sức khỏe và phát hiện có những bất thường trên hình ảnh chụp X-quang và cần kiểm tra kỹ hơn
- Người có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng bao gồm gia đình có người từng mắc bệnh, người bị viêm đại tràng mãn tính, người có polyp đại tràng.
Nội soi đại tràng cần được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa và uy tín. Nhưng cũng giống như bất kỳ thủ tục xâm lấn nào thì nội soi đại tràng cũng có thể dẫn tới một số biến chứng bao gồm:
- Chảy máu sau nội soi
- Tiếp tục chảy máu sau sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp
- Buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi hoặc kích ứng trực tràng do thủ thuật làm sạch ruột
- Phản ứng tiêu cực với thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần khi nội soi
- Do thành mỏng hơn, đại tràng phải có nguy cơ thủng tăng cao trong thủ thuật nội soi điều trị như cắt polyp.
Sau khi nội soi bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức để được theo dõi tới khi tỉnh táo hoàn toàn. Nếu gặp phải các triệu chứng như sốt hoặc ớn lạnh; phân có lẫn máu thường xuyên; đau bụng hoặc chướng bụng; bụng cứng lại và không đánh rắm được sau khi nội soi đại tràng thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được can thiệp.
Do độ tuổi mắc ung thư đại tràng ngày càng trẻ hóa mà nếu có các dấu hiệu này thì dù chưa tới 45 tuổi (độ tuổi mà CDC khuyến cáo nên thực hiện sàng lọc ung thư đại tràng) bạn cũng nên xem xét tới việc thực hiện nội soi đại tràng để kiểm tra.
- Phân có lẫn máu
Phân lẫn máu có thể là một trong những dấu hiệu của ung thư đại tràng. Trong đó máu có thể là chất nhầy màu hồng, đỏ tươi hoặc màu đen sẫm.
Nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra do ung thư. Có nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này, bao gồm bệnh viêm loét đại tràng, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn hoặc polyp đại tràng.
- Thay đổi thói quen đại tiện
Bất kì sự thay đổi nào về thói quen và hình thức đại tiện, kể cả là bạn đi nhiều hoặc ít hơn bình thường hay sự khác biệt về hình dạng, độ đặc của phân đều có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng sớm.
Tất nhiên, thói quen đại tiện thay đổi cũng có thể do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như:
+ Chế độ ăn uống: Thay đổi trong chế độ ăn uống, như việc tiêu thụ nhiều hoặc ít chất xơ hơn bình thường, có thể gây ra thay đổi.
+ Rối loạn tiêu hóa: Tình trạng như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm đại tràng và bệnh Crohn cũng có thể dẫn tới thay đổi thói quen đại tiện.
+ Tình trạng tâm lý: Stress và lo âu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đường ruột.
+ Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, như thuốc nhuận tràng, kháng sinh hoặc thuốc sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy hoặc táo bón.
+ Bệnh lý: Các tình trạng bệnh lý polyp đại tràng, hoặc bệnh viêm loét dạ dày - ruột, bệnh tiểu đường, suy giáp,...
Nếu những thay đổi này kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng đáng lo ngại khác, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể hơn.
- Đau bụng
Đau bụng có thể bao gồm cảm giác co thắt vùng bụng, khó chịu và đau đớn theo nhiều mức độ.
Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng liên quan đến ung thư đại tràng. Một số nguyên nhân phổ biến gây đau bụng bao gồm:
+ Rối loạn tiêu hóa, như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, hoặc táo bón.
+ Nhiễm trùng đường ruột, như ngộ độc thực phẩm hoặc viêm ruột.
+ Các vấn đề liên quan đến kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
+ Viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đau bụng có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng khi tình trạng đau bụng kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm theo thời gian ngay cả khi sử dụng các biện pháp giảm nhẹ tại nhà. Đặc biệt, nếu đau bụng kết hợp với các triệu chứng khác như thay đổi thói quen đại tiện, sụt cân bất thường, phân có lẫn máu hoặc mệt mỏi mãn tính; thậm chí là người bệnh có thể sờ nắn thấy khối u vùng bụng thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng cần được thăm khám càng sớm càng tốt để có tiên lượng cao.
Ngoài 3 dấu hiệu cần nội soi đại tràng và thăm khám chuyên sâu hơn kể trên thì bạn cũng cần cân nhắc sàng lọc đại tràng định kì trước 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình (đời thứ nhất) mắc bệnh ung thư đại tràng (phát hiện trước 50 tuổi) do nguy cơ mắc bệnh của bạn có thể cao hơn tới 3 lần. Hoặc bản thân bạn đang gặp tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, mắc bệnh viêm ruột hoặc từng điều trị bất kì bệnh ung thư nào.
Nhìn chung, ngoài nội soi đại tràng tầm soát ung thư thì nếu bạn trên 45 tuổi và không có các triệu chứng bất thường hoặc yếu tố nguy cơ nào, bạn có thể lựa chọn đa dạng hình thức sàng lọc như xét nghiệm phân, chụp CT,... Điều quan trọng là sàng lọc ở độ tuổi được khuyến cáo và chú ý tới những thay đổi bất thường của cơ thể để kiểm soát và thăm khám kịp thời.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 5 Signs You Should Get A Colonoscopy Before You Turn 45
2. Colonoscopy