Sinh thiết phổi là thủ tục được chỉ định với nhiều mục đích khác nhau. Loại sinh thiết được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định. Cùng tìm hiểu về các loại thủ tục sinh thiết phổi và mục đích của nó trong bài viết sau.
Sinh thiết là thủ tục loại bỏ mô hoặc tế bào khỏi cơ thể để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết phổi là một thủ tục trong đó các mẫu mô phổi được lấy ra bằng kim sinh thiết hoặc phẫu thuật. Phương pháp này nhằm mục đích xác định xem bệnh nhân có bệnh phổi hoặc ung thư hay không.
Sinh thiết phổi có thể được thực hiện bằng phương pháp đóng hoặc phương pháp mở. Phương pháp khép kín được thực hiện qua da hoặc thông qua khí quản. Trong khi đó, sinh thiết mở được thực hiện trong phòng mổ và phải gây mê toàn thân.
Các loại thủ tục sinh thiết phổi bao gồm:
Sinh thiết kim: Thủ tục sinh thiết kim còn được gọi là sinh thiết kín qua thành ngực. Thủ tục này thường được tiến hành sau khi bệnh nhân được gây tê cục bộ. Mẫu mô được lấy bằng cách dùng kim dẫn qua thành ngực dưới sự hỗ trợ của chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc soi huỳnh quang.
Sinh thiết xuyên phế quản: Thủ tục này sẽ thực hiện thông qua ống nội soi phế quản- đường dẫn khí chính của phổi.
Sinh thiết lồng ngực: Thủ tục này còn được gọi là sinh thiết phẫu thuật lồng ngực có hỗ trở bằng video (VATS). Sinh thiết lồng ngực sẽ được tiến hành sau khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Nhiều loại dụng cụ sinh thiết được đưa vào ống nội soi để lấy mô ở phổi. Không chỉ giúp lấy mô, sinh thiết lồng ngực này còn được sử dụng như một thủ tục điều trị. Chẳng hạn như nó có thể giúp bác sĩ loại bỏ một số mô bị tổn thương gần đó.
Sinh thiết mở: Sinh thiết mở được xem là một loại thủ tục phẫu thuật. Do đó, bệnh nhân cần được nằm viện để theo dõi sau khi sinh thiết. Cũng như sinh thiết lồng ngực, thủ tục này cũng được thực hiện trong trạng thái gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch phần da trên ngực và cắt bỏ một mảnh mô ở phổi. Tùy vào kết quả sinh thiết, bác sĩ có tiếp tục thực hiện các phẫu thuật rộng hơn. Ví dụ như phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi.
Loại sinh thiết phổi được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như:
- Loại vấn đề về phổi.
- Vị trí của tổn thương.
- Tình trạng chung của bệnh nhân.
Sinh thiết phổi có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Để chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng phổi hoặc một số vấn đề liên quan đến phổi.
- Để đánh giá tình trạng bất thường xuất hiện trên kết quả CT scan hoặc X- quang ngực.
- Để xác định nguyên nhân của tràn dịch màng phổi.
- Để xác định các khối u ở phổi là lành tính hay ác tính.
- Để xác định giai đoạn (mức độ lan rộng) của các khối u ác tính.
- Để đánh giá một bất thường nhìn thấy trên X-quang ngực hoặc CT scan.
Sinh thiết phổi mở và lồng ngực được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Do đó, về bản chất, chúng cũng là một thủ tục phẫu thuật và có thể xảy ra biến chứng. Các biến chứng có thể xuất hiện khi sinh thiết mở và sinh thiết lồng ngực gồm có:
- Tình trạng mất máu hoặc huyết khối.
- Tình trạng nhiễm trùng.
- Đau đớn và khó chịu.
- Viêm phổi.
Trong khi đó, các loại sinh thiết phổi còn lại chỉ được thực hiện dưới tác dụng của thuốc an thần nhẹ hoặc gây tê cục bộ. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây ra một số biến chứng như:
- Tràn khí màng phổi do không khí bị giữ lại trong khoang màng phổi khiến phổi bị xẹp.
- Chảy máu trong phổi.
- Nhiễm trùng
Sinh thiết phổi cũng là một loại thủ tục phức tạp và có thể gây ra biến chứng. Vì vậy, bệnh nhân nên lựa chọn các bệnh viện có uy tín để tiến hành thủ tục này.