Xã hội hiện đại đa phần mắc bệnh chủ yếu do thói quen ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh, một số món ăn được coi là đặc sản của cánh đàn ông Việt như tiết canh, cháo lòng, đuông dừa... tiềm ẩn nhiều hiểm họa ít ai biết. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do sốc nhiễm khuẩn từ các món ăn trên.
Ngày càng nhiều những vụ tử vong do ăn tiết canh, đặc biệt là tiết canh lợn do nhiễm liên cầu khuẩn. Ăn tiết canh làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán, nhiều trường hợp bị trụy tim mạch, tiêu chảy, tả lị đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn.
Bản chất của tiết canh là một món ăn sống, càng nguy hiểm hơn nếu người ăn lỡ ăn phải lợn hoặc gia cầm mắc bệnh. Đối với tiết canh lợn, nếu ăn tiết canh của lợn mang bệnh sẽ bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn, ký sinh trùng, đặc biệt là sán dây (lợn gạo).
Người nhiễm khuẩn do tiết canh thường có những triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, chóng mặt. Nhẹ thì có thể bị rối loạn đường ruột, rối loạn tiêu hóa, nặng thì bị xuất huyết dưới da, hoại tử, xuất huyết dạ dày. Nếu nhiễm độc tố nặng có thể dẫn đến hiện tượng sốc do nhiễm khuẩn, gây ra các biến chứng suy tim, suy hô hấp, huyết áp giảm nhanh, dễ tử vong nếu như không được điều trị kịp thời.
Ngoài tiết canh lợn, các loại tiết canh từ gia cầm như tiết canh vịt, tiết canh ngan đều có thể gây nhiễm giun xoắn và tấn công não.
Cháo lòng chứa nhiều cholesterone gây khó tiêu, không tốt cho người bị bệnh gout, gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, cháo lòng chủ yếu được làm từ nội tạng động vật, do vậy dễ làm lây nhiễm sang người ăn. Nếu sau khi ăn cháo lòng bạn có cảm giác mệt mỏi, khó tiêu, đầy bụng, nôn mửa...khả năng cao cháo lòng đã bị nhiễm khuẩn.
Ăn cháo lòng còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn E.Coli - một loại vi khuẩn được tìm thấy trong phân, gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ. Những người có đường tiêu hóa kém dễ bị đau bụng, đi ngoài khi ăn cháo lòng. Một số trường hợp khác có thể bị nhiễm khuẩn lao, ký sinh trùng như sán dây, sán chó. Do vậy nên hạn chế ăn cháo lòng và nếu có ăn, nên đảm bảo món ăn được vệ sinh sạch sẽ.
Người thừa cân cũng không nên cháo lòng do chứa nhiều chất béo xấu, nhất là trong gan lợn, óc lợn. Người bị mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa không nên ăn cháo lòng, người bị xơ vừa động mạch, tiểu đường, thừa cân...cần triệt để kiêng các món ăn từ nội tạng động vật.
Nội tạng động vật gồm thận, dạ dày, ruột, tim, lưỡi, và gan có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt. Người bình thường cần ăn với hàm lượng hợp lý, tốt nhất nên hạn chế tiêu thụ vì chúng có thể làm tăng mỡ máu, gây hại cho tim mạch, không tốt với người cao tuổi.
Ngoài ra, trong quá trình chế biến, nội tạng động vật cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng như: chế biến không sạch khiến vi khuẩn còn sót lại, tấn công cơ thể người, quá trình giết mổ, vận chuyển không đảm bảo an toàn vệ sinh...
"Mốt" ăn côn trùng khá phát triển ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh miền Tây có đặc sản đuông dừa béo ngậy. Ngoài đuông dừa, thói quen ăn nhộng tằm, thậm chí thịt chuột được coi là thức ăn nhiều đạm, bổ dưỡng, lành tính.
Thực tế, các món ăn từ nhộng có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa canxi và các vi khoáng. tuy nhiên trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi chất, việc ăn côn trùng có thể làm gia tăng nguy cơ ngô độc do tác nhân bên ngoài. Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo nên hạn chế ăn côn trùng, thịt chuột do:
- Côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng dễ gặp hiện tượng này. Nhiều người ăn côn trùng dễ bị nổi phát ban, dị ứng, ngứa ngáy toàn thân, sưng mặt...
- Bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính có các biểu hiện như đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở...
- Đối với thịt chuột: chuột đồng có thể ăn phải bả chuột, thuốc trừ sâu gây nguy hiểm đến tính mạng của người ăn.
- Người ăn có thể ăn phải côn trùng chết. Mọi loại côn trùng, thậm chí chuột, gà, chó...khi chết đều tiết ra những chất gây độc. Nếu ăn tại nhà hàng, bạn không hề biết rằng chúng có thực sự an toàn hay không.
- Ngộ độc hóa chất ngâm các loại côn trùng. Chẳng hạn để nhộng căng, đẹp mắt, người bán hàng thường ngâm chúng trong natri sunfit.
Cần thận trọng khi ăn món ăn từ côn trùng, đuông dừa hoặc thịt chuột. Cần thăm dò nguồn gốc hoặc giảm tần suất ăn để tránh nguy cơ ngộ độc.
Thịt chó là món ăn được coi là "cực phẩm" đối với một số bộ phận người Việt. Khác với các loại động vật khác như bò, trâu. Thịt chó có tính phức tạp hơn do là động vật ăn tạp, thậm chí không ăn cỏ cây như nhóm gia súc. Do vậy thịt chó dễ dính giun sán hơn các loại động vật khác.
Thịt chó giàu đạm, có tính nhiệt. Những người bị rối loạn tiêu hóa dễ bị đầy bụng, khó tiêu khi ăn thịt chó. Những người thường xuyên ăn thịt chó còn có thể bị hại gan, hại thận do phải hoạt động nhiều để chuyển hóa dinh dưỡng. Ăn thịt chó nhiều làm tăng nguy cơ suy thận, gout, gan nhiễm mỡ... Bệnh nhân gout tuyệt đối không nên ăn thịt chó vì có thể làm tăng acid uric trong máu, gây ra các cơn đau gout cấp.
Ngoài ra, việc ăn thịt chó có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó có thể gây mù mắt, gây chứng điên loạn hoặc gây suy yếu các bộ phận nơi sán trú ngụ khác như gan, lách, phổi, tử vong do nhiễm trùng.
Nguy hiểm hơn nếu chó mắc bệnh dại - mặc dù virus dại sẽ chết nếu như được nấu chín với nhiệt độ cao. Tuy nhiên trong quá trình chế biến giết mổ, nước dãi của con chó bị dại rơi rớt sang quần áo, dao thớt, rơi vãi vào thức ăn gây ra hiện tượng lây nhiễm chéo. Đặc biệt, tiết canh chó còn nguy hại hơn thịt chó rất nhiều vì đó là thực phẩm sống.
Cẩn thận khi chơi, vuốt ve hoặc tiếp xúc với thịt chó có virus dại khi có vết thương hở có nguy cơ lây bệnh rất cao. Thực tế, khi chó chết khoảng 8 tiếng sau mới bốc mùi hoặc ôi thiu, khi chế biến với nhiều loại gia vị khác nhau có thể làm mất đi mùi ôi thiu.