Bí đỏ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Theo USDA, trong 245 gam bí đỏ nấu chín có chứa: 49 calo; 0,2 gam (g) chất béo; 2 g protein; 12 g carbohydrate; 245% RDI vitamin A (giá trị khuyến nghị hàng ngày); 19% RDI vitamin C; 16% RDI kali; 11% RDI đồng; 11% RDI mangan; 11% RDI vitamin B2; 10% RDI vitamin E; 8% RDI sắt cùng một lượng ít magie, phốt pho, kẽm, vitamin B khác.
Theo Health, ăn bí đỏ có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe như:
- Tăng cường sức khỏe đường ruột
Ăn bí đỏ giàu chất xơ giúp tăng cường sức khỏe đường ruột bằng cách điều chỉnh cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và thúc đẩy nhu động ruột đều đặn, từ đó giúp giảm nguy cơ táo bón. Vỏ bí ngô chứa polysaccharides không hòa tan trong cồn, có tác dụng giúp giảm axit mật và hỗ trợ sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột.
Đọc thêm:
+ Tôm nấu với bí đỏ được không?
+ Loại củ được mệnh danh là "vựa kali và vitamin C", cực tốt cho tim mạch và huyết áp
- Có thể giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư
Stress oxy hóa là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ phát triển của các tế bào bất thường dẫn tới ung thư. Theo đó, bí đỏ có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào bao gồm luetin, zeaxathin, alpha - carotene, beta - carotene và beta - cryptoxanthin.
Những hợp chất này có thể giúp trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để phân tách tác dụng này của bí đỏ độc lập với thói quen sinh hoạt lành mạnh như thế nào.
- Tăng cường hệ miễn dịch
Bí đỏ là nguồn tự nhiên của nhiều chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, bao gồm vitamin C, kẽm và selen. Hơn nữa, tới 90% khối lượng bí đỏ là nước nên việc ăn bí đỏ cũng giúp hỗ trợ cung cấp nước cho cơ thể, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách trơn tru hơn, từ đó tăng cường sức đề kháng.
- Hỗ trợ quản lý cân nặng
Một cốc bí đỏ sống chứa chỉ khoảng 30 calo, điều này có nghĩa là bí đỏ là một thực phẩm không tinh bột chứa rất ít calo. Hơn nữa, bí đỏ cũng rất giàu chất xơ. Thêm thực phẩm như bí đỏ vào chế độ ăn hàng ngày là một trong những cách thúc đẩy giảm cân và quản lý cân nặng lành mạnh.
- Cải thiện sức khỏe mắt
Bí đỏ chứa nhiều vitamin A tốt cho sức khỏe của mắt và carotenoid lutein và zeaxanthin. Lutein và zeaxanthin là những carotenoid duy nhất trong chế độ ăn uống tích tụ ở võng mạc, cụ thể là điểm vàng và được gọi là sắc tố điểm vàng. Việc tiêu thụ các carotenoid này đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng.
- Hỗ trợ ổn định huyết áp
Bí đỏ là nguồn tự nhiên của nhiều chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tim mạch, bao gồm kali, canxi và magie. Ba chất dinh dưỡng này được nhấn mạnh trong Chế độ ăn ngăn ngừa tăng huyết áp (chế độ ăn DASH), một chế độ ăn giúp mọi người kiểm soát tình trạng tăng huyết áp thông qua các lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày của họ.
Hơn nữa, bí đỏ cũng có lượng natri thấp, điều này có lợi cho người cần quản lý ổn định huyết áp.
Mặc dù ăn bí đỏ có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng các nhà dinh dưỡng khuyên rằng, chỉ nên ăn bí đỏ 1 - 2 lần/tuần để nhận được tối đa tác dụng của bí đỏ và tránh các tác dụng phụ không mong muốn do ăn quá nhiều. Bạn có thể thêm bí ngô vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, từ bữa sáng tới bữa trưa hoặc bữa tối.
Ăn bí đỏ sống có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là hạt bí đỏ sống vì nó có thể chứa vi khuẩn có hại như Salmonella và E.coli. Nếu tiêu thụ phải những vi khuẩn này có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như tiểu chảy, sốt, nôn mửa và đau bụng.
Bên cạnh đó, cũng không nên ăn bí đỏ bị đắng. Bí đỏ đắng do hợp chất độc hại gọi là Cucurbitacin. Nồng độ Cucurbitacin càng cao thì bí càng bị đắng. Tiêu thụ Cucurbitacin cũng có liên quan tới rủi ro ngộ độc thực phẩm.
Mặc dù tốt cho sức khỏe và hầu như an toàn với người trưởng thành khỏe mạnh nhưng không phải ai cũng nên ăn bí đỏ thường xuyên, có một số nhóm người cần hạn chế hoặc tránh ăn bí đỏ để tránh các tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Bao gồm:
- Người có thể trạng nhạy cảm, dễ dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định có thể gặp phải các triệu chứng đường tiêu hóa hoặc phát ban trên da sau khi ăn bí đỏ do phản ứng với hàm lượng protein dồi dào trong bí đỏ.
- Người đang có các vấn đề tiêu hóa cũng nên thận trọng khi ăn bí đỏ do bí đỏ giàu chất xơ, tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi,...
- Người đang sử dụng một số loại thuốc như lithium hoặc bị bệnh thận đang điều trị do bí đỏ được coi là một loại thuốc lợi tiểu nhẹ, có nghĩa là ăn nhiều bí ngô có thể làm tăng lượng nước và muối mà cơ thể thải ra qua nước tiểu, làm suy yếu khả năng đào thải lithium của cơ thể, gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Người bị nóng trong, người bị tiểu đường, người bị tăng huyết áp cũng cần hạn chế ăn bí đỏ do bí đỏ có chỉ số GI (chỉ số đường huyết của thực phẩm) là 75, tương đối cao; lại giàu kali và natri nên có thể khiến bệnh khó kiểm soát hơn nếu tiêu thụ quá nhiều.
Bí đỏ kỵ với gì? Theo Sohu, bí đỏ kỵ với 4 thực phẩm dưới đây:
- Cua: Ăn bí đỏ và cua cùng lúc sẽ khiến axit tannic có trong bí đỏ phản ứng với protein trong cua tạo thành hợp chất kết tủa dẫn tới tiêu chảy và nghiêm trọng hơn là ngộ độc thực phẩm. Đối với phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai cũng không nên ăn hai thực phẩm này cùng nhau nếu không sẽ dễ bị đau bụng kinh, lạnh tử cung nguy hiểm.
- Rau bina: Rau bina rất giàu axit oxalic, trong khi bí đỏ lại chứa một lượng lớn chất xơ cùng với carbohydrate, khi kết hợp sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa chất xơ trong đường tiêu hóa, không có lợi cho việc hấp thụ bí đỏ tại ruột cũng như giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.
Bí đỏ kỵ với gì? (Ảnh: Internet)
- Dưa chuột: Dưa chuột có chứa có chứa một loại enzyme catabolic. Nó có thể phá hủy hàm lượng vitamin C có trong các loại thực phẩm khác như bí đỏ, từ đó làm giảm giá trị dinh dưỡng. Hơn nữa, saponin trong bí đỏ cũng ảnh hưởng tới thành phần dinh dưỡng của dưa chuột.
- Thịt cừu: Thịt cừu có tính hàn trong khi bí đỏ có tính ấm, kết hợp với nhau dễ dẫn tới chướng bụng, táo bón.
Có nhiều cách để thêm bí đỏ vào chế độ ăn hàng ngày của gia đình, từ món mặn tới món ngọt. Bí đỏ có thể được sử dụng để hấp, nấu súp, hầm, nướng, nấu canh, làm bánh, xào, sữa bí đỏ,... cùng với các nguyên liệu khác nhau.
- Cách nấu canh bí đỏ thơm ngon tại nhà:
Để nấu canh bí đỏ, bạn cần chuẩn bị bí đỏ cùng thịt nạc băm (hoặc sườn) tùy theo sở thích, hành lá, rau mùi và gia vị nêm nếm.
Sơ chế bí đỏ: Gọt vỏ, bỏ ruột và rửa sạch rồi đem cắt thành tưng miếng vuông vừa ăn. Với thịt (hoặc sườn) thì rửa sạch, phi thơm hành tỏi với dầu rồi cho thịt vào đảo, nêm nếm một ít gia vị rồi cho nước sạch vào đun sôi.
Sau đó thả bí đỏ đã cắt vào nồi, đun tới khi bí mềm thì tắt bếp, nêm nếm lại và thêm hành lá, rau mùi vào rồi múc ra bát, ăn khi còn nóng.
- Cách làm bí đỏ xào tỏi:
Với món bí đỏ xào tỏi, bạn chỉ cần chuẩn bị bí đỏ gọt vỏ, cắt thành các miếng mỏng cùng tỏi băm nhuyễn và hành lá, gia vị nêm nếm theo sở thích.
Đầu tiên, cần làm nóng chảo và phi thơm tỏi, sau đó cho bí đỏ vào đảo nhanh tay tới khi bí mềm thì nêm gia vị, cho hành lá vào rồi tắt bếp. Bí đỏ xào tỏi ngon là khi thịt bí chín tới, không bị mềm nhũn và giữ được độ bùi ngọt của bí đỏ.
Ngoài xào tỏi thì bí đỏ cũng có thể xào cùng với thịt lợn, thịt bò, tóp mỡ,... cũng đều rất dễ ăn và đưa cơm.
Khi chọn bí đỏ, nên mua những quả bí đỏ có vỏ màu tươi sáng, không có dấu hiệu bị úng, dập nát; khi ấn vào có cảm giác cứng tay. Phần cuống bí đỏ tươi sẽ chảy ra một ít mủ, khác với bí đỏ để lâu sẽ có phần cuống héo khô. Nếu chọn mua bí đỏ theo miếng, nên mua những miếng bí đỏ có thịt màu vàng cam, ngửi có mùi thơm đặc trưng và bề mặt miếng bí không bị nhớt.
Bí đỏ cũng rất dễ bảo quản nhưng không nên để quá lâu. Với bí đỏ tươi cần cho vào túi đựng thực phẩm và có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (nhiệt độ từ 5 - 8 độ C) từ 3 - 5 ngày; ngăn đá (nhiệt độ từ - 8 đến - 10 độ C) trong khoảng 2 - 3 tháng. Lưu ý không nên rửa bí đỏ với nước trước khi bảo quản bởi khi tiếp xúc với nước, bí đỏ sẽ nhanh hỏng hơn rất nhiều.
Nhiều người có thói quen xay nhuyễn bí đỏ và bảo quản trong ngăn đông, cách này có thể giúp thời hạn sử dụng của bí đỏ tăng lên trong vòng 4 - 6 tháng mà không lo bị thay đổi hương vị. Tuy nhiên cần giữ phần bí đỏ này trong các hộp trữ đông chuyên dụng, tránh để trong túi bóng hay để lẫn với các thực phẩm tươi sống khác, dễ dẫn tới lây nhiễm chéo hoặc bị ám mùi, giảm chất lượng của món ăn.
Nhìn chung, bí đỏ là một thực phẩm tốt cho sức khỏe và hầu hết lành tính với mọi người ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nếu băn khoăn về việc thêm bí đỏ vào chế độ ăn hàng ngày như thế nào hoặc đang điều trị bệnh theo đơn thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được tư vấn phù hợp với thể trạng sức khỏe của bản thân.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 9 Impressive Health Benefits of Pumpkin
3. 当下吃南瓜正当季,医生提醒:这4类人还请少碰为妙,你在其中吗