Tăng thông khí (Hyperventilation) là tình trạng hô hấp vượt quá mức nhu cầu của cơ thể do nhiều nguyên nhân gây nên.
Bình thường, hoạt động hô hấp của cơ thể sẽ đảm bảo cân bằng giữa cung cấp khí O2 và thải bỏ khí CO2, duy trì sự ổn định nội môi và các hoạt động bình thường khác của cơ thể.
Tăng thông khí là tình trạng hô hấp vượt quá mức nhu cầu của cơ thể, thường đi kèm với thở nhanh, phá vỡ thế cân bằng của việc hít dưỡng khí và đào thải thán khí ra khỏi cơ thể.
Sự mất cân bằng trong tăng thông khí làm tăng đào thải khí CO2 ra khỏi cơ thể, hậu quả là làm giảm hàm lượng của khí này trong máu. Sự biến đổi hàm lượng khí CO2 trong máu dẫn đến thay đổi tính chất nội môi, từ đó gây ra nhiều rối loạn khác nhau cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Đọc thêm:
Giải độc phổi, tăng cường chức năng phổi nhờ ăn uống và tập luyện
Những điều cần biết khi uống thuốc bổ gan và giải độc gan
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tăng thông khí. Những nguyên nhân này có thể là một bệnh lý tổn thương thực thể, nhưng cũng có thể là do yếu tố tâm lý gây nên. Xác định được nguyên nhân tăng thông khí là cơ sở để lựa chọn điều trị thích hợp.
- Nguyên nhân tâm lý: Tâm lý là nguyên nhân tăng thông khí rất thường gặp trên thực tế, chẳng hạn như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, đứng trước đám đông,... Căng thẳng tâm lý gây Stress và tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể, từ đó yêu cầu nhịp thở nhanh hơn và đào thải nhiều thán khí hơn.
- Do nhiễm trùng: Các tình trạng nhiễm trùng như viêm phổi,... đều làm tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể do sốt, do chức năng phổi suy giảm,... sẽ làm gia tăng nhịp thở và làm tăng thông khí.
- Tổn thương trung tâm hô hấp: Khi trung tâm hô hấp ở não bị tổn thương (thường gặp nhất là do chấn thương sọ não), nó sẽ mất khả năng điều hòa nhịp thở. Hậu quả có thể gây tăng thông khí hoặc giảm thông khí.
- Nhiễm toan chuyển hóa: Nếu bệnh nhân bị toan chuyển hóa (toan ceton, toan acid lactic,...) thì cơ thể sẽ tăng thông khí, tăng thải bỏ CO2 để gây nên kiềm hô hấp và cân bằng bù trừ với toan chuyển hóa.
- Một số bệnh lý về phổi: Một số bệnh lý về phổi như COPD, hen phế quản,... gây hẹp đường dẫn khí, khó thở. Điều này buộc người bệnh phải thở nhanh hơn để cung cấp được đủ dưỡng khí cho cơ thể.
- Thiếu dưỡng khí: Tiếp xúc đột ngột với các môi trường có hàm lượng oxi thấp (trên núi cao) thì cơ thể sẽ phải tăng nhịp thở để đảm bảo cung cấp đủ oxi cho quá trình trao đổi chất.
Đôi khi, tăng thông khí ở người bệnh không phải là hậu quả của một nguyên nhân đơn độc mà là sự phối hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như khó thở trong hen phế quản, COPD khiến người bệnh lo lắng, sợ hãi nên lại càng làm tăng thông khí nhiều hơn,...
Hội chứng tăng thông khí có biểu hiện rất đa dạng ở nhiều hệ cơ quan khác nhau, và có sự khác biệt lớn giữa tăng thông khí cấp tính và tăng thông khí mãn tính.
Các biểu hiện triệu chứng trong hội chứng tăng thông khí cấp tính có đặc điểm là xảy ra đột ngột, nhận biết tương đối dễ dàng và có thể chuyển biến nhanh chóng. Những biểu hiện thường gặp bao gồm:
- Biểu hiện hô hấp: Thở nhanh, khó thở, khò khè, một số bệnh nhân than phiền rằng họ cảm thấy khó thở.
- Biểu hiện tim mạch: Đau ngực, đánh trống ngực,... những triệu chứng này có thể kéo dài lên đến vài giờ.
- Biểu hiện thần kinh: Tê bì là một biểu hiện thần kinh rất phổ biến trong hội chứng tăng thông khí. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể kích động, chóng mặt, lú lẫn, ảo giác, ngất hoặc co giật,...
- Biểu hiện hệ tiêu hóa: Hội chứng tăng thông khí có thể dẫn đến các biểu hiện hệ tiêu hóa như đầy bụng, ợ hơi, đầy hơi.
Trái ngược với bệnh nhân bị hội chứng tăng thông khí cấp tính, các bệnh nhân mắc hội chứng tăng thông khí mãn tính thường có rất ít biểu hiện rõ ràng nên khó có thể phát hiện bằng triệu chứng.
Đa phần các bệnh nhân tăng thông khí mãn tính được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc như xét nghiệm khí máu động mạch. Khi này, người ta thấy có sự giảm nồng độ PaCO2 trong máu và các thay đổi cân bằng acid-base khác trong cơ thể để bù trừ với tăng thông khí, pH máu thường vẫn được giữ ở mức bình thường hoặc gần như bình thường.
Để chẩn đoán hội chứng tăng thông khí chính xác, phân biệt với các tình trạng bệnh lý khác và đánh giá mức độ để đưa ra phương án điều trị thích hợp,... thì việc thực hiện các xét nghiệm là điều không thể thiếu.
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Xét nghiệm khí máu động mạch là xét nghiệm quan trọng nhất trong chẩn đoán hội chứng tăng thông khí. Nếu có tăng thông khí, kết quả đo khí máu động mạch sẽ cho thấy hàm lượng khí CO2 trong máu thấp và tăng thải trừ bicarbonat qua thận để duy trì cân bằng.
- Chụp X-Quang hoặc CT-Scanner ngực: X-Quang hay CT-Scanner ngực cũng là những cận lâm sàng rất thường được dùng để đánh giá phổi của bệnh nhân. Những hình ảnh trên phim chụp có thể gợi ý các tổn thương tại phổi, sự tăng thông khí của bệnh nhân.
- Đo điện tim: Đo điện tim là cần thiết ở bệnh nhân tăng thông khí, nhất là những bệnh nhân có biểu hiện tim mạch, nó cho phép loại trừ được các tình trạng bệnh lý tim mạch cấp tính như hội chứng vành cấp,...
- Đo chức năng hô hấp khi thay đổi tư thế: Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thay đổi tư thế từ nằm chuyển sang đứng và đánh giá sự thay đổi hô hấp ở người bệnh khi nghi ngờ có tăng thông khí.
Hiếm khi hội chứng tăng thông khí khiến người bệnh tử vong, nó không phải là nguyên nhân có khả năng đe dọa cao đến tính mạng của người bệnh.
Tuy nhiên, hội chứng tăng thông khí cũng có thể gây nên một số biến chứng khác nhau như rối loạn thăng bằng kiềm toan của cơ thể, làm ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của người bệnh và có thể gây chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác như bệnh lý tim mạch.
Ngoài ra, bệnh nhân hội chứng tăng thông khí cũng có thể gặp phải các biến chứng trong quá trình thực hiện các thủ thuật xâm lấn như chụp mạch vành (phân biệt với hội chứng mạch vành), hoặc bị chấn thương do ngất khi tăng thông khí.
Nếu trường hợp hội chứng tăng thông khí ở bệnh nhân là do một bệnh lý thực thể gây nên như toan ceton, toan lactic,... thì điều trị nguyên nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chỉ có kiểm soát được nguyên nhân gây hội chứng tăng thông khí thì điều trị tăng thông khí mới đạt hiệu quả cao và hạn chế nguy cơ tái phát, hoặc nguy cơ trở nặng.
Tập thở cũng có tác dụng rất tích cực trong điều trị hội chứng tăng thông khí, người bệnh chủ động điều chỉnh nhịp thở và kiểu thở của bản thân để làm giảm tình trạng tăng thông khí. Rất có hiệu có hiệu quả đối với các trường hợp tăng thông khí do nguyên nhân tâm lý. Những điều cần nhớ khi tập thở điều trị hội chứng tăng thông khí bao gồm:
- Cởi bỏ bớt quần áo, thắt lưng, cà vạt hay áo ngực,... để tạo cảm giác thoải mái và không gây chèn ép lên lồng ngực khi thở.
- Thay vì thở bằng ngực, hãy luyện tập cách thở bằng bụng để thở sâu hơn.
- Thư giãn tâm lý và tập trung tinh thần để điều chỉnh nhịp thở của bản thân.
Để phát huy tốt nhất hiệu quả của việc tập thở, hãy thực hiện theo hướng dẫn của các bác sĩ vật lý trị liệu.
Trong trường hợp cần giảm nhanh nhịp thở của người bệnh thì các loại thuốc có thể được cân nhắc sử dụng.
- Thuốc an thần: Các loại thuốc an thần có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp và làm giảm nhịp thở khi sử dụng. Do đó có thể dùng để điều trị tăng thông khí cho bệnh nhân. Các thuốc thuộc nhóm benzodiazepine là những thuốc thường dùng trên thực tế.
- Thuốc ức chế serotonin: Nhờ tác dụng làm giảm mức độ và nguy cơ tái phát các đợt tăng thông khí nên những thuốc ức chế serotonin như paroxetine có thể được sử dụng để điều trị hội chứng tăng thông khí.
- Thuốc chẹn beta: Một số nghiên cứu cho rằng các thuốc chẹn beta cũng có thể giúp giảm cường độ và giảm tần suất tái phát của tăng thông khí.
Tư vấn tâm lý là cần thiết để cải thiện tinh thần của người bệnh cũng như giải quyết nguyên nhân tăng thông khí nếu nó do các yếu tố tâm lý như lo lắng, căng thẳng gây nên.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về tăng thông khí cũng như những nguyên nhân, hậu quả và cách điều trị tình trạng này trên thực tế. Nếu có các thắc mắc liên quan đến tăng thông khí, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp cụ thể và đầy đủ hơn.
Nguồn tham khảo:
1. https://emedicine.medscape.com/article/807277-overview
2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323607#summary